"Thủy quái Đầm lầy đen" - Phiên bản lỗi của chàng người cá gợi tình trong "The Shape of Water"

Bất mãn với chuyện thủy quái bị người đẹp từ chối trong bộ phim kinh dị trắng đen Creature from the Black Lagoon (1954), đạo diễn Guillermo del Toro đã quyết định phải làm ra một phim khác để đòi lại sự công bằng cho chàng trong "Shape of Water"

Năm 1954, Universal đã trình làng trước công chúng gã quái vật cuối cùng trong bộ sưu tập các quái nhân trên màn bạc của hãng (bao gồm Frankenstein, Godzilla, King Kong, Dracula, Wolf Man…) qua bộ phim Creature from the Black Lagoon . Nhân vật này không có tên, chỉ được gọi ngắn gọi là Creature (sinh vật) hoặc Gill-man.

Thủy quái ngày xưa
Thủy quái ngày xưa

Trong phim, Creature được giới thiệu là một sinh vật nửa người nửa cá, sống ẩn dật trong vùng rừng sâu Amazon. Một ngày nọ, một nhóm các nhà khoa học đã phát hiện và tiến hành vây bắt Creature để đưa về Mỹ nghiên cứu.

Sau thành công của Creature from the Black Lagoon, gã thủy quái nguyên thủy này tiếp tục xuất hiện trong 2 phim nữa, từ năm 1954 đến 1956. Từ đó đến nay, Creature đã trở thành một phần trong biểu tượng văn hóa đại chúng cũng như luôn có một chỗ trong trái tim những khán giả yêu thích dòng phim kinh dị.

Và thủy quái ngày nay
Và thủy quái ngày nay

Mới đây nhất, bộ phim The Shape of Water của đạo diễn Guillermo del Toro cũng lấy cảm hứng từ Creature from the Black Lagoon, phần lớn là tạo hình và xuất thân của nhân vật.

1. Truyền thuyết về những người cá trên sông Amazon và Citizen Kane

Chàng thủy quái của The Shape of Water là phiên bản nâng cấp của Creature from the Black Lagoon. Còn xuất thân của gã quái vật đầm lầy trên màn ảnh thì lại đến từ một câu chuyện của những sự tình cờ để tạo ra định mệnh.

Trong một buổi tiệc chiêu đãi đoàn phim Citizen Kane, nam diễn viên William Alland đã gặp gỡ và chuyện trò với quay phim Gabriel Figueroa. Tại đây, Gabriel đã kể về một giống loài nửa người, nửa cá sinh sống tại vùng sông Amazon mà bạn bè ông đang dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu. Thậm chí, một trong những người ông quen đã mất tích khi thực hiện bộ phim tài liệu về nó. Câu chuyện gây ấn tượng với William nhiều tới mức mười năm sau, khi đã trở thành nhà sản xuất, ông quyết tâm phải đưa ý tưởng lên màn ảnh.

Kết hợp từ câu chuyện của Gabriel, vài gia vị đến từ truyện cổ tích Beauty and the Beast, bộ phim về một thủy quái đáng sợ nhưng cô đơn đem lòng cảm mến một phụ nữ trẻ được ra đời. Ban đầu, phim dự kiến mang tên The Sea Monster (Quái vật Biển).

2. Bên trong thủy quái, luôn là một người đàn ông cao 1m9

Với chiều cao 1m95, lại từng nhiều lần đóng vai Frankenstein trong phim của Universal, nam diễn viên Glenn Strange đã được chọn để vào vai Gill-Man. Tuy nhiên, sự tự hào của một cao bồi quá lớn đã khiến Glen bỏ vai: "Tôi là cao bồi. Mà cao bồi với nước thì làm sao mà hợp được!".

Ben Chapman cho phiên bản Creature trên bờ
Ben Chapman cho phiên bản Creature trên bờ

Nam diễn viên Ricou Browning là người được chọn thay thế. Thực ra, có tới 2 người đảm nhận vai diễn Creature trong bộ phim này. Ricou Browning có chiều cao 1m9, sẽ thực hiện những phân đoạn Creature ở dưới nước. Còn đồng nghiệp của ông, Ben Chapman, cao 1m96 sẽ là Creature khi ở trên bờ. Tuy nhiên, Ricou được nhớ đến nhiều hơn vì ông còn đóng vai này trong hai bộ phim sau là : Revenge of the Creature (1955) và The Creature Walks Among Us (1956).

Ricou Browning sẽ là Creature dưới nước
Ricou Browning sẽ là Creature dưới nước

Có hai khuôn hình thủy quái được đúc riêng cho mỗi diễn viên. Tuy nhiên, vì sự khác biệt chiều cao và hình thể, nên mỗi mẫu sẽ có những đặc điểm riêng sao cho phù hợp với người mặc. Như bộ áo của Chapman thì phần ngực sẽ có thêm 1 miếng đệm, màu sắc sẽ tối hơn. Còn bộ của Ricou thì sáng hơn để phục vụ việc quay dưới nước.

Thủy quái trong phim của Guillermo del Toro
Thủy quái trong phim của Guillermo del Toro

Trong The Shape of Water, Doug Jones - nam diễn viên thể hiện vai thủy quái cũng có chiều cao ấn tượng: 1m92. Vai diễn chỉ do một mình Doug đóng. Còn những cảnh thủy quái ở dưới nước và bơi lội, đều là sản phẩm của kỹ thuật số.

