Màn kết hợp giữa đả nữ Ngô Thanh Vân và nữ hoàng hành động Hollywood Charlize Theron ở The Old Guard(Tạm dịch: Những Chiến Binh Giã Cỗi) chính thức ra mắt vào ngày 10/07 mang lại những màn đấm đá vô cùng mãn nhãn cho khán giả đồng thời, để lại khá nhiều điều đáng suy ngẫm về khái niệm thời gian, cách chúng ta sống và giá trị của cái chết.
Trailer phim "The Old Guard"
The Old Guard kể về câu chuyện vô tận của Andromeche - hay còn gọi là Andy (Charlize Theron). Cô dẫn đầu một nhóm lính đánh thuê gồm những người bất tử. Họ không biết tại sao mình bất tử, chỉ biết rằng một ngày nọ, những vết thương chí mạng cứ thế tự lành lặn không để lại dấu vết nào. Trải qua mấy thế kỷ, chẳng có thành viên nào trong đội già đi. Cái chết đối với Booker, Joe, Nick và cả Andy chỉ như một khái niệm mơ hồ. Nếu đã không chết thì hãy sống sao cho hữu ích, Andy quyết định cùng nhóm của mình trở thành những chiến binh bảo vệ cho chính nghĩa dưới hình thức một đội... lính đánh thuê. Cả nhóm luôn giúp làm những nhiệm vụ từ các cơ quan chính phủ như giải cứu con tin v.v... dĩ nhiên là đi kèm với một tờ hóa đơn tiền thù lao. Nhóm lính đánh thuê cứ sống đời sống nguy hiểm như vậy qua hàng trăm năm cho đến khi, sự bất tử dần biến mất.
Charlize Theron và biệt đội lính đánh thuê bất tử
Kịch bản ngắn gọn, chặt chẽ và tập trung khai thác "trải nghiệm" của những người bất tử
Đạo diễn Gina Prince-Bythewood thể hiện mình khá chắc tay trong lần "cắt gọt" kịch bản lần này. Những tình huống không cần thiết, cô bỏ qua luôn. Ví dụ như lý do của sự bất tử, cách thức khiến cơ thể của các chiến binh tự phục hồi v.v... đều bị mạnh tay gạt khỏi kịch bản. Vì chúng chẳng liên quan gì đến mạch phim. Ngay cả những đoạn hồi tưởng, đạo diễn cũng chỉ chọn ra vài khoảnh khắc chớp nhoáng cần thiết nhất rồi chắp nối lại để tạo chiều sâu cho nhân vật.
The Old Guard tập trung khai thác những khía cạnh bất hạnh của sự bất tử - thứ mà loài người lầm tưởng là một "món quà". Thứ gắn liền với sự vĩnh hằng - đối với những chiến binh già cỗi thật ra chỉ là nỗi đau, sự mất mát, ân hận, tiếc nuối, chia ly đeo bám họ dai dẳng qua hàng trăm năm. Gina chỉ ra một vấn đề khá hiển nhiên mà chúng ta ít nghĩ tới khi nhắc đến sự bất tử, đó là những kẻ "bị" ban món quà sẽ phải rời xa người thân yêu để tránh làm xáo trộn cuộc sống của họ. Thầm lặng từ xa nhìn con cháu mình dần dần qua đời, đó là sự đau đớn kéo dài hàng trăm năm, có thể là mãi mãi. Nhưng giữa biển khổ của các mảnh đời vô tận, lại le lói sự lãng mạn. Hai người bất tử tìm thấy tình yêu dành cho nhau, và họ có cả trăm thậm chí nghìn năm để đắm chìm trong tình yêu của đời mình. Cho dù giữa những hoàn cảnh khốc liệt nhất, luôn có tình yêu nở hoa. Đó là sự mềm mại mà đạo diễn Gina Prince-Blythewood tìm thấy trong chủ đề phim của mình.
