Bài viết KHÔNG tiết lộ tình tiết quan trọng của phim!
Trong nền văn hóa các nước châu Á, những ông, bà thầy đồng, thầy cúng không phải là một thứ gì đó quá xa lạ hay khó hiểu. Nhiều cộng đồng tin rằng thầy đồng, thầy cúng là những người có năng lực đặc biệt, thậm chí được thần linh tin tưởng để mang đến phép lành, giải trừ tai ương hay thậm chí là liên kết với người đã khuất, nhìn thấu yêu ma, quỷ dị.
The Medium (Bà Đồng) - bộ phim kinh dị mới nhất đến từ sự kết hợp giữa điện ảnh Thái Lan và Hàn Quốc đã lựa chọn chủ đề tâm linh về tín ngưỡng, Shaman giáo. Đến từ đạo diễn Banjong Pisanthanakun (nổi tiếng với Shutter, Tình Người Duyên Ma), The Medium không khiến người hâm mộ của thể loại kinh dị phải thất vọng.
Phim là một trải nghiệm kinh hoàng cả về nội dung lẫn cách biểu đạt, với sự bạo lực, kỳ bí quyện chặt vào một nội dung nhiều lớp lang, ý nghĩa về sự mê tín dị đoan cũng như quy luật "gieo nhân nào, gặt quả nấy".
Hieuthuba
Tôn giáo - đòn bẩy tâm linh cho nội dung đen tối "ác giả ác báo"
Shaman giáo là một hình thức tôn giáo cổ xưa, khi con người giao tiếp với Thần linh thông qua những "ông đồng", "bà đồng". Trong The Medium, một đoàn làm phim tài liệu vì tò mò với chủ đề tâm linh này nên đã tìm về một vùng quê phía Bắc của Thái Lan để làm phóng sự về Nim - một bà đồng nổi tiếng trong vùng. Nim được cho là đã được Bayan nhập, có khả năng chữa lành, giải trừ vận hạn cho người dân nơi đây.
Bayan là một vị thần cổ xưa được dân địa phương thờ phụng, đã nhập vào nhiều người trong gia tộc của Nim. Những người phụ nữ được thần Bayan nhập sẽ phải trở thành bà đồng. Đáng lẽ chị gái họ của Nim là Noi mới là người được Bayan chọn để nhập hồn, tuy nhiên bà chối bỏ "món quà" này và chuyển sang tôn giáo khác. Chính vì thế, linh hồn thần Bayan mới nhập vào Nim.
Sau nhiều cái chết của đàn ông trong gia đình, Ming (nhân vật đứng thứ 2 từ phải qua) dần có những biểu hiện kỳ lạ
Đàn ông trong gia đình của Nim thường có số phận bi thảm. Người thì bị chọi đá tới chết, người thì tự tử, còn con trai của Nim cũng thiệt mạng khi còn trẻ. Về phần Noi, bà có một người con gái xinh đẹp tên là Ming. Tuy nhiên, Ming dần dần bộc lộ những hành vi kỳ lạ.
Ở độ tuổi xuân xanh, Ming dần nghe thấy nhiều giọng nói trong đầu, không thể quản lý được hành động của mình. Có lúc cô nô đùa như một đứa trẻ, có lúc hành xử như một kẻ côn đồ, có lúc lại hoang dâm đến tột độ. Gia đình tưởng rằng đó là dấu hiệu thần Bayan đang muốn nhập vào cơ thể của Ming, tuy nhiên liệu đó có phải là sự thật? Liệu thế lực đang dần chiếm hữu Ming là một dạng thần linh quyền lực, hay là thứ quỷ dữ đến để bắt cả gia đình này phải trả giá cho những tội ác trong quá khứ?
Câu chuyện của The Medium sử dụng yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo để khẳng định góc nhìn của tác giả về quy luật trả giá, "gieo gió gặt bão".
Cho dù có rất nặng nề về yếu tố tâm linh, tà thuật, ma quỷ, thì The Medium vẫn khiến người xem phải nhận ra chân lý rằng người sống mới là nguồn cơn của tất thảy những tội ác tồi tệ nhất.
