Áp lực đồng trang lứa, sợ bị bỏ lỡ, công việc bận rộn... là những “nỗi niềm” rất dễ gặp, khiến người trẻ đôi khi bị cuốn đi theo nhịp sống căng thẳng, hối hả. Mỗi người có 1 lựa chọn để "cân bằng" cuộc sống. Với Trần Thị Kim Út (sinh năm 1999, đang sinh sống ở Quảng Nam) - chủ kênh Út về vườn, cô quyết định rời thành phố về quê dù sau khi tốt nghiệp tìm được công việc đúng ngành, với mức lương đủ sống.
Kim Út
Kim Út bắt đầu đăng những video đầu tiên về cuộc sống ở quê của mình vào tháng 12/2022. Sau nửa năm trôi qua, kênh của Út đang có gần 560k lượt theo dõi và gần 8 triệu lượt thích. Thành quả này có được là nhờ phong cách làm video giản dị, dễ thương nhưng không kém phần chỉn chu cùng những bối cảnh bình yên, món ăn ngon mắt...
Từ vườn rau ở ban công phòng trọ đến khu vườn bao la ở quê
Cuối năm 2020, Kim Út tốt nghiệp khoa Báo chí trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM. Cô làm công việc đúng chuyên ngành với mức lương khoảng 10 triệu/tháng.
Sau 2 năm làm báo, Kim Út thấy mình ngày càng trưởng thành hơn, học được nhiều kỹ năng hữu ích. Tuy nhiên trong thâm tâm, nhiều lúc cô cảm thấy bản thân không thực sự cháy hết mình với công việc. Điều này khiến Út chững lại và suy nghĩ rất lâu rồi quyết định tạm nghỉ việc, tự cho bản thân cơ hội tìm kiếm, trải nghiệm một thử thách nào đó để làm mới mình.
Và thử thách mà Kim Út đặt ra cho chính mình là về quê sống. Đồng thời cô cũng định hướng cho bản thân vừa ở quê vừa tạo nguồn thu nhập từ việc sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội.
“Mình thích sự yên bình, tĩnh lặng ở quê, thích nấu ăn, thu hoạch cây trái, làm vườn,… Trong khi ở TP.HCM thời điểm đó sau mỗi ngày tan làm là mình về phòng trọ ngột ngạt. Mình cũng ráng làm một vườn rau nhỏ ngoài ban công, trồng đủ loại như mồng tơi, rau răm, quế, hành… Đó là niềm vui sau mỗi ngày của mình, nuôi dưỡng ước mơ sau này sẽ làm một mảnh vườn thiệt đẹp ở quê”.
Nguyên liệu cho những món ăn ngon lành của Út hầu hết đều là của nhà trồng trọt, chăn nuôi
Trước khi về quê, Kim Út cũng không chuẩn bị quá nhiều: “Hồi đó thu nhập 10 triệu/tháng nên mình cũng không dư dả gì, khi quyết định ‘về vườn’ thì chỉ có mấy triệu trong tay. Nhưng mình còn trẻ, chưa có gia đình nên quyết định được đưa ra một cách nhanh chóng.
Về nhà có gì ăn đó, gia đình trồng nhiều rau củ, gà vịt ngoài vườn, tụi nó đẻ trứng ăn hoài không hết phải bán nữa nên mình không cần vốn liếng gì. Bên cạnh đó mình còn được sự hỗ trợ của anh chị, nhận làm thêm vài việc freelance là có ít thu nhập để sống. Nhưng những cái này là trường hợp của mình thôi, còn bạn nào mà nhà không có sẵn đất, làm mọi thứ từ số 0 thì mình nghĩ là cần vốn nhiều”.
