Điểm ấn tượng nhất ở bom tấn truyền hình Squid Game chính là cách bộ phim này sở hữu nhiều trò chơi mạo hiểm, gay cấn. Nhiều khán giả khẳng định điểm khác biệt lớn của Squid Game chính là việc các trò chơi đều có mức độ "may rủi" rất cao, khó có thể ứng dụng suy luận, phán đoán tài tình như Alice in Borderland hay Liar Game. Tuy nhiên, thực ra vẫn có nhiều mánh khóe để chiến thắng trò chơi của Squid Game, chỉ là bộ phim lại không hề đả động tới yếu tố này. Điển hình là trò "đập giấy ăn tiền" ở đầu phim cũng có phương pháp đảm bảo thắng 100%.
Luật lệ của trò chơi đập giấy vô cùng dễ hiểu: Người chơi cầm 1 miếng giấy dày, đập xuống miếng giấy ở dưới đất làm sao để nó bị lật ngược. Tuy nhiên trong Squid Game, nam chính Gi Hun năm lần bảy lượt đều không thể khiến miếng giấy bị lật, đã vậy còn ăn "liên hoàn tát" vô cùng đáng thương. Ngược lại, nhân vật của tài tử Gong Yoo lại "trăm trận trăm thắng", coi mà ganh tị làm sao!
Đập giấy là trò chơi nổi tiếng tại Hàn Quốc, đến nỗi nó nhiều lần xuất hiện trên các chương trình truyền hình thực tế, điển hình như Running Man. Tuy nhiên, ít ai biết đến mánh khóe để chiến thắng trò chơi.
Thực chất, bí mật đằng sau trò đập giấy này nằm ở suy nghĩ sai lệch của người chơi. Phần lớn người chơi đập giấy sẽ tập trung đập vào mép của tờ giấy nằm dưới đấy, mong rằng nó sẽ khiến tờ giấy bị hất lên và lật ngược. Đây là hành động cực kỳ sai lầm. Cách chơi đúng là làm sao để diện tích tiếp xúc tờ giấy trên tay với tờ giấy dưới đất càng to càng tốt.
Nguyên lý hoạt động của trò đập giấy chính là vật lý cơ bản. Khi tờ giấy trên tay chạm vào tờ giấy dưới đất, lực quán tính sẽ được truyền vào tờ giấy dưới đất. Diện tích tiếp xúc càng lớn thì tờ giấy dưới đất sẽ nảy lên càng mạnh. Chính vì vậy, chỉ cần Gi Hun đập tờ giấy xanh trực tiếp vào mặt tờ giấy đỏ, nó sẽ nảy lên và dễ dàng lật ngược.
Gi Hun đã áp dụng và thành công!
Hóa ra, trò "may rủi" của Squid Game cũng không hề "may rủi" một chút nào!
Squid Game đã ra mắt đủ các tập trên Netflix.
Nguồn ảnh: Netflix