Hieuthuba
Nếu nói The Medium là phim kinh dị 18+ thì chính là một sự coi thường
The Medium là phim được thực hiện theo dạng found footage (các cảnh quay từ góc nhìn thứ nhất, giả lập phim tài liệu). Chính vì thế nên khi xem phim, ngay cả khán giả cũng dễ bị nhầm lẫn giữa lằn ranh thực - giả của tác phẩm. Điều này càng khiến câu chuyện của The Medium trở nên kinh dị, khi những sự kiện xảy ra trong phim dường như cũng chính là những thứ có thật ở ngoài đời.
Nửa đầu của bộ phim dễ tạo cảm giác chậm chạp, thiếu gay cấn. Đổi lại, nhà làm phim tận dụng phần đầu của The Medium để thiết lập bối cảnh, thế giới, quy luật trong phim để thực sự "bung xõa" từ nửa sau. Đến những phân đoạn cuối cùng, The Medium sẽ khiến nhiều khán giả phải khóc thét, rúm ró vì cao trào đẫm máu của mình.
Nếu nói The Medium là một tác phẩm kinh dị 18+ thì sẽ là một sự coi thường lớn với phim. Trong The Medium có đủ từ chém giết, ma quỷ, bùa chú cho tới những yếu tố đáng kinh hãi hơn như loạn luân, tình dục, ăn thịt người, tự tử, giết động vật... Những chi tiết này xuất hiện với tần suất dày đặc từ nửa sau của The Medium trở đi, khi những linh hồn đang chiếm hữu cơ thể của cô gái Ming ngày càng manh động và khát máu. Sự phản cảm kết hợp phong cách giả tài liệu cũng là điều khiến tác phẩm này trở nên khó xem vì nó tạo cảm giác quá thật.
The Medium có đủ từ chém giết, ma quỷ, bùa chú cho tới những yếu tố đáng kinh hãi hơn như loạn luân, tình dục, ăn thịt người, tự tử, giết động vật... Sự phản cảm kết hợp phong cách giả tài liệu cũng là điều khiến tác phẩm này trở nên khó xem vì nó tạo cảm giác quá thật.
Hieuthuba
Khác với những bộ phim ma thông thường, The Medium không có nhiều các cảnh hù dọa. Tuy nhiên, những lần hiếm hoi The Medium làm vậy cũng đủ để khán giả phải giật nảy mình vì khiếp đảm. Thành công lớn của phim có lẽ chính là nhờ nữ diễn viên Narilya Gulmongkolpech khi đã xuất sắc truyền tải một nhân vật bị ám tới mức độ tà ác cùng cực.
Chấm điểm: 3,5/5
Giống như mọi bộ phim giả tài liệu khác, The Medium xuất sắc trong việc khiến mọi thứ trở nên quá thực tế. Tuy nhiên, tác phẩm vẫn đụng độ một vài điểm yếu liên quan tới cách dựng và logic (ví dụ như anh quay phim cận kề cái chết vẫn giơ máy lên ghi hình không rung lắc, không out nét). Tuy nhiên, những điểm trừ này vẫn nằm ở mức chấp nhận được và không mấy ảnh hưởng đến nội dung quỷ dị, tà ác của phim.
Cái kết của The Medium sẽ khiến nhiều khán giả phải ngạc nhiên vì hướng đi khó ngờ của đạo diễn nói riêng và cả thể loại phim kinh dị nói chung. Nhiều câu hỏi, bí ẩn cũng không được giải đáp triệt để. Thay vào đó, có lẽ nhà làm phim đã quyết định để khán giả tự quyết định và lý giải những "vùng xám" mập mờ trong nội dung phim. Đến phút giây cuối cùng, The Medium vẫn để lại cảm giác hãi hùng, lo sợ và tò mò cho khán giả, khiến chúng ta khao khát được tiếp tục câu chuyện ấy - dù nó đã kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ.
Trailer phim kinh dị The Medium
Nguồn ảnh: GDH 559