Đầu tiên, xin được gọi Hà Lan (Trúc Anh) là nó, bởi tất cả những ai xem Mắt Biếc đều “biết” nó từ tấm bé, ngay cái ngày vừa đặt chân vào cửa lớp 1A ở làng Đo Đo năm 1961 ấy. Và cũng bởi qua thời gian, Hà Lan nó có lớn, có khôn, nhưng về bản chất vẫn không đổi thay. Nên hãy cứ để con bé Hà Lan, thiếu nữ xuân thì Hà Lan, cô gái - người đàn bà Hà Lan vẫn được là “nó” đi vậy. Mắt Biếc được kể trên góc nhìn của Ngạn (Trần Nghĩa), nên từ nguyên tác, câu chuyện tình “nghe thấy mà tức” đã luôn nghiêng về phe Ngạn. Nhưng điều đáng lưu tâm là Victor Vũ đã thổi vào câu chuyện Mắt Biếc trên màn ảnh rất nhiều sự trân trọng nhân vật nữ chính này, cho Hà Lan thêm rất nhiều lần được cất tiếng lòng, dù chỉ qua sự kiện, cử chỉ, hành động. Có thể nói, một Hà Lan từ những trang giấy lên đến màn ảnh đã trở nên có tình có lí rất nhiều.
Với một gương mặt mới ở sân chơi điện ảnh như Trúc Anh, dù còn nhiều phân cảnh diễn viên trẻ này chưa đủ nội lực và sự trải đời để tả cô nàng Mắt Biếc, ta cũng phải khách quan nhìn nhận về bản chất, vai Hà Lan có tâm tư phức tạp vì cuộc đời đã mang đến cho người con gái này quá nhiều biến cố. Nhưng kể cả thế, Hà Lan kì thực là một đứa con gái đơn giản, từ bé đến lớn đều không thay đổi.
Sau cái ngày đặt chân lên cái bậu cửa lớp 1 và ngồi cạnh thằng bạn cùng bàn ị đùn, sang hôm sau “dời” được thằng Ngạn ngồi trấn vào giữa cho yên tâm, Hà Lan từ bé nó đã biết mình được quan tâm rồi. Ngày Ngạn đánh nhau với lũ nít ranh dám hà hiếp con Lan gần khóm tre làng, Hà Lan hẳn nhận ra mình được thằng quỷ nhỏ này ưu ái vì xinh xắn. Lớn lên bên cạnh người bảo vệ mình, làm gì cũng có thằng Ngạn tò tò “hộ giá”, rồi còn mấy lời hứa “mai mốt Ngạn có tiền mua cho Hà Lan hết cái này cái kia”, Hà Lan quen luôn việc mình là “hotgirl”. Ngày sắp rời Đo Đo lên thành phố, miệng nó còn sợ lên đó chẳng có bạn mà chơi. Lần đó, đố nó biết mình có thể đổi thay và quên người bạn thiếu thời này nhanh như vậy khi đặt chân lên chốn phồn hoa đô thị?
Bản chất của vạn vật là thay đổi, còn thích nghi chính là điểm nổi bật giúp con người tiến hoá. Đến vi khuẩn E.coli cũng biết tiến hoá (kháng thuốc kháng sinh) thì con người chẳng có gì sai khi khát khao khám phá và tìm những cơ hội mới, trải nghiệm một cuộc đời khác. Hà Lan là một con người đúng bản chất của nó và chẳng có gì sai khi nó hoà nhập cuộc sống trên thành phố. Bản thân nó biết điều đó, Ngạn có lẽ cũng hiểu. Nên Ngạn thấy nó mơ màng nghe Dũng đàn, chứng kiến nó đứng ngóng Dũng từ cổng trường, đến cái khoảnh khắc Hà Lan lắc lư bên ông bạn mới quen giữa cái vũ trường lập loè, Ngạn vẫn thấy con nhỏ mà mình yêu cắm đầu cắm cổ kia có lí. Nên Ngạn chỉ buồn chứ không tức.
Chưa hết, minh chứng cho sự đơn thuần nhất quán của Hà Lan trong Mắt Biếc rõ nét phải kể đến cái hộp dầu cù là. Hai lần Ngạn u đầu xức trán vì muốn bảo vệ Hà Lan, dù là cách nhau có lẽ 10 năm, đối với nó, hộp dầu cù là vẫn là thứ chữa bách bệnh, kể cả sau khi lên thành phố chưng diện, mê trai đẹp sành điệu, kể cả khi đã một lần suýt bị Dũng đá. Nhắc đến Dũng, khi Dũng trở lại rước Hà Lan sau mấy ngày lặn mất tăm, dù ngồi cạnh nó vài lần đón đưa là Ngạn, thì chỉ cần nghe tiếng pô xe sành điệu củ kiệu của ông bồ mới quen, con nhỏ đã đứng phắt dậy, quên ngay lập tức thằng bạn và cả hai li nước vừa bê ra.
