Xem "Glass", fan Marvel - DC đảm bảo nhận ra ngay 5 nguyên tắc truyện tranh cực quen thuộc

Là một bộ phim xoay quanh những “siêu anh hùng” ám ảnh bởi cuốn truyện tranh, “Glass” được đạo diễn M. Night Shyamalan lồng ghép khá nhiều nguyên tắc quen thuộc với fan DC và Marvel.

Nếu từng xem qua Unbreakable (2000), người hâm mộ dễ dàng nhận ra dấu ấn sâu sắc từ những cuốn truyện tranh được cài cắm khéo léo. Sau 19 năm với hàng chục bộ phim siêu anh hùng trên màn ảnh rộng, M. Night Shyamalan đã nâng cấp Glass (Bộ Ba Quái Nhân) lên một tầm cao mới khiến những chàng "mọt sách" mê truyện tranh phải chảy nước mắt.

(Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung phim.)

1. Sức mạnh đến từ niềm tin


Sức mạnh tới từ niềm tin được M. Night Shyamalan xây dựng từ "Unbreakable".

Thoạt nghe thì nguyên tắc có vẻ đến từ những cuốn manga của Nhật Bản, nhưng nghĩ kĩ thì thể loại truyện tranh siêu anh hùng nào cũng có cả. Trong suốt thời lượng phim, Tiến sĩ Ellie Staple (Sarah Paulson) cố thuyết phục bộ ba quái nhân rằng siêu năng lực mà họ sở hữu chỉ đến từ niềm tin mà thôi. Ví dụ như David Dunn (Bruce Willis) tin rằng ông có cơ thể bất hoại do sống sót chuyến tàu Estrail 177 và sợ nước do tai nạn từ bé hay The Beast được hình thành do niềm tin của 23 nhân cách còn lại.

Điều này hoàn toàn không có nghĩa rằng bất kì ai tin mình biết bay thì cứ nhảy khỏi nóc tòa nhà cao tầng. Trong truyện tranh, các nhân vật buộc phải sở hữu siêu năng lực từ trước. Niềm tin là thứ giúp họ thuần thục nó mà thôi. Trong Spider-Man 2(2004), vì bị cú sốc tinh thần mà Peter Parker (Tobey Maguire) dần mất đi sức mạnh và từ bỏ việc làm Người Nhện. Anh chàng chỉ có lại siêu năng lực khi Mary Jane Watson (Kirsten Dunst) bị nguy hiểm mà thôi.

Hay trong bộ phim mới nhất là Spider-Man: Into the Spider-Verse (2018), anh chàng Miles Morales (Shameik Moore) dù sở hữu năng lực tàng hình và phóng điện nhưng hoàn toàn "tịt ngòi" cho tới khi có Leap of Faith (Bước nhảy Niềm tin). Do đó mà David, Kevin (James McAvoy) hay Elijah (Samuel L. Jackson) đều có siêu năng lực và lòng tin giúp họ phát huy chúng một cách tối đa.

2. Cha mẹ ảnh hưởng tới các siêu anh hùng


Người mẹ có ảnh hưởng rất lớn tới tính cách của Elijah.

Đây là một chi tiết được Joseph (Spencer Treat Clark) - con trai của David - đọc trên một cuốn truyện tranh. Từ đây, anh chàng đào sâu quá khứ để phát hiện ra một sự thật kinh hoàng liên quan đến cái chết của cha của Kevin Wendell Crumb. Sau khi mất cha, cậu bé phải sống với người mẹ hung tàn và dẫn đến sự ra đời của các nhân cách khác.

Dĩ nhiên, những ai theo dõi truyện tranh đã quá quen với chi tiết này. Hầu hết các siêu anh hùng hay ác nhân trong truyện đều do cách hành xử của các bậc phụ huynh. Fan Marvel hẳn phải thuộc lòng cái chết của bác Ben để Spider-Man bắt đầu hành hiệp trượng nghĩa. Cái tên Martha thì hẳn đã trở thành nỗi ám ảnh của fan DC để từ đó Batman ra đời.