Sự bất tử gắn liền với nỗi cô đơn - nhân vật Niall đang trầm tư về số phận
Nhân vật ấn tượng của Ngô Thanh Vân: Quỳnh - cô gái "thấm đòn" nhất từ món quà bất tử
Không biết làm sao mà đạo diễn và biên kịch lại có thể xây dựng nên một nhân vật dù xuất hiện ít nhưng lại chất lượng như nhân vật Quỳnh của Ngô Thanh Vân. Cô cũng là một trong những Chiến Binh Già Cỗi thế hệ đầu. Quỳnh và Andy kề vai sát cánh bên nhau, chiến đấu qua giai đoạn đầu của thời phong kiến châu Á cho đến thời kỳ săn phù thủy tàn khốc của châu Âu.
Nhân vật Quỳnh trong "The Old Guard"
Quỳnh phải nếm trải mặt tối tận cùng của sự bất tử. Đó là sự bất lực vô tận. Cô không bị tước đi khả năng hồi phục, nhưng nó bị dùng làm vũ khí chống lại Quỳnh. Bị giam trong một nhà lao hơn 500 năm trời, cơ thể không ngừng hồi phục nhưng lại không thể giải thoát bản thân, bản án mà Quỳnh phải chịu là sự tra tấn, kìm hãm mãi mãi. Tuy chỉ xuất hiện trong vài phút ngắn ngủi, nhưng sự tồn tại của Quỳnh là bóng đen ám ảnh và động lực chiến đấu vô bờ dành cho Andy. Hơn ai hết, Andy hiểu điểm yếu của những kẻ sống mãi không chết. Đó chính là một bản án chung thân không bao giờ được mãn hạn tù.
Quỳnh phải trải qua sự bất tử của mình trong nhà giam
Hạt sạn khó hiểu nho nhỏ trong logic phim: Thời trung cổ nhưng người nước nào cũng biết nói tiếng Anh?
Andy là người bất tử từ rất lâu rồi. Đến mức cô không còn nhớ được quá khứ của mình nữa. Trên chặng đường phiêu lưu, cô lang thang đến khắp mọi châu lục trên Trái đất và tiếp cận với mọi nền văn minh nhân loại. Từ đây nảy sinh một vấn đề khá phi logic, tuy nhỏ nhưng khó bỏ qua. Cô giao tiếp bằng ngôn ngữ gì? Từ Quỳnh - một người Việt sống ở châu Á đến những người da màu mặc trang phục thổ dân đầy màu sắc, đạo diễn "san bằng" hết. Tất cả đều giao tiếp bằng... tiếng Anh hiện đại?
Hai cô nàng chiến đấu trong cuộc chiến Ba Tư nhưng... vẫn giao tiếp bằng tiếng anh.
Biết là đạo diễn bỏ qua rào cản ngôn ngữ để phim dễ hiểu hơn nhưng phải chăng vẫn nên có một đoạn giải thích? Trong phim, nhân vật Andy được ám chỉ là nói được nhiều ngôn ngữ từ tiếng Do Thái cho đến tiếng Nga. Nhưng thực chất cô nàng chỉ nói được 2 câu thoại tiếng Nga còn lại gặp ai cũng sổ tiếng Anh cứ như thời phong kiến ngày xưa, tiếng Anh đã thành ngôn ngữ quốc tế vậy. Tương tự, nhân vật của Ngô Thanh Vân nói tiếng Anh hơi... sõi khiến cô nàng bị mâu thuẫn với tiểu sử của mình. Một cô nàng người Việt cổ, nói tiếng Anh chắc còn rành hơn người bản xứ.
Nhìn chung, cho dù The Old Guard vẫn còn ít sạn hơi "cấn" nhưng phim vẫn là một bức tranh khá tối màu về sự tàn khốc của lịch sử, cũng như bức chân dung mới lạ về cuộc sống của những người bất tử. Phim nâng cao giá trị cuộc sống, rằng cái chết cũng quan trọng như sự ra đời. Không hẳn phải là bất tử mới viên mãn, mà quan trọng là chúng ta đã sống như thế nào và cảm giác khi cuối đời, nhìn lại chúng ta đã sống nguyên vẹn hay chưa?
The Old Guard được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên hiện đang được công chiếu trên kênh Netflix.