Có lẽ fan hâm mộ anime nào cũng đã có lần hối tiếc vì lãng phí thời gian theo dõi một anime nào đó và rồi đón nhận sự hụt hẫng thất vọng trên một khía cạnh nào đó. Cho dù là hình ảnh xấu, nội dung càng về sau càng chán, không bám theo nguyên tác hay một sự xuống cấp so với phần trước, dưới đây là 10 anime khiến fan hâm mộ ước rằng có thể quên đi sự tồn tại của chúng.
10. Umineko: When They Cry (2009)
Nội dung các vụ án mạng bí ẩn là một thứ không hề dễ dàng khai thác. Chúng cần phải lôi cuốn, có tiết tấu tốt và có đầy những nút thắt hấp dẫn gây sốc cho khán giả. Do đó mà khi có thông tin visual novel trinh thám “Umineko: When The Cry” được chuyển thể thành anime, fan hâm mộ đã vui mừng mong ngóng để rồi nhận lấy một sản phẩm nửa mùa, có chất lượng không thực tốt kèm theo nội dung có sự đổi khác so với nguyên tác.
9. Kiss x Sis (2010)
Ai cũng biết Nhật Bản là một đất nước có tư duy sáng tạo cởi mở, tự do và không ngại động đến những vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên quyết định sản xuất một cả một series anime đậm chất ecchi về hai cô em gái cố gắng quyến rũ người anh trai của họ thì dường như mọi thứ đã đi hơi quá giới hạn. Không ít khán giả theo dõi “Kiss x Sis” đã cảm thấy nóng mặt và khó chịu với hình ảnh hai cô em gái sử dụng mọi cơ hội để “nhử” ông anh của mình phạm luật.
8. Darker Than Black: Gemini of the Meteor (2009)
Có quá nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, có quá nhiều hướng đi để phát triển một series hấp dẫn, và rồi nhà sản xuất làm gì? Họ cố gắng hết sức để làm hỏng những gì tuyệt vời ở mùa đầu tiên bằng một mùa thứ hai xuống cấp. Khán giả buộc phải đón nhận một nhân vật chính mới toanh mang tên Suou Pavlichenko, cộng thêm sự tha hóa trở thành kẻ nghiện rượu của một trong những nhân vật được yêu thích nhất là Hei.
7. ChaoS;HEAd (2008)
Thêm một trường hợp visual novel bị lạc lối khi chuyển thể thành anime. Mặc dù phiên bản anime vẫn cố gắng bám lấy những gì hấp dẫn ở nguyên bản, nhưng tiếc là cách truyền đạt của nó lại không gây được ấn tượng với khán giả. Với cách thức dẫn truyện cụt lủn và phát triển nhân vật thiếu chiều sâu, mọi thứ dường như đều không đạt được sự mong đợi của fan hâm mộ và mang tới một trải nghiệm đáng thất vọng.
6. Mobile Suit Gundam SEED Destiny (2004-05)
“Mobile Suit Gundam SEED” là một trong những series anime thành công nhất của thương hiệu và là phát pháo đầu tiên của hãng Sunrise ở thế kỷ 21. Tuy nhiên có lẽ bởi nó quá thành công và thu hút hàng triệu fan hâm mộ trung thành mà Sunrise đã cố sức “rặn ra” theo một series tiếp nối với tên gọi “SEED Destiny”. Kết quả là fan hâm mộ đã có một series “Gundam” hết sức hỗn loạn, một nam chính phiền phức đáng ghét.
5. Pupa (2014)
Đây không phải là lần đầu tiên “Pupa” xuất hiện ở một danh sách những series anime đáng chê bai, tuy nhiên nó thực sự xứng đáng bị fan hâm mộ hắt hủi. Với thời lượng mỗi tập quá ngắn chỉ 3-4 phút, phiên bản anime đã chẳng đọng lại chút gì trong tâm trí người xem ngoại trừ một vài cảnh máu me với mục đích gây sốc. Đây quả là một nỗi buồn cho những ai đã từng xem qua nguyên mẫu manga kinh dị có cùng tên gọi.
4. Eureka Seven AO (2012)
Thật vui khi được biết series anime mình yêu thích có thêm một phần mới, thế nhưng có một dấu hiệu chẳng lành là hai nhân vật chính vốn được yêu mến năm xưa sẽ chỉ quay lại trong vai trò … khách mời. “Eureka Seven AO” là một trường hợp khác cho thấy nhà sản xuất muốn “vắt sữa” thương hiệu ăn khách của mình và ỷ lại vào yếu tố “hoài niệm” của fan hâm mộ để kiếm thêm chút doanh thu.
3. Tokyo Ghoul √A (2015)
Có một khởi đầu tốt đẹp, thế nhưng “Tokyo Ghoul” lại cho thấy sự hụt hơi và lãng phí một manga trưởng thành tuyệt vời ở mùa anime thứ hai. Mặc dù có dự định tốt với hướng phát triển một cốt truyện riêng biệt không hề có trong nguyên tác, nhưng tiếc rằng mọi thứ diễn ra lại không thực hấp dẫn như người ta mong đợi. Có lẽ xem xong “√A”, nhiều fan hâm mộ đã tự tìm đến phiên bản manga để được giải đáp những thắc mắc của mình.
2. Lunar Legend Tsukihime (2003)
Nhắc đến hãng Type-Moon, chắc hẳn ai cũng nghĩ tới thương hiệu “Fate/” đình đàm với bao phiên bản game và anime chuyển thể thành công. Tuy nhiên trước đây họ đã từng có lần tấn công sang lĩnh vực anime với sản phẩm “Lunar Legend Tsukihime” nhưng không nhận được thành công. Với chất lượng hình ảnh trung bình và đáng quên, phiên bản anime đã không thể mang những gì hấp dẫn của nguyên tác visual novel lên màn ảnh.
1. Dragon Ball GT (1996-97)
Không phải là một anime hoàn hảo (thực tế làm gì có anime hoàn hảo), nhưng “Dragon Ball Z” vẫn là một huyền thoại với tầm ảnh hưởng cực lớn nhờ có hệ thống nhân vật ấn tượng và những trận quyết đấu long trời lở đất. Vậy khi chuyển thể hết nội dung từ nguyên tác manga, hãng Toei Animation đã làm gì để cho kéo dài tuổi thọ thương hiệu kinh điển của mình? Họ đã cho sản xuất “Dragon Ball GT” với nội dung tự biên tự diễn, thiết kế hoạt họa trung bình, nội dung toán loạn và thiếu các cảnh hành động đáng nhớ. Có lẽ hóa thân Super Saiyan 4 là điểm sáng duy nhất của series này, nhưng nó cũng không đủ để lấp đi nỗi thất vọng của fan.