CEO sàn tiền số lớn thứ hai thế giới tiết lộ lý do từ chối niêm yết đồng Pi, gọi thẳng đây là dự án 'lừa đảo'

Ngay sau khi Pi Network lên sàn, CEO Bybit, Ben Zhou, đã có phản ứng mạnh mẽ, gọi đây là một dự án lừa đảo và khẳng định Bybit chưa từng có ý định niêm yết đồng tiền này

Sau nhiều tranh cãi, đồng token của dự án Pi Network chính thức được niêm yết trên một số sàn giao dịch lớn vào lúc 15h ngày 20/2, thu hút sự chú ý của cộng đồng tiền số. Mặc dù vậy, dự án này tiếp tục đối mặt với những nghi vấn về tính minh bạch. Một trong những phản ứng gay gắt nhất đến từ Ben Zhou, CEO của Bybit – sàn giao dịch tiền số đứng thứ hai thế giới về khối lượng giao dịch, người từng thẳng thừng từ chối đưa Pi lên nền tảng của mình.

Vài giờ sau khi Pi được đưa lên sàn, Zhou đăng bài trên mạng xã hội X để đáp trả những chỉ trích từ cộng đồng Pi Network cho rằng Bybit đang mất vị thế vì không niêm yết đồng tiền này. Ông không chỉ bác bỏ tin đồn rằng Bybit từng có ý định niêm yết Pi, mà còn gọi thẳng đây là một dự án lừa đảo.

Bybit thẳng thừng từ chối Pi Network

Trong bài đăng trên trang X cá nhân của mình ngày 20/2, CEO Ben Zhou khẳng định Bybit chưa từng có ý định niêm yết Pi Network, đồng thời phủ nhận hoàn toàn tin đồn sàn tiền số của ông bị Pi Network từ chối hoặc không đáp ứng được yêu cầu kiểm định.

CEO sàn tiền số lớn thứ hai thế giới tiết lộ lý do từ chối niêm yết đồng Pi, gọi thẳng đây là dự án 'lừa đảo'- Ảnh 1.

(Anh chụp màn hình)

"Bybit chưa bao giờ yêu cầu niêm yết $PI, và tuyên bố rằng Pi Network từ chối Bybit hay Bybit không vượt qua quy trình KYB là hoàn toàn vô nghĩa," Zhou nhấn mạnh.

Không dừng lại ở đó, CEO Bybit còn trích dẫn cảnh báo chính thức từ cảnh sát Trung Quốc vào năm 2023, trong đó cáo buộc Pi Network là một mô hình lừa đảo nhắm vào người lớn tuổi, lợi dụng họ để thu thập dữ liệu cá nhân và chiếm đoạt tài sản. Zhou cũng đặt nghi vấn về tính minh bạch của dự án, cho rằng thay vì đối mặt với những cáo buộc, đội ngũ Pi Network lại chọn cách "dựng chuyện và thực hiện những cuộc tấn công trẻ con."

"Nếu thực sự minh bạch, họ nên trực tiếp làm rõ mọi nghi vấn. Nhưng thay vào đó, họ chỉ toàn bịa chuyện và sử dụng những chiêu trò công kích non nớt," ông viết.

Kết lại, Zhou khẳng định Bybit sẽ không bao giờ niêm yết Pi Network: "Vâng, tôi vẫn nghĩ đây là một trò lừa đảo. Và không, Bybit sẽ không niêm yết (dự án) lừa đảo."

Trái ngược với kỳ vọng, Pi bị bán tháo ngay khi lên sàn

Những tranh cãi về tính minh bạch của Pi Network không phải là rào cản duy nhất mà dự án này đối mặt. Ngay sau khi được niêm yết vào lúc 15h ngày 20/2 (giờ Việt Nam), đồng Pi nhanh chóng rơi vào tình trạng sụt giảm mạnh giá trị.

Mức giá khởi điểm trên sàn giao dịch tiền số OKX là 2 USDT, nhưng ngay sau đó, Pi bất ngờ lao dốc, có thời điểm giảm xuống dưới 0,8 USDT. Trên các sàn giao dịch tiền số khác như MEXC và Bitget, tình trạng cũng không khá hơn khi giá Pi liên tục biến động mạnh. Trong khi một số người vẫn kỳ vọng giá sẽ phục hồi, không ít "Pi thủ" đã vội vã bán tháo để cắt lỗ, lo sợ mất trắng.

Ở thời điểm bài viết được thực hiện, 1 Pi đang được giao dịch ở mức 0,7304 USDT, theo dữ liệu từ CoinGecko. Theo ghi nhận, cộng đồng Pi Network tại Việt Nam tiếp tục chia rẽ trước diễn biến này. Nhiều người vẫn đặt kỳ vọng vào Pi và quyết định tiếp tục nắm giữ. "Thị trường mới mở cửa, dao động là bình thường. Ai vội bán rồi sau này lại tiếc," một thành viên trong hội nhóm Pi Network tại Việt Nam bày tỏ.

CEO sàn tiền số lớn thứ hai thế giới tiết lộ lý do từ chối niêm yết đồng Pi, gọi thẳng đây là dự án 'lừa đảo'- Ảnh 2.

Dữ liệu ghi nhận của CoinGecko cho thấy giá trị của đồng Pi đã sụt giảm tới 43% so với giá niêm yết khi mở cửa giao dịch (Ảnh chụp màn hình)

Ngược lại, nhiều người bắt đầu lo lắng khi giá không như kỳ vọng. "Tưởng lên sàn là bay cao, ai ngờ rơi không phanh. Tôi chốt lời luôn cho nhẹ đầu," một nhà đầu tư than thở.

Đáng chú ý, trước khi được niêm yết, Pi từng được giao dịch trên thị trường chợ đen (OTC) với mức giá dao động từ 50.000 - 70.000 đồng mỗi Pi (tương đương 2 - 3 USDT), tùy theo thỏa thuận giữa các bên. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng khi lên sàn, Pi có thể đạt mức giá 5 - 10 USDT hoặc cao hơn. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn trái ngược khi giá mở cửa chỉ ở mức 2 USDT và sau đó tiếp tục lao dốc.

Trước đó, vào tháng 6/2023, Bộ Công an cho biết đã phối hợp với lực lượng chức năng địa phương để điều tra các hoạt động liên quan đến tiền ảo Pi. Theo cơ quan này, những hoạt động quảng bá Pi tại Việt Nam có dấu hiệu lôi kéo theo mô hình kinh doanh nhị phân, đa cấp, trong đó tiền của người tham gia sau được dùng để chi trả cho người trước. Nhà chức trách khuyến cáo người dân cần thận trọng trước những lời mời gọi tham gia vào mô hình tiền số hứa hẹn lợi nhuận cao bất thường.