Chuyện ngược đời: Cha mẹ "rủ nhau" chơi ứng dụng hẹn hò, tất cả chỉ vì con cái làm điều này quá tệ!

Trên các ứng dụng, người mẹ 52 tuổi đặt ra những yêu cầu chi tiết cho chàng rể tương lai: anh ta phải có bằng cử nhân, cao ít nhất 1m73, độ tuổi 33 trở xuống, xuất thân từ gia đình gia giáo.

Cha mẹ lên ứng dụng hẹn hò

Kể từ tháng 2 năm ngoái, Wang Xiangmei, công nhân nghỉ hưu ở Chiết Giang, Trung Quốc, đã sử dụng ba ứng dụng hẹn hò khác nhau để tìm kiếm một người chồng hoàn hảo - không phải cho bản thân mà cho cô con gái 28 tuổi.

Trên các ứng dụng, Wang, 52 tuổi, đặt ra những yêu cầu chi tiết cho chàng rể tương lai: anh ta phải có bằng cử nhân, cao ít nhất 1m73, từ 33 tuổi trở xuống, xuất thân từ gia đình gia giáo.

Wang tin rằng con gái mình cần gấp một người bạn trai trước khi tất cả những người đàn ông tốt trên đời đều bị phụ nữ khác chộp lấy.

Bà cũng giải thích rằng con gái mình nên sinh con trong lúc bà còn khỏe để phụ giúp việc chăm cháu. Con gái chưa hẹn hò nên Wang quyết định tự mình giải quyết vấn đề. "Tôi muốn xem liệu mình có thể tìm được ai đó phù hợp hay không", Wang nói với ROW.

Các bậc cha mẹ ở Trung Quốc như Wang đang chuyển sang một loạt các nền tảng mai mối trực tuyến mới dành cho phụ huynh để giúp những đứa con chưa lập gia đình.

Trên các ứng dụng như Perfect In-Laws, Family-building Matchmaking và Parents Matchmaking, cha mẹ tạo hồ sơ để quảng cáo con cái với những người phối ngẫu tiềm năng mà đôi khi không có sự đồng ý của chính chủ. Sau khi mai mối, bố mẹ hai bên sẽ làm quen với nhau trước.

Mặc dù các cuộc hôn nhân sắp đặt ở Trung Quốc cũng như ở nhiều quốc gia khác ngày nay đã không còn quá phổ biến như trước, nhưng tỷ lệ kết hôn giảm trong những năm gần đây khiến các bậc cha mẹ quá sốt ruột, muốn thúc giục con cái sớm yên bề gia thất.

Ngành công nghiệp ứng dụng hẹn hò của Trung Quốc đã đánh vào sự lo lắng này bằng cách cung cấp dịch vụ mai mối trực tuyến.

Chuyện ngược đời: Cha mẹ "rủ nhau" chơi ứng dụng hẹn hò, tất cả chỉ vì con cái làm điều này quá tệ! - Ảnh 1.

Các bậc phụ huynh tìm thấy ứng dụng mai mối thông qua quảng cáo trên ứng dụng Douyin, phiên bản nội địa của TikTok. Người dùng phải trả phí đăng ký để xem hồ sơ và mở khóa thông tin liên hệ.

Ví dụ, một gói đăng ký cơ bản trên ứng dụng Perfect In-Laws có giá 1.299 nhân dân tệ (khoảng 4,3 triệu đồng). "Không có ngày hết hạn, cho đến khi hôn nhân đại thành", điều khoản đăng ký nêu rõ.

Không rõ có bao nhiều bậc cha mẹ tham gia vào các ứng dụng hẹn hò này. Nhưng Family-building Matchmaking, ứng dụng thuộc sở hữu của công ty trò chơi Perfect World, tuyên bố có hơn 2 triệu người dùng và đã tác hợp cho hơn 53.000 cuộc hôn nhân kể từ khi ra mắt vào năm 2020.

Parents Matchmaking, được ra mắt bởi gã khổng lồ hẹn hò trực tuyến Zhenai.com vào năm 2021, cũng tự hào có số người dùng lên đến hàng triệu.

