Giới chức nước này đã phân bổ hơn 3 triệu bảng Anh để phát triển 22 trò chơi tại đây. Các studio như GLITCHERS, Tiny Rebel Games, Triangular Pixels, Nyamyam, Fumb Games, Spilled Milk Studios, Blazing Griffin, Variable State, Warp Digital Entertainment, Companion Group và những hãng khác đã nhận được khoản hỗ trợ này.
Truyền thông không cho biết mỗi studio cụ thể nhận được bao nhiêu. Theo các điều khoản của quỹ, các nhà phát triển có thể nộp đơn xin trợ cấp từ 50.000 bảng đến 150.000 bảng. Có thể nói, chính phủ xứ sương mù thực sự quan tâm đến đội ngũ nhà làm game và sẵn sàng đầu tư mạnh tay để họ phát triển sản phẩm của mình.
“Hỗ trợ trò chơi điện tử là một phần quan trọng trong kế hoạch của chính phủ nhằm phát triển ngành công nghiệp sáng tạo, có thể đạt tới 50 tỷ bảng Anh vào năm 2030. Chúng tôi hỗ trợ các nhà phát triển tài năng phát huy tối đa tiềm năng của họ và biến những ý tưởng có giá trị thành hiện thực”, Bộ trưởng Văn hóa Vương quốc Anh Lucy Frazer cho biết.
Trong số các hãng nhận được tài trợ đã có những hãng được đề cử Giải BAFTA. Theo báo cáo, năm ngoái game thủ tại Vương quốc Anh đã chi tổng cộng 7,82 tỷ bảng cho trò chơi điện tử, phần cứng trò chơi và nội dung giải trí dựa trên IP trò chơi (hàng hóa, phim ảnh, âm nhạc, v.v.). Con số này cao hơn 4,4% so với năm 2022. Doanh thu trò chơi điện tử hàng năm lên tới 5,18 tỷ bảng Anh, tăng trưởng 4,1% hàng năm.
Người Anh chi nhiều nhất cho game console. Doanh thu đạt 2,97 tỷ bảng Anh. Trong số tiền này, 2,48 tỷ bảng (tăng 5,6%) đến từ ấn bản kỹ thuật số và 495 triệu bảng (giảm 5%) từ ấn bản vật lý. Doanh thu game PC đạt 684 triệu bảng (tăng 4,5%). Người Anh đã chi 1,52 tỷ bảng (tăng 4,5%) cho trò chơi di động. Doanh số phần cứng chơi game tăng 4,1% lên 2,22 tỷ bảng. Doanh số bán thiết bị console là 951 triệu bảng (tăng 12%), doanh số bán PC chơi game là 673 triệu bảng (giảm 11%), doanh số phụ kiện chơi game là 402 triệu bảng (tăng 3%) và doanh số bán tai nghe VR là 194 triệu bảng (tăng 11%).