Giữa những gã khổng lồ Nhật Bản, “người tí hon” Kairosoft vẫn tìm được thành công - Game Mobile

Trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và chi phí phát triển game ngày càng cao, studio nhỏ bé Kairosoft vẫn thành công chinh phục game thủ.

Làm quen nhờ Dungeon Village

Mọt tui biết đến Kairosoft cùng những tựa game của họ lần đầu tiên vào khoảng năm 2012, khi tình cờ “vấp phải” Dungeon Village trên con tablet chạy Android cũ kỹ. Tựa game nho nhỏ này đã ngốn của Mọt tui không ít thời gian với vòng lặp gameplay đơn giản xây dựng – tuyển mộ – thu tiền, và cứ thế tiếp diễn. Đây là một trong những tựa game hấp dẫn nhất của Kairosoft, cho phép game thủ đuổi theo tiền bạc và danh vọng, trang bị cho những người hùng đủ loại vũ khí từ búa lửa đến giáo băng, nghịch ngợm với phép thuật hay tạo ra các party để săn quái, làm nhiệm vụ.

Giữa những gã khổng lồ Nhật Bản, “người tí hon” Kairosoft vẫn tìm được thành công

Dungeon Village.

Sau khi hoàn tất tựa game này, Mọt bắt đầu tìm thử những tựa game tương tự để rồi có được một bất ngờ thú vị khi phát hiện ra Kairosoft có cả một kho tàng game cùng một phong cách đồ họa và lối chơi đơn giản nhưng gây nghiện tương tự. Kể từ đó, những tựa game nhỏ bé nhưng hấp dẫn của Kairosoft như Game Dev Story, Ninja Village, Cafeteria Nipponica… đã đem lại cho Mọt rất nhiều giờ giải trí thú vị, biến Kairosoft thành một trong hai studio làm game mobile mà Mọt tui theo dõi thường xuyên – studio kia là Ironhide, tác giả của loạt game thủ trụ Kingdom Rush mà Mọt từng review trước đây.

Cốt truyện Metal Gear Solid – P.1: Các hiền triết Philosophers
Khởi đầu với mục đích tốt đẹp, tổ chức Philosophers nhanh chóng tha hóa chỉ sau một đời thành viên bởi quyền lực và tiền nong.

Kairosoft là ai, họ làm game gì?

Theo như Mọt được biết, Kairosoft là một studio nhỏ được thành lập vào năm 1996 bởi nhà sáng lập Kazuyuki Usui. Sau 24 năm hoạt động, Kairosoft vẫn là một studio nhỏ – toàn bộ nhân sự của công ty chỉ là 20 người, nhưng đội ngũ nhỏ nhoi này đã liên tục tung ra những tựa game thú vị cho game thủ. Bất kỳ ai từng chơi qua game của Kairosoft đều có thể dễ dàng nhận ra rằng những tựa game của họ đơn giản và có gameplay đi theo một “công thức” được tái sử dụng nhiều lần qua nhiều tựa game khác nhau. Nhưng cái hay của Kairosoft nằm ở chỗ họ đã khéo léo tạo ra những biến tấu nhỏ vừa đủ để đem lại sự mới mẻ, tránh việc làm cho game của mình trở nên nhàm chán trong mắt các fan trung thành.

Giữa những gã khổng lồ Nhật Bản, “người tí hon” Kairosoft vẫn tìm được thành công

Game của Kairosoft thường khai thác cuộc sống thường nhật.

Khởi đầu là một studio làm game doujin (game nhỏ, được người không chuyên làm theo sở thích, bán số lượng hạn chế tại các kỳ sự kiện của cộng đồng yêu thích 2D Nhật), tựa game đầu tiên của Kairosoft là một game PC mô phỏng hoạt động của một cửa hàng sách cũ. Họ thực hiện một số game PC trong khoảng thời gian 5 năm từ 1996 đến 2001, trước khi hoàn toàn chuyển qua làm game cho mobile. Tuy nhiên game thủ thế giới sẽ không biết đến những tựa game đầy lôi cuốn của studio này trong gần 10 năm nữa, cho đến khi họ dịch Game Dev Story ra tiếng Anh và phát hành nó trên iOS vào năm 2010.

