Châu Âu phân bổ hàng triệu euro cho dự án phát triển game

Theo hãng truyền thông trò chơi GamesMarkt của Đức, Liên minh châu Âu có kế hoạch đầu tư 7,5 triệu euro vào ngành phát triển trò chơi thông qua dự án Creative Europe.

Số tiền này sẽ được phân phối giữa 22 quốc gia và khu vực. Creative Europe tập trung vào các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong khu vực, bao gồm cả trò chơi điện tử. Pháp, nơi làm trụ sở của Ubisoft, sẽ nhận được nhiều tiền tài trợ nhất, ở mức 831.900 euro. Đức, quốc gia tổ chức sự kiện đình đám Gamescom, chỉ đứng sau Pháp và sẽ nhận được 818.200 euro.

Châu Âu đầu tư cho dự án Creative Europe. Ảnh: EU.

Châu Âu đầu tư cho dự án Creative Europe. Ảnh: EU.

Nguồn vốn cũng sẽ được phân bổ cho các dự án studio ở khu vực Đức-Áo-Thụy Sĩ (DACH), bao gồm Mi’Pu’Mi Games ở Vienna và Reynard Films ở Leipzig, Đức. Hai studio Proxy Studios và Tübingen mỗi hãng sẽ nhận được 150.000 euro. Games Foundation và Vest Games ở Kiel, Đức, sẽ nhận được từ 140.000 đến 145.000 euro.

Theo sau Đức trong top 5 là Ý, Đan Mạch và Ba Lan. Các quốc gia có mức tăng ít nhất là Slovakia, Serbia và Ireland. Creative Europe là một chương trình của Liên minh châu Âu dành cho các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo. Trong giai đoạn đầu tiên, từ năm 2014 đến năm 2020, ngân sách này có 1,47 tỷ euro được mở rộng lên 2,44 tỷ euro trong giai đoạn thứ hai (2021-2027).

Chương trình đã được Nghị viện châu Âu phê duyệt vào ngày 19 tháng 11 năm 2013 và được Hội đồng châu Âu thông qua vào ngày 3 tháng 12 năm 2013. Chương trình này có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2014. Tổng cộng có 650 Thành viên của Nghị viện châu Âu (MEP) đã bỏ phiếu ủng hộ chương trình, với 32 phiếu chống và 10 phiếu trắng.

Nhiều sản phẩm game sẽ được ra mắt thời gian tới. Ảnh: JP.

Nhiều sản phẩm game sẽ được ra mắt thời gian tới. Ảnh: JP.

Vào tháng 11 năm 2020, chương trình được gia hạn thêm 7 năm (2021-2027) và ngân sách tăng lên hơn nữa. Tư cách thành viên trong chương trình đã được mở rộng sang các quốc gia thành viên Đối tác phương Đông của EU. Kể từ năm 2022, Armenia, Georgia, Moldova và Ukraine đã gia nhập Creative Europe.

Mục tiêu chung của dự án là bảo vệ, phát triển và thúc đẩy sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ châu Âu cũng như phát huy di sản văn hóa châu Âu; tăng cường khả năng cạnh tranh của các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo, đặc biệt là lĩnh vực nghe nhìn, nhằm thúc đẩy thông minh, bền vững và tăng trưởng toàn diện.