3. Cô gái đã từ chối thủy quái

Không giống như Elisa của Sally Hawkins trong The Shape of Water, người đẹp trong Creature of the Black Lagoon không rơi vào lưới tình của thủy quái. Dù rằng, nữ diễn viên Julie Adams cũng có những suy nghĩ cảm thông dành cho nó. Cô cho biết, thủy quái dường như đại diện cho những cá nhân luôn khao khát được yêu nhưng cũng luôn ám thị mình bởi suy nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ có được tình yêu.

Người đẹp của thủy quái năm xưa
Người đẹp của thủy quái năm xưa

Trong Creature from the Black Lagoon, những cảnh quay dưới nước thật sự luôn khiến Julie Adams cảm thấy khó khăn. Cô đã từng có trải nghiệm nhớ đời khi phải ghi hình thời tiết giá buốt, còn bể nước thì chưa được bật chế độ làm ấm.

Julie Adams đã tự mình thực hiện những cảnh hành động trong phim. Dù sau này đã rất nỗ lực đóng nhiều phim khác, nhưng cái tên của cô vẫn luôn gắn liền với câu chuyện tình đơn phương của thủy quái trong Creature from the Black Lagoon.

4. Đôi mắt thủy quái luôn là phần khó khăn nhất

Cách duy nhất để thể hiện cho người xem biết được cảm xúc của thủy quái chính là đôi mắt. Nhưng đây luôn là vấn đề khó giải quyết nhất trong quá trình tạo hình cho bất cứ gã thủy quái nào.

Đôi mắt là phần quan trọng nhất trên gương mặt thủy quái
Đôi mắt là phần quan trọng nhất trên gương mặt thủy quái

Bộ trang phục cồng kềnh và dày khiến cho hai diễn viên vào vai Creature năm xưa gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là phần nhìn. Hốc mắt được bao bọc bởi lớp mũ áo dày khoảng 3 cm khiến cảnh vật xung quanh như được nhìn qua một lỗ khóa mờ. Điều này làm cho Chapman nhiều lần vấp ngã hoặc đụng đầu vào Julie Adams.

Trong The Shape of Water, với sự tiến bộ của kỹ thuật làm phim, phần trang phục đã bớt cồng kềnh hơn. Và đôi mắt lung linh của thủy quái trên phim, thực ra là sản phẩm kết hợp giữa đôi mắt bằng nhựa cứng với nhiều hiệu ứng máy tính.

5. Thủy quái cũng có ca khúc riêng

Huyền thoại âm nhạc quá cố Lord Melody đã sáng tác một bài hát có tựa đề Creature from the Black Lagoon vào năm 1957. Nội dung ca khúc là lời than thở của một người đàn ông dự tính sẽ phẫu thuật thẩm mỹ vì nhiều người bảo anh ta trông rất giống Creature đến từ vùng đầm lầy đen.

6. Hình dạng của Creature được lấy cảm hứng từ… tượng vàng Oscar

Năm 1951, đạo diễn Jack Arnold nhận được một đề cử Oscar với phim tài liệu With These Hands. Dù không thắng giải, nhưng ông vẫn giữ gìn bức thư chúc mừng mà Viện hàn lâm gửi cho các ứng cử viên. Khi nhận lời thực hiện Creature from the Black Lagoon, Jack tình cờ trông thấy bức ảnh có tượng vàng Oscar năm xưa và ngay lập tức nảy sinh những phác họa đầu tiên cho thủy quái.

Ông đã tạo ra một mô hình cao su theo tượng Oscar, bỏ phần đầu người đi để thay bằng một cái đầu cá, thêm vây, thêm vảy và đuôi. Thế là từ đó, Jack đã có cho riêng mình một tượng vàng Oscar độc nhất vô nhị.

Cảnh phim gây ấn tượng mạnh cho Guillermo del Toro khi ông 6 tuổi
Cảnh phim gây ấn tượng mạnh cho Guillermo del Toro khi ông 6 tuổi

7. Sequel của chàng Creature là phim đầu tiên của huyền thoại Clint Eastwood

Sau thành công của phần 1, hãng Universal quyết định thực hiện phần thứ hai có tên là Revenge of the Creature, ra mắt năm 1955. Trong phim, diễn viên kiêm đạo diễn huyền thoại trong tương lai của Hollywood đóng vai một trợ lý phòng thí nghiệm. Tuy không có tên trong bảng phân vai, nhưng đây là vai diễn điện ảnh đầu tiên trong sự nghiệp của ông.

Clint Eastwood trong sequel của Creature from the Black Lagoon
Clint Eastwood trong sequel của "Creature from the Black Lagoon"

Nhớ lại trải nghiệm trên phim trường năm xưa, Clint cho biết: "Đó là cách tồi tệ để khởi nghiệp diễn xuất: bước vào cảnh quay và biết rằng đạo diễn ghét mất cảnh rồi. Rồi sau đó, bạn biết là ông ta cũng ghét luôn cả bạn." Clint đã từng tranh cãi với đạo diễn Jack Arnold về một cảnh trong phim.

Sự tương đồng trong hình ảnh của hai phim
Sự tương đồng trong hình ảnh của hai phim
Tập đoàn Quái nhân nổi tiếng của hãng phim Universal
Tập đoàn Quái nhân nổi tiếng của hãng phim Universal