So với các ứng dụng hẹn hò nhắm đến giới trẻ, như Tinder hay Momo, nền tảng hẹn hò lớn nhất Trung Quốc, các ứng dụng mai mối dành cho phụ huynh mới chú trọng nhiều hơn đến vấn đề tài chính của đối tượng.

Thông tin như mức lương, quyền sở hữu xe hơi và tài sản, và nơi làm việc (khu vực nhà nước hoặc tư nhân) được hiển thị nổi bật trên hồ sơ người dùng.

Khoảng cách thế hệ

Sybil Wu không mấy vui vẻ với sự nhiệt tình của mẹ cô trong cuộc mai mối. Mẹ của Wu ở độ tuổi 50 và đến từ tỉnh Chiết Giang, đã trả 299 nhân dân tệ (1 triệu đồng) cho gói đăng ký một năm trên Parent Matchmaking.

Lúc đầu, bà chỉ chơi ứng dụng cho vui, nhưng sớm nhận ra có thể tìm được ai đó cho con gái mình, một sinh viên sau đại học ở Bắc Kinh. Tiêu chuẩn của mẹ cô rất khắt khe: bạn nam phải đẹp trai, cao ít nhất 1m75, sinh năm 1999 trở về trước, có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ và sở hữu một căn hộ.

Chuyện ngược đời: Cha mẹ "rủ nhau" chơi ứng dụng hẹn hò, tất cả chỉ vì con cái làm điều này quá tệ! - Ảnh 2.

Sau khi tìm được nhà rể tương lai, mẹ của Wu gọi điện để thảo luận về kế hoạch nghề nghiệp của các con và trao đổi ảnh trên ứng dụng nhắn tin WeChat.

Một số phụ huynh đã hỏi mẹ cô rằng liệu Wu đã từng học tại các trường trung học hàng đầu hay không. Những người khác thì nói họ muốn cô con dâu chưa yêu ai bao giờ, một yêu cầu mà mẹ Wu không chấp nhận.

Cô cho biết đã nhắn tin qua loa với một người đàn ông mà mẹ cô tìm thấy thông qua ứng dụng, nhưng mối quan hệ không thành. Wu nói: "Không đời nào có chuyện mai mối thành công. Đó hoàn toàn là việc cha mẹ lựa chọn nhà thông gia theo ý thích".

Mâu thuẫn về các ứng dụng mai mối này cho thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa cách nhìn của người trẻ tuổi và cha mẹ họ về hôn nhân.

Kailing Xie, chuyên gia tại Đại học Birmingham, người nghiên cứu về hôn nhân và giới tính ở Trung Quốc, cho biết vì giới trẻ Trung Quốc thường dựa vào sự giúp đỡ của cha mẹ để an cư lập nghiệp nên cha mẹ muốn đảm bảo con cái họ kết hôn để mang lại lợi ích tốt nhất cho gia đình.

"Việc của con cái cũng là việc của cha mẹ vì con cái là niềm hy vọng duy nhất của gia đình," Xie nói.

Nhưng cha mẹ và con cái đôi khi có những kỳ vọng khác nhau về những điều mà hôn nhân mang lại.

Trái ngược với thế hệ cha mẹ, những người trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ sinh vào những năm 1990 và 2000, có xu hướng chọn kết hôn muộn hơn.

Elaine Yang, con gái của Wang Xiangmei, nhân vật ở đầu câu chuyện, hiện là giáo viên ở thành phố Hàng Châu, cho biết đôi khi cô tranh cãi với mẹ qua điện thoại vì bà không ngừng gây áp lực buộc cô phải kết hôn sớm.

Yang nói rằng mặc dù cô đồng cảm với áp lực xã hội mà mẹ cô phải chịu đựng khi có một cô con gái chưa chồng, nhưng hiện tại, cô hạnh phúc với cuộc sống độc thân.

Bất chấp sự phản đối của Yang, mẹ cô đang lên kế hoạch đăng ký các ứng dụng mai mối và lên kế hoạch gặp gỡ. "Tôi không hiểu nổi bọn trẻ ngày nay nghĩ gì",  Wang nói. "Ngày xưa, 25 tuổi tôi đã có con rồi".