Ngạn trong lòng Hà Lan là quá nhiều để nó đủ tự tin mà yêu. Ngạn là “vệ thần”, là bình yên, là tất cả những gì tốt đẹp nhất ở Đo Đo đối với Hà Lan ngoài gia đình ruột thịt. Ngạn cũng là thằng con trai - người đàn ông duy nhất trong cuộc đời này chưa từng làm nó buồn. Người nuôi cả mẹ con nó, người trấn giữ cái hồn Đo Đo trong lòng nó, là quá nhiều, vượt qua những thứ nó tự tin có thể giữ. Vì vậy đôi khi cũng trở thành điểm yếu của nó. Là đứa con gái ngày xưa ở Đo Đo luôn có Ngạn bảo vệ, lên thành phố và cho tới khi gặp lại Ngạn, đời Hà Lan chẳng có một người bạn khác giới nào xuất hiện. Một đứa con gái chân yếu tay mềm, bản năng thích nghi đòi hỏi nó muốn tìm những người bạn mới, “thử không có Ngạn thì có làm sao không” và thử dừng mong chờ, thôi dựa giẫm vào người bạn thân đang ở quá xa. Có thể vì nỗ lực đó, Hà Lan để Dũng cuốn vào cuộc hẹn hò vô hậu cực nhanh. Dũng là một câu trả lời cho sự tự ti trước Ngạn.
Hà Lan đơn giản như vậy, thế tóm lại có biết yêu Ngạn bao giờ?
Có và cũng không. Nói rõ hơn, ở một vài khoảnh khắc nó lờ mờ nhận ra mình có rung động trước Ngạn, nhưng điều đó không kéo dài: lần Ngạn ghé sát môi nó ở đồi sim, lần mẹ con Hà Lan được Ngạn cứu đói, lần đọc thư Ngạn gửi Trà Long. Trong đó lần đầu là chưa đủ rung động để hiểu, lần thứ hai là quá nặng ơn, lần thứ ba vừa nhận ra cũng biết là đã muộn.
Việc từ Đo Đo lên phố đồng nghĩa với việc nó muốn chạm đến một cuộc sống mới. Trở thành một phiên bản Hà Lan phố thị. Trong khi ở Ngạn ngoài sự an toàn như gia đình, còn quá chật chội cũ kĩ như một bóng ma tâm lí ám ảnh rằng “Hà Lan, đây là Đo Đo, Ngạn và Hà Lan quê mùa, đừng hòng chạy đâu cho thoát!”. Phần lớn cuộc đời Hà Lan là chạy khỏi chiếc bóng ma này, kể cả việc về Đo Đo, lẫn cái lần Trà Long rủ lên đồi hoa sim nó cũng không muốn bén mảng đến. Đo Đo, Ngạn, Trà Long là 3 yếu tố ám ảnh đến từ vùng cấm địa kí ức của Hà Lan.
Đo Đo ở lại phía sau thì Ngạn xuất hiện nơi thành phố, Ngạn trưởng thành thì Trà Long lại ra đời và ngày một lớn lên như chính nỗi ám ảnh thô cục dần hiện ra rõ nét và bắt nó phải đối diện. Rồi lại thêm câu nói xoáy tận tâm can từ bà mẹ ruột đơn thân của nó đã ghim vào đầu từ bao giờ: “Đàn bà chửa hoang không có đàn ông tốt nào yêu", chính từ người mẹ dại khờ đã gieo tư duy bất hạnh lên chính con gái mình, rồi khi nào Hà Lan mới thấy mình xứng đáng khi con cái đẻ ra lớn lên đâu phải là thứ có thể bỏ đi làm lại từ đầu?
Hà Lan có yêu thương Trà Long không?
Có, nhưng với Hà Lan, Trà Long là nỗi sợ hiện hình, rõ dạng.
Làm mẹ từ lúc 16 tuổi và trải qua cảm giác một mình vật vã từng đêm với Hà Lan cứ nghĩ đến là hãi hùng. Ngày biết có Trà Long bên trong mình, thế giới đổ sập xuống trước mặt Hà Lan, làm sao dám quên 9 tháng nằm phòng trọ cửa đóng kín bưng, thất học, bị Dũng vứt bỏ, đến cả lon gạo để làm sữa cho con cũng phải đi gõ cửa xin từng nhà một, là một đoạn thời gian u uất cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng kéo dài như địa ngục. Nên mới có lúc nó nói với Ngạn là nếu không có Trà Long, thì nó còn có thể quay lại từ đầu. Gặp phải Trà Long ngay lúc đang đi bên tình nhân mới, Hà Lan vẫn không nhận con dù thân là mẹ ruột.
