Có lẽ, cô nàng Go Moon Young (Seo Ye Ji) của bộ phim Psycho But It’s Okay (Điên Thì Có Sao) là một trong những nhân vật được quan tâm nhất hiện nay khi sở hữu ngoại hình xinh đẹp, tính cách độc đáo và sự chủ động tấn công trong tình yêu. Tuy nhiên, được yêu mến là thế nhưng Go Moon Young cũng không ít lần khiến khán giả “sốc nhẹ” bởi loạt phát ngôn gây tranh cãi của bản thân, nhất là khi cô nàng vừa bị chỉ trích vì những câu nói gắn mác quấy rối tình dục.
Điên Thì Có Sao hiện đang được đông đảo khán giả quan tâm.
Tuy vẫn được các fan bệnh vực cho rằng các câu thoại tán tỉnh này không đáng nhận phải chỉ trích, thậm chí nhiều người còn khẳng định đây là cách Go Moon Young thể hiện cá tính độc đáo của bản thân, trở thành biểu tượng của “nữ quyền”. Thế nhưng nếu đổi ngược lại vị trí người phát ngôn, để cho nhân vật nam chính nói ra lời thoại có yếu tố 18+ thì liệu có “sóng yên biển lặng” như thế này? Phải chăng đây là tiêu chuẩn kép mới của làn sóng phim truyền hình Hàn Quốc.
Loạt phim dính phốt vì những lời thoại đầy sóng gió quấy rối nhân vật nữ
Từ trước đến nay, quấy rối tình dục luôn là một chủ đề vô cùng nhạy cảm đối với cuộc sống hằng ngày nói chung và trên địa phận phim ảnh nói riêng. Nó đòi hỏi nhà làm phim, nếu muốn khai thác, phải vô cùng ý nhị và cẩn thận để tránh gây nên hiểu lầm, tranh cãi. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm điều đó. Thậm chí, nhiều người còn lợi dụng yếu tố này như một phương thức để thu hút sự chú ý của khán giả. Đó là khi, hàng loạt “phốt” liên tục xuất hiện trên các diễn đàn, mạng xã hội mỗi khi có một bộ phim nào mới vừa lên sóng.
Backstreet Rookies bị chỉ trích dữ dội vì các phân cảnh nhạy cảm liên quan đến nhân vật nữ.
Gần đây nhất có thể kể đến bộ phim Backstreet Rookies (Tiệm Tạp Hóa Lúc Nửa Đêm) với kỉ lục nhận được nhiều… yêu cầu gỡ bỏ nhất trong lịch sử phim truyền hình Hàn Quốc. Điều này một phần xuất phát từ việc ekip sản xuất đã để cho nữ chính mặc những bộ đồ quá gợi cảm, sử dụng các góc quay từ dưới chếch ngược lên hay tập trung quay lại những tư thế khơi gợi khi họa sĩ vẽ truyện tranh người lớn phác họa các nhân vật của mình. Khán giả nhận định rằng đây là hành vi quấy rối tình dục với phụ nữ và cần được bài trừ thẳng tay.
Trước đó, Kim Yoo Jung cũng vướng phải chỉ trích với cảnh khoe thân của mình.
Trước đó, không ít bộ phim đã dính phốt quấy rối tình dục khi có những phân cảnh không văn minh liên quan đến phụ nữ. Thậm chí, sự nhạy cảm của vấn đề này còn được đẩy cao đến mức, đôi khi chỉ cần một góc quay, một lời thoại đùa vui mang tính giễu cợt, nhận xét cũng đủ để đẩy một tác phẩm vào trạng thái bị… sờ gáy. Class of Lies (Lớp học nói dối) của đài OCN đã rơi vào trường hợp này khi có một lời thoại nhận xét cơ thể của các thành viên nhóm nhạc IZONE. The King: Eternal Monarch (Quân Vương Bất Diệt) cũng bị xếp vào hàng kém duyên vì chính nhân vật nữ công khai nhắc đến… gọng áo ngực của mình.
Chỉ vì một lời thoại thế này mà Quân Vương Bất Diệt bị tuýt còi.
Tiêu chuẩn kép mới: Nạn nhân là đàn ông thì không sao?
Có thể thấy quấy rối tình dục, đặc biệt là khi nạn nhân là phụ nữ đang ngày một được khán giả Hàn Quốc chú ý hơn. Đây hẳn là dấu hiệu vô cùng tích cực. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng, phụ nữ không phải là đối tượng duy nhất có khả năng trở thành nạn nhân của vấn nạn này. Đàn ông cũng có thể, nhưng không phải ai cũng nhận thức rõ vấn đề đó. Bởi lẽ, những lời thoại, cảnh quay quấy rối tình dục hướng đến đối tượng đàn ông cho đến nay vẫn chưa thật sự được nhìn nhận một cách nghiêm túc, thậm chí là gay gắt như trường hợp ngược lại.
Tự chạm tay vào cơ thể người khác, nếu "nạn nhân" là nữ liệu mọi người dễ dàng cho qua như vậy hay không?
Trong Psycho But It’s Okay, Go Moon Young liên tục sử dụng những câu thoại nhạy cảm để trêu đùa, thậm chí là nghiêm túc đề nghị với nam chính Moon Kang Tae (Kim Soo Hyun). Từ việc chạm vào cơ thể của anh khi chưa được cho phép, gợi ý đi nhà nghỉ, nhận xét cơ thể rằng: “Trông đằng sau, anh chạy việc kia tôi nói anh đấy, cũng ngon đấy” hay hỏi và trêu đùa về đời sống tình dục của Moon Kang Tae. Chúng ta có thể xem đây là một cách để thể hiện tâm lý kì lạ của nữ chính, có thể xem đó là một trò đùa vui, thế nhưng mọi trò đùa đều phải có giới hạn. Việc bênh vực trắng trợn này có phải là tiêu chuẩn kép? Là phân biệt đối xử?
Hai lời thoại này liệu có thực sự có duyên hay không?
Hãy thử tưởng tượng, nếu người thực hiện lời thoại kia là đàn ông, liệu dư luận có nhẹ tay đến như vậy? Liệu chỉ trích chỉ được dấy lên trong vài ngày rồi lại chìm xuống nếu nhân vật nam tự tiện đụng chạm và nhận xét nhân vật nữ trông rất “ngon”, chưa có trải nghiệm tình dục và yêu cầu cô “mở chốt an toàn” bằng cách qua đêm với mình? Chúng ta thường nghĩ rằng, nạn nhân của quấy rối tình dục là phụ nữ, vì vậy chúng ta dần chú ý hơn vào việc bảo vệ phụ nữ khỏi vấn nạn xấu xí ấy. Thế nhưng chúng ta quên rằng tình dục là nhu cầu của cả hai giới, tức quấy rối tình dục có thể xuất phát từ cả phái nam và phái nữ, cũng như việc nạn nhân đều có thể là cả phái nam và phái nữ. Như vậy, sự khó tính cần phải phân đều cho các đối tượng và việc quấy rối tình dục nhân vật nam không nên được chấp nhận một cách dễ dàng.
Điên Thì Có Sao sẽ được phát sóng vào 19h00 (giờ Việt Nam) trên tvN thứ 7, Chủ Nhật hàng tuần.