Võ Sinh Đại Chiến và câu chuyện bị rạp “chèn ép”: Nơi nào nắm quyền sinh sát một bộ phim?

Trước câu chuyện phim Võ Sinh Đại Chiến phải xin rút lui vì ế khách, đâu mới là nguồn cơn thực sự quyết định trạng thái sinh - tử của những cuộc chơi điện ảnh tiền tỷ?

Trước câu chuyện bộ phim Võ Sinh Đại Chiến tức tối ngừng phát hành vì cho là rạp “chèn ép”, cố tình xếp suất chiếu giờ xấu, dư luận lại xôn xao câu chuyện về mối quan hệ lợi ích giữa nhà sản xuất và rạp chiếu. Câu hỏi không chỉ dừng lại ở chuyện lỗi là do ai khiến phim thất bại, mà còn là vấn đề chuyện gì đã tác động đến cách một bộ phim được xếp vào suất chiếu “giờ sinh” hay “giờ tử”. Rốt cục, điều gì mới là thứ nắm quyền sinh sát một bộ phim?

Võ Sinh Đại Chiến và câu chuyện bị rạp “chèn ép”: Nơi nào nắm quyền sinh sát một bộ phim? - Ảnh 1.

Sức ảnh hưởng của các hệ thống rạp tạo ra quyền lực mang tính quyết định

Bấy lâu nay, doanh thu của phim điện ảnh vốn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phủ sóng của phim tới khán giả. Một phần là nhờ vào kế hoạch truyền thông, quảng bá mỗi phim một khác, phần còn lại là do giờ chiếu, số lượng suất có thuận tiện cho khán giả lựa chọn thưởng thức hay không.

Sự “ưu ái” một tác phẩm tại các cụm rạp là điều hoàn toàn có xảy ra. Trong khi có các phim được chiếm lĩnh “khung giờ vàng” là khoảng thời điểm buổi tối, cuối tuần… thì có một vài cái tên phải ngậm ngùi “chơi một mình” ở các thời điểm như buổi sáng, buổi trưa, tối muộn trong tuần - khi mà phần đông mọi người còn đang bận đi làm hoặc nghỉ ngơi. Đó là điều đã xảy ra với Võ Sinh Đại Chiến trong cuộc đua ngắn ngày đầy khốc liệt mà tác phẩm vừa trải qua.

Nhìn vào số liệu được đưa ra bởi Box Office Vietnam, có thể thấy 2 bộ phim Việt thất bại của phòng vé thời gian gần đây là Võ Sinh Đại Chiến và Người Cần Quên Phải Nhớ đều được xếp vào những khung giờ không thuận tiện cho đại đa số khán giả. Đối lập với đó chính là bom tấn Wonder Woman 1984 cùng Chị Mười Ba: 3 Ngày Sinh Tử sở hữu số lượng suất lúc 19h, 20h nhiều áp đảo. Đây cũng là 2 bộ phim lớn nhất đang “làm mưa làm gió” và gặt hái thành công ở phòng vé. 

Võ Sinh Đại Chiến và câu chuyện bị rạp “chèn ép”: Nơi nào nắm quyền sinh sát một bộ phim? - Ảnh 3.

Số liệu về sự sắp xếp giờ chiếu của 4 bộ phim ngoài rạp, được đưa ra bởi Box Office Vietnam

Vậy, tại sao Wonder Woman, Chị Mười Ba lại được ưu ái còn Võ Sinh Đại Chiến thì không?

Lý do nào đứng sau lựa chọn sắp xếp giờ chiếu phim của cụm rạp?

Trước khi lên kế hoạch sắp xếp các suất chiếu, cụm rạp luôn luôn phải tìm hiểu và đưa ra kết luận riêng của mình về độ hot của tác phẩm. Một bộ phận riêng có nhiệm vụ sắp xuất chiếu sẽ đo lường mức độ phủ sóng (awareness) của tác phẩm tới khán giả đại chúng qua nhiều công cụ marketing để quyết định có nên “chơi lớn” ở các suất đầu tiên hay không. Các suất đầu là thời điểm quan trọng nhất để khán giả và truyền thông đánh giá chất lượng và mức độ chạy bền của phim.