Ác nhân Lex Luthor J.(Jesse Eisenberg) trở nên "biến thái" vì tính cách bạo lực của cha. Còn bạn, bạn muốn con mình là siêu anh hùng hay ác nhân?

3. Siêu ác nhân phối hợp


Elijah và The Beast phối hợp là lẽ tất yếu.

Sau khi bị bắt, cả Kevin và David đều bị nhốt chung tại trại tâm thần với Elijah. Đây chính là cơ hội ngàn năm có một để hai kẻ ác nhân có cơ hội kết hợp với nhau nhằm đánh bại David. Theo đó, Mr. Glass sẽ là "bộ não" còn The Beast chính là "cơ bắp" để cùng nhau hành động.

Truyện tranh cũng đã có quá nhiều trường hợp tương tự diễn ra. Nhóm Sinister Six được Doctor Octopus, lúc này đã mất siêu năng lực, liên kết để đối đầu với Spider-Man, Mandarin's Avengers do Mandarin thành lập để hạ gục Iron Man hay Riddler cũng từng nhiều lần nhờ tới sự trợ giúp của Penguin và Two-Face nhằm chống lại Batman.

4. The Final Showdown (Trận đấu cuối cùng)


Trận đấu giữa The Beast và David Dunn xuất hiện trong nhiều phim siêu anh hùng khác.

Theo Mr. Glass, nếu The Beast muốn được cả thế giới biết đến và nể sợ thì phải đánh bại David Dunn ở nơi công cộng để tất cả cùng thấy. Chi tiết này xuất hiện khá nhiều trong truyện tranh và cũng không ít lần được đưa lên màn ảnh rộng. Ares (David Thewlis) chọn đối đầu với Wonder Woman (Gal Gadot) giữa doanh trại lính Đức để cô nhận ra bản chất của con người.

Orm (Patrick Wilson) muốn đánh bại Aquaman (Jason Momoa) trước mặt toàn thể cư dân Atlantis để khẳng định ngôi vua. Erik Killmonger (Michael B. Jordan) thách đấu T'Challa (Chadwick Boseman) với sự chứng kiến của cả Wakanda nhằm giành danh hiệu Black Panther.

5. Siêu anh hùng từ thù thành bạn vì bản tính lương thiện


Các siêu anh hùng dễ trở thành "bạn" của kẻ phản diện.

Sau khi Joseph tiết lộ danh tính kẻ gây ra cái chết của cha Kevin, The Beast liền trở mặt với Mr. Glass. Lúc này, David Dunn lại quay sang bảo vệ kẻ thù cũ khi nhận ra hắn có nguy cơ bị giết chết. Elijah đã nói đến một điểm yếu mà bất kì siêu anh hùng nào cũng gặp phải đó là bản tính lương thiện. Vì tính cách này, họ dễ dàng bị lợi dụng hoặc trở thành kẻ thù của lực lượng hành pháp.

Ví dụ đơn giản nhất chính là các siêu anh hùng trong Justice League của DC Comics. Họ có thể đánh bại tội phạm và tống vào ngục nhưng mãi mãi không giết người. Thậm chí, nhóm có thể chống lại cảnh sát hoặc đấu đá lẫn nhau nếu có thương vong ngoài ý muốn mà sự kiện nổi tiếng nhất là Injustice.

Captain America (Chris Evans) nhất quyết bảo vệ Bucky Barnes (Sebastian Stan) trong Captain America: Civil War (2016) không chỉ vì tình bạn mà còn do anh chàng đã bị tẩy não để thực hiện mọi tội ác. Hay Ant-Man (Paul Rudd) và Hank Pym(Michael Douglas) chọn bảo vệ Ghost (Hannah John-Kamen) trước cảnh sát trong Ant-Man and the Wasp (2018).

Glass hiện đang công chiếu trên toàn quốc.