Thực trạng đáng báo động của người chơi Gacha
Một khảo sát mới tại Nhật Bản cho thấy gần 20% người trẻ trong độ tuổi 20 sẵn sàng hy sinh chi phí sinh hoạt để đầu tư vào các giao dịch trong game. Thói quen tiêu dùng này đang dấy lên nhiều lo ngại về sự phụ thuộc ngày càng tăng vào trò chơi điện tử, đặc biệt là những trò chơi có yếu tố "gacha".

Cụ thể, theo khảo sát thường niên do SMBC Consumer Finance thực hiện, trong số 1.000 người Nhật từ 20 đến 29 tuổi được hỏi, có đến 18,8% thừa nhận từng chi quá tay cho các giao dịch trong game, dẫn đến việc không đủ tiền trang trải chi phí cơ bản như tiền nhà, thực phẩm... Trong đó, tỷ lệ nam giới (22,8%) cao hơn rõ rệt so với nữ giới (14,8%). Mặc dù gần 25% người tham gia khảo sát bày tỏ sự hối hận về các khoản chi tiêu này, nhưng so với năm 2024, số lượng người “nạp game” vẫn tăng thêm gần 6%.

Đáng chú ý ở chỗ, những quan điểm như: "Tôi sẵn sàng trả tiền để có lợi thế trong trò chơi" hay "Tôi không thể tận hưởng trò chơi nếu không mua hàng trong game"... cũng gia tăng ở cả nam và nữ. Điều này cho thấy một xu hướng tiêu dùng mới trong thế hệ trẻ, khi yếu tố giải trí và cạnh tranh trong thế giới ảo được đặt lên cao hơn nhu cầu thực tế.
Game gacha đang “định hình” lại thói quen chi tiêu
Chỉ tính riêng trong tháng 3/2025, tổng chi tiêu toàn cầu thông qua Apple App Store và Google Play đã đạt 6,79 tỷ USD. Những tựa game nổi tiếng như PUBG Mobile, Candy Crush Saga, Pokémon Go… chỉ là một phần nhỏ trong số rất nhiều trò chơi mang lại lợi nhuận khổng lồ.

Sự phổ biến của mô hình game miễn phí nhưng khuyến khích IAP (giao dịch trong game) đã dẫn đến việc nhiều người chơi – đặc biệt là giới trẻ – sẵn sàng chi tiêu lớn để đạt được ưu thế hoặc thỏa mãn trải nghiệm cá nhân trong game. Có thể thấy, trong bối cảnh công nghệ tiếp tục phát triển, việc giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức về sự cân bằng trong cuộc sống thực và ảo là điều ngày càng cấp thiết.