3 phim Việt cùng ra rạp nhưng chỉ có Chị Mười Ba là thành công

Ngoài ra, mỗi cụm rạp cũng sẽ có tập khách hàng khác biệt vì vị trí địa lý cũng mang đến mô hình nhân khẩu học riêng. Xem xét nhiều yếu tố, kết hợp với sức mua của khán giả và mức độ “đầu tư” cho phim của chính cụm rạp, họ sẽ phát triển tiếp hướng đi cho những suất chiếu ở các ngày sau. Trong trường hợp phim quá hot so với mức kỳ vọng và nhiều người mua, rạp còn có thể mở thêm cả các suất chìm - suất mới trong ngày để đáp ứng nhu cầu khán giả.

Như vậy, theo nhìn nhận khách quan thì có thể thấy việc phim được xuất hiện vào các khung giờ hút khách phụ thuộc lớn vào độ nóng của tác phẩm.

Võ Sinh Đại Chiến: “Kẻ ngoại đạo” bị lãng quên trong cuộc đua tranh giành sự chú ý của các “ông lớn”

Bộ phim Võ Sinh Đại Chiến đã lựa chọn nhà phát hành là Galaxy - một thương hiệu có số lượng rạp chiếu không dày bằng CGV, trong khi doanh thu của phim phần lớn sẽ phụ thuộc từ hệ thống ngoài. 

Võ Sinh Đại Chiến và câu chuyện bị rạp “chèn ép”: Nơi nào nắm quyền sinh sát một bộ phim? - Ảnh 5.

Tính đến hết năm 2019, CGV sở hữu 82 cụm rạp trên toàn quốc với tổng số 475 màn chiếu, chiếm số lượng áp đảo trong thị phần ngành công nghiệp chiếu phim của Việt Nam. Tính riêng sự hợp lực của CGV và Lotte vào cuối năm 2017, 2 “ông lớn” này đã chiếm tổng cộng 77% số lượng rạp trong nước. Đối với họ, Võ Sinh Đại Chiến là một cái tên “ngoại đạo”, không có tiếng tăm và chỉ đến khi nhà sản xuất nhiều lần đăng đàn phàn nàn trên mạng xã hội, khán giả mới biết rằng phim tồn tại.

Việc Võ Sinh Đại Chiến bị xếp vào các giờ xấu không phải là quyết định đơn lẻ của chỉ một thương hiệu rạp chiếu mà là của cả ngành công nghiệp chiếu phim nói chung. Như vậy, khó có thể nói là phim bị “chèn ép”, “ghét bỏ” trong thời điểm các doanh nghiệp đang phải đặt lợi nhuận lên trên hết. Vấn đề lớn nhất vẫn chính là sự thất bại trong việc quảng bá của phim.

Điều gì nắm quyền sinh sát của một bộ phim?

Có lẽ chính là sự quan tâm của khán giả trong thời điểm đầu, được tạo ra nhờ quá trình marketing mỗi phim một khác. Làm phim tốt không có nghĩa là làm PR, truyền thông tốt và ngược lại. Võ Sinh Đại Chiến có thể đổ lỗi cho cả kinh phí marketing thấp, không thể thực hiện nhiều dự án truyền thông rùm beng như những gì Chị Mười Ba đã làm. Tuy nhiên như người ta vẫn nói, “được ăn cả, ngã về không”.

Võ Sinh Đại Chiến và câu chuyện bị rạp “chèn ép”: Nơi nào nắm quyền sinh sát một bộ phim? - Ảnh 6.

Nhân sự làm truyền thông của Võ Sinh Đại Chiến còn chia sẻ "nhà phát hành e ngại nội dung về võ thuật, hành động nên đi theo hướng học đường, thả thính"

Những bộ phim độc lập cần lựa chọn nhà phát hành một cách thông minh, đồng thời phát triển giải pháp quảng bá cho tác phẩm của mình để tránh né sự thất bại - đặc biệt là với tình hình “đơn phương độc mã” của phim Việt vắng bóng Hollywood sau Covid-19. Dù là “con ruột” hay “con ghẻ”, là phim hay hay phim dở, chẳng ai có thể cứu vãn được một tác phẩm mà chính khán giả còn chẳng biết là có tồn tại, trong cái thời điểm mà nền kinh tế đang khổ sở để hồi phục sau Covid-19 và lợi nhuận được đặt lên hàng đầu. 

Nguồn ảnh: Tổng hợp