“Đi làm máy lạnh không sướng hơn hả con? Sao về làm nông nắng nôi cực khổ”
Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, trong gia đình vốn làm ruộng nên khi về quê, Kim Út cảm thấy mọi việc diễn ra rất bình thường, thân thuộc. Tuy nhiên cô không tránh khỏi những câu hỏi đến từ hàng xóm, mọi người xung quanh:
“Vài cô chú cũng hay hỏi ‘Đi học đại học 4 năm, đi làm máy lạnh không sướng hơn hả con? Sao về làm nông nắng nôi cực khổ?’. Nhưng mình thấy vui với quyết định của mình vì mỗi hành trình, giai đoạn đi qua đều có giá trị riêng. Và quan trọng là mình thấy vui với công việc đang làm, thêm nữa gia đình cũng rất ủng hộ quyết định của mình”.
Từ khi về quê, mỗi ngày Út đều thấy hạnh phúc
Ngược lại, sau khi về quê, đôi lúc Út cũng lưu luyến thành phố. Đó là những người bạn thân, trước đây chỉ cần ới một tiếng là có thể gặp mặt còn bây giờ phải lựa dịp đặc biệt. Đó là những món ăn tâm đắc ở vài quán quen, thỉnh thoảng muốn ăn lắm nhưng giờ đành nhịn thèm.
“Lâu lâu có dịp mình vẫn lên thành phố chơi. Hơn nữa bây giờ internet, giao thông phát triển lắm rồi, muốn đi đâu chỉ cần đặt vé rồi đến nhanh thôi. Mình thấy sống ở quê hay phố không còn nhiều khoảng cách, quan trọng là chọn ở đâu cho phù hợp công việc, sở thích bản thân”.
Về quê làm ruộng không phải là chuyện dễ, nhất là với người không quen lao động chân tay. Nhưng với Kim Út, từ lúc rời phố về quê đến nay, cô chưa có giây phút nào chán nản hay mệt mỏi.
“Cuộc sống mỗi ngày của mình giờ dần giống người ở quê hơn, khác một xíu là tối ngủ muộn hơn một chút. Còn sáng mình vẫn dậy sớm làm những việc đã lên kế hoạch từ tối hôm trước, ngày qua ngày nối tiếp nhau nên ít thời gian nghĩ gì nhiều. Có lẽ vì đây là việc mình thích nên cứ làm hoài, không những không chán mà còn thấy vui nữa” - cô nàng tâm sự.
Tuy nhiên Út cũng không tránh khỏi những khó khăn khi làm một vài công việc nặng. “Cưa cây lỡ trúng tay, chặt cành bị trầy xước, leo cây thì ngã,... nhưng mình không thấy phiền lòng vì chuyện này”.
Đứt tay, ngã cây,... là chuyện thường gặp của Út từ khi về quê
Về chuyện kinh phí duy trì cuộc sống, kênh của Út cũng nhận được những hợp đồng quảng cáo, nhờ vậy mà cô có thu nhập ổn để sống ở quê. Ngoài ra các khoản chi phí cũng giảm bớt nhiều sau khi về quê, bao gồm cả các khoản chi của con gái như quần áo, mỹ phẩm: “Do quay video nên giờ mình chỉ mặc áo bà ba, áo quần cũng không mua gì nhiều. Với từ nhỏ mình cũng ít sắm sửa nên cũng không có nhiều thay đổi. Còn mỹ phẩm thì mình vẫn dùng để giữ da, chống nắng. Mình cũng là con gái mà, cũng muốn giữ nét cho riêng mình nữa”.
“Nhìn rộng ra, mình thấy về vườn là quyết định khó khăn và không dễ dàng như những hình ảnh, video được chia sẻ trên các diễn đàn bỏ phố về quê. Nếu không am hiểu nông nghiệp, từ bỏ những thói quen ở phố, làm lại từ đầu ở những cái trước đây chưa biết sẽ rất khó khăn chứ không màu hồng. Nhưng mình cũng nghĩ nói nhiều không bằng bắt tay làm, có thử thì bạn mới biết bạn cần những gì, làm được hay không và có phù hợp không” - Kim Út kết luận.
Khu vườn của Út khi bắt đầu gieo hạt
Bây giờ đã ngập tràn rau củ