Bất kỳ ai đã từng đến thăm Tử Cấm Thành (Cố Cung) của Trung Quốc, đi trong tổ hợp các cung điện sẽ phát hiện một sự thật thú vị là khu vực trung tâm của nơi này không hề có bóng một cây xanh, trong khi ở các khu vực khác ít nhiều đều có trồng cây. Mặc dù lời giải cho điều này vẫn là ẩn số nhưng người đời sau đã đưa ra nhiều giả thuyết.
Hình ảnh Tử Cấm Thành trên phim
Những bối cảnh trong Tử Cấm Thành được tái hiện rõ nét trong các thước phim cổ trang. "The Last Emperor (Mạt Đại Hoàng Đế, 1987) được gọi là "phim cuối cùng ở Tử Cấm Thành" vì sau tác phẩm này, không một sản phẩm điện ảnh nào được ghi hình tại các cung điện chính ở đây.
Đạo diễn Bernardo Bertolucci là người đầu tiên và duy nhất có đặc quyền quay phim tại điện Thái Hòa (hay điện Kim Loan) - cung điện lớn nhất trong Tử Cấm Thành, nơi các triều đại Minh, Thanh tổ chức lễ đăng cơ và đại lễ thành hôn.
Một trong các cảnh gây choáng ngợp, hiệu ứng thị giác mạnh mẽ nhất của phim là đoạn Phổ Nghi đăng cơ thời bé. Để bảo đảm không có bất kỳ sự cố nào khi quay ở điện Thái Hòa, đoàn phim không được phép đặt máy móc, đạo cụ nào tại đây, bao gồm cả thiết bị gắn máy ảnh, chiếu sáng... Nhà quay phim chỉ có thể ghi hình bằng máy quay cầm tay, đèn chiếu đặt từ ngoài điện.
Cảnh Phổ Nghi lên ngôi hoàng đế được quay tại điện Thái Hòa của Tử Cấm Thành.
Chi phí cho cảnh đăng cơ rất lớn, ê-kíp phải chuẩn bị trước đó 6 tháng. Chuyên gia tạo mẫu tóc Giancarlo Leonardis sử dụng 997 tấn tóc giả để làm bím tóc cho 2.000 diễn viên quần chúng. Ông tốn 10 ngày hướng dẫn 50 nhân viên người Trung Quốc để họ hoàn thành làm tóc cho 2.000 người chỉ trong vài tiếng.
Nhắc đến dòng phim cung đấu, gần đây nhất phải kể tới bộ phim "Hậu Cung Như Ý Truyện" nổi tiếng với những cảnh quay chân thật về đời sống gia đình đế vương, những mâu thuẫn, tính toán, mưu kế và mối quan hệ của các thành viên trong hoàng tộc. Bối cảnh trong Tử Cấm Thành trên phim được phục dựng tại trường quay lớn nhất Châu Á - Hoành Điếm.
Xuyên suốt bộ phim, khán giả được tận mắt chứng kiến nhiều phân cảnh hoành tráng là lễ đại tang của vua Ung Chính, lễ đăng cơ của vua Càn Long và lễ phong sắc của Kế hoàng hậu với sự tham gia của gần 1000 diễn viên quần chúng. "Như Ý truyện" là bộ phim cung đấu tái hiện gần như trọn vẹn nhất những nghi lễ quan trọng cung đình nhà Thanh khiến người xem cảm giác vừa chân thật vừa sống động.
Khung cảnh uy nghiêm trong Tử Cấm Thành của đại điển phong hậu trong phim "Hậu cung Như Ý Truyện".
"Diên Hy Công Lược" cũng là một bộ phim lấy bối cảnh nhà Thanh công chiếu trong năm 2018 và được đông đảo khán giả đón nhận. Bộ phim tập trung khai thác khía cạnh sinh hoạt thường nhật của Tử Cấm Thành. Cuộc sống của các tần phi xa hoa, phủ trong nhung lụa với các chi tiết được khắc họa tỉ mỉ.
Ngoài ra, các khung cảnh bên trong Tử Cấm Thành như Dưỡng Tâm Điện (nơi vua ở và làm việc), Trường Xuân Cung (chỗ ở của Hoàng Hậu), Thọ Kang Cung (chỗ ở của Thái Hậu) và cung của các phi tần khác cũng được tái hiện chân thực.
Lý do Tử Cấm Thành không có cây xanh
Tử Cấm Thành hay Cố Cung là một trong những di sản lớn nhất của Trung Quốc. Cố Cung rộng 720.000 m2 và được chia thành 2 phần là Tiền triều và Hậu cung. Tam Đại điện ở Tiền triều là nơi hoàng đế làm việc, chiếm 1/10 tổng diện tích cung, lại hoàn toàn không có một bóng cây.
Ảnh chụp từ trên cao cho thấy Tam Đại Điện phía trong không có cây.
Tiền triều là nơi hoàng đế tổ chức các nghi lễ và thực thi quyền lực. Đồng thời, đây cũng là nơi thể hiện uy quyền tối cao của bậc đế vương. Trong triều nhà Minh và nhà Thanh, hoàng đế được coi là "thiên tử". Vì vậy, không một vật nào được phép cao hơn điện Thái Hòa, kể cả cây xanh.
Đặc biệt, khi bước vào từ cổng Thiên An Môn, không gian rộng lớn không một bóng cây sẽ tạo không khí nghiêm nghị. Vậy nên, quan lại khi đi trên con đường này, chỉ nhìn thấy những mái nhà cao sẽ sinh ra những áp lực và sợ hãi để một lòng tôn thờ hoàng đế. Mặt khác, cây xanh còn thu hút nhiều chim chóc và những loài động vật khác, làm mất vẻ tôn nghiêm của triều đình.
Trong Tam Đại Điện không trồng cây để tạo sự uy nghiêm và đề phòng nguy hiểm từ hỏa hoạn, thích khách.
Lý do thứ 2 để không trồng cây xanh trong Tam Đại Điện là để triệt tiêu chỗ ẩn nấp cho kẻ gian, thích khách. Thân thể của hoàng đế là rất quan trọng nên người xưa đã không trồng cây cối trong Tử Cấm Thành với mục đích loại trừ những mối nguy hiểm ẩn giấu. Điều này cũng khiến Tử Cấm Thành ngày nay có một phong vị riêng.
Hầu hết các ngôi nhà trong Tử Cấm Thành đều được làm bằng gỗ. Bắc Kinh là một thành phố phía Bắc có khí hậu rất khô, nếu trồng cây ở Tử Cấm Thành sẽ dễ gây ra hỏa hoạn. Thời xưa hỏa hoạn rất nghiêm trọng bởi vì không có phương tiện chữa cháy hiện đại như ngày nay. Trong Tử Cấm Thành rộng lớn, nếu chỉ dùng những xô nước để cứu hỏa thì dĩ nhiên là rất khó dập lửa.
Về yếu tố phong thủy, các điện được bố trí dọc theo trục nam, bắc và thiết kế tuân thủ theo thuyết âm dương ngũ hành. Vào thời nhà Minh, Tam Đại Điện nằm ở trung tâm nên được coi là thổ. Tuy nhiên, nếu sử dụng hoàng thổ (đất sét vàng) để xây dựng điện thì sẽ gây ra lụt lội, bùn sình sau các trận mưa. Vì vậy, các kiến trúc sư đã thiết kế 3 khoảng sân ở đây tạo thành một chữ "thổ", tượng trưng cho đất ở trung tâm. Theo quy luật của ngũ hành, mộc khắc thổ và có thể đem lại vận xấu nên Tam Đại Điện không trồng cây xanh.