Trái: Ka Gari Gari – Phải: Kimetsu no Yaiba chương 126
Chẳng hề là ngoại lệ, trước khi bứt phá trở thành ngôi sao mới của đại gia đình Shonen Jump thì tác giả Gotouge Koyoharu cũng đã phải vượt qua bao trắc trở để được công nhận tài năng. Việc khó nhất là phải linh hoạt điều chỉnh phong cách của bản thân để sao cho phù hợp với đối tượng độc giả của tạp chí truyện tranh thiếu niên. Hành trình khai sinh ra big hit Kimetsu no Yaiba gian nan đến mức nào?
1. Tiền đề cho tất cả: Tác phẩm KA GARI GARI
Hiện tại không có thêm bất kỳ thông tin nào về các tác phẩm sáng tác trước đó nên đây được coi là tác phẩm đầu tay trong sự nghiệp mangaka của tác giả Gotouge.
Tác phẩm do Gotouge Koyoharu sáng tác năm 2013 nhưng định bỏ đi vì nghĩ rằng đằng nào cũng sẽ không thành công. Tuy nhiên, nghe theo lời động viên của gia đình, tác giả đã đem nộp vào tạp chí ưa thích nhất của mình là Shounen Jump.
Nam chính của Kagarigari
Thực sự ngoài dự kiến khi mà tác phẩm này sau đó đã giành chiến thắng trong cuộc thi dành cho các tác giả trẻ lần thứ 70 do Jump tổ chức (Shonen Jump Treasure Newcomer). Kagarigari được ban chuyên môn của Shonen Jump đánh giá không phải là tác phẩm dễ thưởng thức ngay trong lần đọc đầu tiên, điều mà tạp chí hàng đầu này luôn định hình, tuy nhiên lại mang sự cuốn hút rất riêng.
Nam chính của Kagarigari bị mù, xác định mọi thứ qua khứu giác, cụt một tay và quá kiệm lời. Chúng ta dễ dàng nhận ra những đặc điểm này đã được chia đều cho các nhân vật trong Kimetsu no Yaiba. Ngoài ra, cặp nhân vật quỷ nữ phu nhân - nam hầu được đưa nguyên vào Kimetsu no Yaiba mà gần như không chỉnh sửa lại. Phiên bản gốc của Chúa quỷ Muzan - phản diện chính của Kimetsu no Yaiba cũng được tìm thấy ở đây nhưng với một danh nghĩa và vai trò khác.
Yushiro, Tamayo và nguyên bản của Chúa quỷ Muzan đều xuất hiện trong Kagarigari
Liên tục trong vòng 2 năm sau đó, tác giả Gotouge đưa ra thêm vài truyện ngắn khác nhưng không được chấp nhận làm thành truyện dài kỳ. Nguyên nhân chính là do thiếu định hướng, chưa bắt nhịp được với tiêu chuẩn chung của Shonen Jump. Sau một thời gian loay hoay, tác giả cùng với vị biên tập viên đầu tiên của mình quyết định quay trở lại điểm xuất phát - với tác phẩm Kagarigari.
2. Phiên bản cải tiến từ Kagarigari: KISATSU NO NAGARE
Hiện tại không có bất cứ hình ảnh bản thảo nào về Kisatsu no Nagare được tiết lộ. Tác phẩm là phiên bản đầu tiên của Kimetsu no Yaiba phát triển lên từ bối cảnh ở Kagarigari. Truyện ngắn đã định hình được hướng đi nhưng vẫn giữ nguyên bản phong cách u ám và quái dị mà tác giả Gotouge Koyoharu vốn có.
Một cảnh trong Kagarigari, nhân vật nam đầy thương tật vẫn cầm kiếm chiến đấu
Nam chính quá bất thường và đau thương: cậu ta mù, cụt tay, cụt 2 chân và lắp chân giả nhưng vẫn phải chiến đấu. Ngoài ra, cậu vẫn giữ nguyên tính cách kiệm lời, khiến cho không khí truyện vốn âm u lại càng u ám hơn.
Bộ truyện này bởi vì quá nghiêm túc, thiếu tính giải trí, lại cũng không dễ đọc nên hoàn toàn không phù hợp với tạp chí Weekly Shounen Jump vốn hướng tới cả những đối tượng là học sinh tiểu học.
3. Cú "Big Hit" ra đời: KIMETSU NO YAIBA
Việc cuối cùng còn lại chỉ là điều chỉnh sao cho ăn khớp với không khí chung của tạp chí Shonen Jump. Biên tập viên lúc đó của tác giả Gotouge đã gợi ý sử dụng một nhân vật thật bình thường làm trung tâm cho toàn bộ tác phẩm. Điều này không những giúp định hướng lại không khí chung của bộ truyện mà còn làm nổi bật hơn những nhân vật "bất thường" khác xoay quanh nhân vật chính.
Tanjiro tiêu diệt và cầu chúc cho đối thủ của mình sẽ không phạm lại sai lầm cũ
Và đó là sự ra đời của nhân vật Kamado Tanjiro – một thiếu niên xuất thân bần hàn nhưng mang tấm lòng bao dung vô bờ bến như chúng ta đã thấy ở Kimetsu no Yaiba.
Trải qua bao khó khăn, bao lần điều chỉnh để hòa nhập với đại gia đình Shonen Jump, câu chuyện hành trình diệt quỷ của cậu bé bán than Tanjiro đã ngày càng khẳng định vị thế riêng trên thị trường manga.
Bạn đọc có thể thảo luận về Kimetsu no Yaiba cũng như tác phẩm manga - anime khác tại ĐÂY.