Thể loại mô phỏng và hợp nhất vật phẩm lại tiếp tục đón nhận một thành viên mới khi Capybara: Khởi Nghiệp OEG được ra mắt. Đây là một tựa game sử dụng chú chuột lang nước làm nhân vật chính cùng với những hình ảnh và phong cách hoạt hình dễ thương theo định hướng tạo cảm giác thoải mái khi trải nghiệm.
Cốt truyện bỏ phố về quê
Câu chuyện của game được giới thiệu khá đơn giản với chú Capybara mang tên Capy là một nhân viên văn phòng bình thường và vô tư, đôi khi vô tư quá khiến sếp thấy phiền. Cuối cùng khi công ty rơi vào khó khăn thì chú nhân viên mẫn cán cũng lọt vào danh sách bị sa thải.
Cảm thấy chán cuộc sống bon chen, Capy quyết định trở về quê cải tạo mảnh đất hoang thành một nông trại. Liên hệ với người bạn cũ là Mông Vểnh, Capy kết nối được với khách hàng và bắt đầu sản xuất nông sản theo yêu cầu để đổi lấy tiền.
Với số tiền kiếm được thì đã Capy hoàn thành sửa chữa ngôi nhà đổ nát thành một lán trại vùng quê. Cuộc sống từ đây dễ thở hơn và Capy dự định sẽ để dành tiền đi du lịch… vũ trụ.
Đồ họa hoạt hình ngộ nghĩnh
Game sử dụng lối đồ họa 2D hoạt hình với các đồ vật được tô màu một cách vừa phải giúp tạo cảm giác dịu mắt khi nhìn. Phong cảnh hoạt hình 2D trong game cũng được vẽ khá tốt, không quá chi tiết nhưng dễ hiểu và nhận diện.
Đặc biệt là game cũng áp dụng chuyển biến ngày đêm sinh động với chu kỳ khá nhanh nên bạn sẽ liên tục được đổi phông nền tạo cảm giác linh động thú vị. Game cũng có nhiều khu vực khác nhau và đều được hoàn thiện bằng hình vẽ khá đẹp mắt.
Lối chơi đa dạng, đơn giản và giải trí
Sản phẩm có chế độ chơi cốt lõi là hợp nhất vật phẩm vô cùng đơn giản, game thủ sẽ bấm vào các vườn rau củ quả để lấy nông sản rồi sau đó hợp nhát chúng lại để có loại cao cấp hơn theo thứ tự chuỗi riêng.
Có tất cả 3 chuỗi rau củ quả khác nhau và chức năng câu cá mở sau này cung cấp thêm một chuỗi riêng về cá. Các vườn rau sẽ hết mùa sau một số lượt khai thác nhất định và sẽ phải chờ đếm ngược hoặc chấp nhận xem quảng cáo để hồi phục nhanh.
Mục tiêu của việc hợp nhất rau củ chính là đáp ứng các đơn hàng vô tận được đưa ra. Chúng sẽ yêu cầu ngẫu nhiên các loại khác nhau và càng lên cấp chuỗi yêu cầu sẽ càng khó hơn như 2 món rồi 3 món một lượt hay các món ở cuối chuỗi mất nhiều thời gian để ghép. Bù lại bạn sẽ nhận được tiền từ các đợt bán và dùng chúng để mua sắm nhiều thứ cho chú Capy của mình.
Tuy nhiên trò chơi không chỉ tập trung vào 1 thể loại duy nhất. Khi đến cấp 5 bạn sẽ mở được bản đồ thành phố và từ đó nhiều minigame vui nhộn không kém cũng được mở ra. Đầu tiên là shop bán hàng mà từ đó bạn có thể mua cần câu để mở chức năng câu cá.
Sau đó là văn phòng công ty để vào… xin việc và làm quản lý nhân sự. Công ty này là một chuỗi minigame khá hay với 3 loại khác nhau theo từng cấp bậc nhân sự. Nếu tích đủ điểm thì người chơi sẽ thăng chức và mở khóa được minigame mới.
Bên cạnh đó còn có một khu nhà máy cũng được mở ra nhưng cần phải lên cấp cao hơn mới có thể vào các khu vực bên trong nó. Một căn phòng riêng của Capy cũng được mở nhưng bạn sẽ phải dùng khá nhiều tiền để mua nội thất trang trí.
Khuyết điểm là quảng cáo quá dày đặc
Điểm trừ lớn nhất của game chính là quảng cáo dày đặc. Bạn sẽ phải bấm quảng cáo trong rất nhiều trường hợp như sạc thêm năng lượng để có thể tiếp tục hợp nhất vật phẩm, nhân đôi phần thưởng nhiệm vụ, hồi phục nhanh các ruộng nông sản, mở thêm tiện ích cho các minigame,…
Khó đỡ hơn nữa là khi bạn nhận thưởng nhiệm vụ “Mục Tiêu Nhỏ” sẽ có một cái bẫy quảng cáo gài bạn. Khung nhận thưởng mở ra chỉ có 2 lựa chọn là xem quảng cáo để nhân phần thưởng hoặc trả kim cương để nhân.
Lựa chọn nhận thưởng bình thường phải 2 giây sau mới xuất hiện và lại hiện ở bên ngoài ô như một đứa con ghẻ. Nếu bạn bấm theo quán tính không chọn chi kim cương thì sẽ rơi ngay vào ô quảng cáo thay vì nhận thông thường như bạn nghĩ.
Tổng kết
Có thể nói Capybara: Khởi Nghiệp OEG là một tựa game được xây dựng khá tốt để bạn có thể chơi một cách chậm rãi và giải trí. Tuy nhiên do quá lạm dụng quảng cáo đã khiến tính “chill” của game bị ảnh hưởng khá lớn. Thời gian hồi phục các mảnh vườn bị kéo dài quá nặng để ép bạn xem quảng cáo, các tính năng khác cũng bị làm cho khó hơn để nhét quảng cáo.
Chính vì vậy nếu game thủ có thể chịu được tần suất quảng cáo dày thì có thể chơi được sản phẩm, còn không thì xin… thua.