Giữa những gã khổng lồ Nhật Bản, “người tí hon” Kairosoft vẫn tìm được thành công

Game Dev Story thậm chí còn thành meme.

Bước chân đầu tiên ra bên ngoài Nhật Bản của Kairosoft là một thành công rực rỡ: trong khi không ít game ngày nay khoe thành tích top 1 cửa hàng vào ngày ra mắt nhưng thực ra là mua lượt cài đặt, Game Dev Story leo lên vị trí top 10 ứng dụng App Store toàn cầu chỉ trong tuần đầu tiên bằng “chân tài thực học” của mình. Kể từ đó đến nay, studio đã dịch thuật và phát hành khoảng hơn 70 game bằng tiếng Anh, giúp game thủ thế giới biết nhiều hơn về văn hóa Nhật qua những tựa game như Hot Springs Story, The sushi Spinnery hay Oh! Edo Towns; đem lại những cuộc du hành thú vị như World Cruise Story, High Sea Saga; cho game thủ cơ hội bước vào ngành công nghiệp giải trí như Anime Studio Story, The Manga Works,…

Giữa những gã khổng lồ Nhật Bản, “người tí hon” Kairosoft vẫn tìm được thành công

Một góc kho game của Kairosoft trên Google Play.

Hẳn bạn có thể nhận ra rằng nét độc đáo của những tựa game Kairosoft nằm ở chỗ các tựa game mô phỏng của họ thường khai thác những điều tưởng chừng quen thuộc với game thủ nhưng loại bỏ bớt những gian nan ngoài đời thực. Có thể kể đến các đề tài về họa sĩ manga, cửa hàng bán game, quản lý phòng trưng bày, phục vụ ở suối nước nóng… Nhờ vậy, những trò chơi của Kairosoft là những trải nghiệm đầy thư giãn, có khả năng giúp game thủ tạm quên những chuyện vặt vãnh hàng ngày để đắm chìm vào cuộc chơi.

Kairosoft còn một kho tàng chưa được biết đến

Như Mọt đã nói ở trên, Kairosoft đã dịch thuật hơn 70 tựa game ra tiếng Anh để phát hành trên các cửa hàng iOS và Android, tạo ra hàng loạt game ăn theo và khiến hình ảnh của họ gắn liền với những tựa game mô phỏng trên hai nền tảng di động phổ biến này. Thế nhưng ngay cả khi đã chơi hết toàn bộ số game này, bạn vẫn chưa chơi hết tất cả những tựa game mà Kairosoft đã thực hiện – thật ra đó chỉ mới là khoảng 70% số game mà Kairosoft đã phát hành.

Giữa những gã khổng lồ Nhật Bản, “người tí hon” Kairosoft vẫn tìm được thành công

Sau hơn 20 năm hoạt động, Kairosoft vẫn không ngừng tung ra những tựa game hấp dẫn.

Đó là bởi vì cho đến lúc này, Kairosoft vẫn đang phát triển nội dung cho các công ty di động tại Nhật Bản như DoCoMo hay Softbank. Những tựa game đó cũng đều theo cùng một công thức, mang hương vị quen thuộc như Piko Piko! Game Expo, Royal Gallery Academy, Shukkō!! Kontena maru,… tuy nhiên những tựa game này thường không được dịch sang tiếng Anh do hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ Nhật.

Mọt tui hi vọng rằng trong tương lai, những trò chơi này sẽ được dịch sang tiếng Anh, và studio nho nhỏ này sẽ tiếp tục theo đuổi cách làm game của mình để tiếp tục đem lại cho chúng ta những trò chơi nhỏ nhưng vẫn vô cùng thú vị.