Việc nhìn thấy Trà Long lớn lên từng ngày còn là cơn sợ hãi đến từ quá khứ vật lộn của hai mẹ con trốn chui trốn lủi đùm bọc nhau cứ hiện càng to, càng rõ. Trà Long như một vùng cấm địa kí ức vậy. Nếu thấy Ngạn là một bóng ma cũ kĩ cọc cạch, thì Trà Long với Hà Lan là một ác mộng đời thật từ Dũng. Việc Hà Lan tách con từ sớm đồng nghĩa tâm lí chối bỏ quá khứ đầy tổn thương của nó. Cũng từ đó, bản năng làm mẹ cũng chỉ dựa trên nhu cầu/nghĩa vụ cơ bản nhất là gửi tiền về nuôi Trà Long. Mặt khác, Trà Long còn đại diện cho thời trẻ bốc đồng nông nổi, là đáp án sai của phép thử thoát khỏi vòng tay an toàn của Ngạn nhiều lần.
Trước ngày bị bỏ lại giữa sân ga, Hà Lan luôn biết Ngạn yêu nó, nhưng cũng như ở The Perks of Being a Wallflower có câu “Chúng ta bằng lòng với tình yêu mình đã nghĩ là mình xứng đáng", Hà Lan chưa bao giờ cảm thấy mình xứng đáng với Ngạn, tình yêu của Ngạn quá phi thường, còn Hà Lan sau đổ vỡ với Dũng là quá tầm thường, mặc nhiên bao lần được dúi quả tim vào tay, không lần nào nó dám nhận. Càng bị dúi đến, Hà Lan càng cảm thấy mình quá thấp kém so với Ngạn, càng đáng thương cho nó, cho Ngạn, càng cảm thấy khó tin, sợ rằng người duy nhất luôn bên mình này rồi sẽ lại biến mất như Dũng, như Linh (tình nhân suit đỏ).
Ngày Ngạn bỏ đi ấy khỏi làng Đo Đo ấy cũng là lần duy nhất Ngạn đi khỏi Đo Đo mà không phải để đến với nó. Tất cả những lần khác, Ngạn đều từ Đo Đo đến với Hà Lan. Đang an ủi con thì nghe con khẳng định Ngạn yêu mình, rồi lại đọc thư Ngạn để lại cho Trà Long, nó hiểu “Đo Đo là tất cả của Ngạn" thật sự nghĩa là gì. Và hôm ấy Ngạn bỏ Đo Đo lại sau lưng và đi khỏi nó là bỏ lại điều gì. Đo Đo là vùng trời kí ức với Hà Lan của Ngạn, nhưng rời khỏi Đo Đo, là Ngạn từ bỏ luôn cả Hà Lan hiện tại lẫn Hà Lan trong kí ức, hoặc là Hà Lan, hoặc không gì cả, tình yêu này chỉ có thể như vậy.
Trong người đàn bà tên Hà Lan bây giờ là một ma trận cảm xúc, những cơn đau lòng, nỗi lo sợ kéo đến một lúc. Đôi Mắt Biếc bỗng tối sầm, điều nó sợ đã đến, nỗi sợ yêu Ngạn rồi sẽ mất luôn cả Ngạn giờ hiện hữu rõ mồn một và đã là quá muộn. Tại trường đoạn kết phim này, đáng lẽ thời điểm Ngạn bỏ đi nên được đẩy lên thành bước ngoặt cao trào rồi Hà Lan mới đọc thư Ngạn gửi Trà Long, rồi mới chính tai nghe con gái mình nói. Đây là một đoạn đáng tiếc, lẽ ra có thể đẩy cảm xúc được mạnh hơn. Tuy nhiên cũng có khả năng đây là một thủ pháp của đạo diễn Victor cố ý tạo cảm giác bầu trời chao đảo, các sự kiện xáo trộn trong suy nghĩ của nhân vật Hà Lan.
Tương tự đối với cảnh Hà Lan chạy ra bến tàu, đoạn này có thể đẩy thêm nhiều hành động thể hiện nỗ lực của Hà Lan khi chạy đến bên Ngạn ở từng nấc cảm xúc vừa chạy, vừa vỡ ra nhưng có vẻ chưa tới. Việc Hà Lan chạy theo Ngạn nhưng chưa từng cất tiếng gọi, cũng có hành vi khó hiểu là chạy sang đường tàu đối diện chỉ khiến mất thêm thời gian là bởi vì lúc này nó vẫn còn quá nhiều nỗi sợ. Vẫn là nỗi sợ mình không xứng đáng với Ngạn, Mắt Biếc ầng ậng nước đối diện một sự thật: Hà Lan vừa bỏ lỡ cùng lúc 2 thứ quan trọng là chuyến tàu cuối cùng và người thương mình thật lòng. 30 năm có nhau quá dài, để rồi mất Ngạn trong tích tắc không thể ngờ.
Hà Lan mất Ngạn không phải nó xem thường Ngạn mà là tự xem thường chính mình, luôn thấy mình không xứng. Cũng đừng nhầm 30 năm bên cạnh nhau là Hà Lan thương hại Ngạn. Hà Lan đã cho Ngạn quyền được cho đi và cô nàng này có lí của nó.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn Hà Lan có thực sự đáng trách?
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Mắt Biếc hiện đang công chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc.