Xuân Phúc là gương mặt diễn viên quen thuộc với khán giả hâm mộ điện ảnh và truyền hình. Anh từng đảm nhận nhiều vai diễn đa dạng, gần đây nhất phải kể đến vai diễn trong phim Đi về phía lửa – tác phẩm về đề tài lính cứu hỏa.
Không ai thích hợp hơn anh để vào vai một người trưởng nhóm là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho các đàn em trong đội lính cứu hoả. Vai diễn Toàn Thắng cũng mang đến nhiều xúc cảm cho Xuân Phúc khi đây là nhân vật có nhiều cảnh đấu tranh tâm lý giằng co giữa việc được theo nghề hay hy sinh đam mê và ước mơ của mình cho gia đình nhỏ.
Xuân Phúc cho biết bản thân anh và các diễn viên khác đã trải qua những cảnh quay vất vả tới mức “vắt kiệt sức” chỉ để tạo ra những thước phim chỉn chu, mặc dù thời lượng xuất hiện trong từng tập vô cùng ngắn ngủi và “trông có vẻ đơn giản”. Ví dụ như cảnh bế những nạn nhân ra khỏi đám cháy, cả đoàn phải bấm máy thực hiện tới 10 lần để lấy nhiều góc quay. Tới khi hoàn thành cảnh quay, tất cả diễn viên mới được cởi bỏ đạo cụ, gỡ mặt nạ, bình dưỡng khí, lúc này ai nấy đều đã mệt nhoài.
“Tôi cũng từng đóng nhiều phim hành động nhưng đây thực sự là bộ phim đem đến nhiều trải nghiệm khó khăn nhất, cũng là lần đầu tiên đi làm phim mà mệt đến độ vượt quá sức tưởng tượng”, Xuân Phúc trải lòng. Anh cũng tiết lộ có những cảnh bản thân phải trực tiếp đối diện với ngọn lửa thật, và chính trong giây phút này, nam diễn viên mới hiểu thấu sự nguy hiểm mà những người lính cứu hoả luôn phải đối diện khi làm nhiệm vụ.
Nam diễn viên tiết lộ lần đầu tiên đi làm phim mà mệt đến độ vượt quá sức tưởng tượng
Trải nghiệm này cũng khiến Xuân Phúc hóm hỉnh chia sẻ thêm rằng nếu vợ anh mà có mặt tại bối cảnh phim, chắc chắn cô sẽ ngăn cản nam diễn viên tham gia tác phẩm này. Quá trình diễn xuất vất vả là thế, nhưng anh cũng nhìn nhận đây là vai đặc biệt trong nghiệp diễn vì mang lại quá nhiều cảm xúc, đặc biệt là trải nghiệm khi phải đối mặt giữa sự sống và cái chết.
Một kỷ niệm từ quá trình thực hiện bộ phim khiến cả đoàn phim không thể quên, đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi đoàn đang bấm máy cho một đại cảnh cháy, kéo dài từ đêm hôm trước tới tận 5h sáng hôm sau. “Khi vừa quay xong, tôi mở điện thoại thì đọc được tin cháy khu chung cư mini ở Khương Hạ, Hà Nội. Những sự trùng hợp ngẫu nhiên khiến tôi nổi da gà. Tôi nhớ nhất hình ảnh một chiến sĩ bế một bé gái ra ngoài nhưng không cứu được, lúc đó tim tôi như thắt lại. Bản thân tôi cũng là một người cha nên rất đồng cảm và xúc động”, Xuân Phúc kể.
Hậu trường một cảnh quay trong phim
Cùng với Xuân Phúc, phim Đi về phía lửa có sự tham gia của dàn diễn viên trẻ gồm Lãnh Thanh, Trần Ngọc Vàng, Hồ Thu Anh... Phim phát sóng tập đầu tiên vào ngày 12/2 tức mồng 3 Tết Nguyên đán 2024, đã mang lại nhiều cảm xúc chân thực cho người xem về những vất vả gian lao của người lính cứu hỏa.
Xuân Phúc và nữ diễn viên Hồ Thu Anh trong hậu trường phim
Ngay trong tập đầu, khán giả được chứng kiến những giây phút thót tim khi người lính cứu hỏa đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết. Đối mặt với hiểm nguy, họ không sợ hãi mà vững vàng, theo chỉ đạo từ phía đội trưởng đã hoàn thành xuất sắc việc cứu trợ người dân thoát khỏi đám cháy. Cảnh tượng một người mẹ già phải ngồi xe lăn, bên trong khóa trái cửa, đám cháy ập tới nhưng không thể la lên kêu cứu khiến người xem xúc động. Đức Anh (Lãnh Thanh thủ vai) cùng với Minh Long (Trần Ngọc Vàng) dũng cảm xông pha vào đám cháy, cứu được người mẹ ra khỏi hiểm nguy.
Nhưng đằng sau sự nhiệt huyết về nghề của mỗi người lính cứu hỏa lại ẩn chứa những nỗi niềm riêng, hoàn cảnh riêng. Đức Anh và bố của anh không có tiếng nói chung. Người cha mong mỏi con trai một lần dành thời gian đến xem buổi biểu diễn nghệ thuật của ông nhưng Đức Anh gần như không quan tâm. Thanh Hà (Hồ Thu Anh) mỗi khi về nhà lại bị mẹ ép đi xem mặt. Trong khi đó Minh Long còn nhiều bỡ ngỡ của một người lính cứu hỏa mới vào nghề. Anh bị sếp trên trách cứ khi thấy anh cãi nhau vì bức xúc với một người dân đang livestream lúc hỏa hoạn.
Hội tụ dàn diễn viên hai miền Nam – Bắc, phim do đạo diễn Trần Thanh Huy chỉ đạo bấm máy. Anh cho biết, khi bắt tay vào dự án, anh luôn đặt tiêu chí chân thực lên hàng đầu nên đã gặp rất nhiều thách thức suốt quá trình bấm máy. “Có thể nói đây là bộ phim hội tụ mọi thứ khó nhất của nghề làm phim khi có nhiều đại cảnh phức tạp như cháy chung cư, cháy chợ, cháy hẻm, cứu hộ cứu nạn ở những địa hình hiểm trở, sông sâu, núi cao... Trong phim có những cảnh quay vô cùng phức tạp, quy mô không khác gì phim điện ảnh”, đạo diễn chia sẻ.