Vào 0h ngày 14/10 (giờ Việt Nam), sự kiện ra mắt thiết bị mới của Apple với cái tên "Hi, Speed" đã chính thức diễn ra. Tâm điểm là 4 mẫu iPhone mới của năm 2020 với cực kỳ nhiều cải tiến đáng giá, bao gồm iPhone 12, iPhone 12 Mini, iPhone 12 Pro và iPhone 12 Pro Max.
Thế hệ iPhone 12 mới sở hữu rất nhiều cải tiến giá trị cả về thiết kế lẫn cấu hình, nhưng nhìn chung cũng không chênh lệch gì nhiều so với những lời đồn đoán được đưa ra trước khi sự kiện ra mắt. Nhưng đặc biệt, có một tin đồn đã chính xác đến tuyệt đối, đó là Apple quyết định loại bỏ củ sạc và tai nghe đi kèm trong toàn bộ thế hệ iPhone 12 sắp ra mắt tới đây.
iPhone 12 Pro và Pro Max - dòng thiết bị cao cấp nhất được ra mắt trong sự kiện "Hi, Speed" vừa qua
Dĩ nhiên, việc Apple loại bỏ 2 phụ kiện đi kèm có thể nói là "truyền thống" đối với bất kỳ smartphone nào từ trước tới nay đã gây ra cực kỳ nhiều tranh cãi lẫn chỉ trích, thậm chí là ngay từ thời điểm tin đồn mới xuất hiện. Theo đó, nhiều người nghĩ rằng đây là một động thái mang tính... hút máu người dùng của nhà Táo, khi bán ra một chiếc điện thoại hàng ngàn đô mà khách hàng lại chẳng có nổi một cục sạc đi kèm. Hơn nữa, những người mới sử dụng iPhone sẽ chẳng còn cách nào khác ngoài việc bỏ ra thêm vài chục đô nữa (tính sơ sơ cũng đi nhõn cả triệu bạc) để mua một cục sạc chính hãng.
Hãy quên củ sạc tặng kèm đi trong các dòng iPhone 12, và có lẽ từ nay trở đi sẽ là như thế
Nhưng có thật là như thế không? Nếu bỏ qua sự thiệt thòi của người tiêu dùng, thì liệu việc loại bỏ cục sạc có đáng để chúng ta tranh cãi nhiều đến thế? Thực ra là không đâu, theo lời Dieter Bohn, phóng viên trang The Verge, người đồng thời cũng là một ifan cứng cựa trong thời gian khá dài.
Chúng ta thực chất đã có quá dư phụ kiện iPhone trên thế giới
Lisa Jackson - phó chủ tịch về chính sách, môi trường và giải pháp xã hội của Apple trong lễ ra mắt đã nhắc đến một số liệu đáng giật mình: hiện tại có hơn 2 tỉ cục sạc Apple đang tồn tại trên thế giới (chưa tính hàng tồn kho của hãng). Còn về tai nghe, thực tế thì từ khi loại bỏ giắc cắm 3.5mm, chiếc tai nghe với chân cắm lightning gần như chẳng còn ý nghĩa với người dùng nữa, bởi nhiều người đã chuyển sang dùng AirPods rồi.
"Loại bỏ các phụ kiện này sẽ giúp hộp đựng iPhone mới nhỏ hơn và nhẹ hơn," - Jackson thông báo. "Chúng tôi có thể tăng thêm 70% số lượng hàng hóa khi vận chuyển, qua đó giảm được sự lãng phí."
Đồng ý rằng việc loại bỏ phụ kiện - đặc biệt là củ sạc sẽ mang đến chút thiệt thòi cho những người mới sử dụng iPhone. Nhưng điều đáng nói là có bao nhiêu người là người dùng mới, trong một thế giới ngập tràn smartphone như hiện nay? Riêng cộng đồng đang sử dụng iPhone (vốn chiếm một tỉ lệ không nhỏ so với thị trường smartphone thế giới) và có nhu cầu lên đời máy, thì mỗi lần mua cũng là một lần có thêm củ sạc. Với tuổi thọ tương đối "chì" của củ sạc chính hãng, những củ sạc đến sau thực sự không còn nhiều ý nghĩa và trở nên rất lãng phí.
Thêm nữa với dung lượng pin khá lớn của các dòng iPhone cao cấp hiện nay, củ sạc tiêu chuẩn (không phải sạc nhanh 18W) của Apple cũng khó mà mang đến trải nghiệm tốt. Bởi vậy, nhiều người dùng đã chuyển sang dùng sạc của các hãng thứ 3, với mức giá mềm hơn, chất lượng tốt mà hiệu năng lại cao hơn hẳn.
Hay nói cách khác, củ sạc zin của Apple nay cũng bị nhiều người bỏ xó, và từ đó dẫn đến một vấn đề hết sức nhức nhối cho cả thế giới hiện nay: rác thải điện tử!
Vấn đề nan giải của cả thế giới
Phóng viên Dieter Bohn cho biết anh không quan tâm đến việc Apple loại bỏ củ sạc vì nó không cần thiết nữa, đặc biệt là xét trên bối cảnh quy mô rác thải điện tử có nguy cơ trở nên khủng hoảng như hiện nay. Anh đề cập đến một bài phỏng vấn năm 2018 của Bohn với Steven Yang - CEO của Anker, thương hiệu bán phụ kiện điện thoại nổi tiếng thế giới, Yang đã có những chia sẻ như sau:
"Mỗi smartphone đều được tặng kèm củ sạc, và chúng ta có khoảng 1,5 tỉ chiếc smartphone được vận chuyển trong năm 2017. Đó là chưa tính đến tablet, laptop và các thiết bị khác nữa. Ước tính riêng trong năm 2017 đã có hơn 4 tỉ củ sạc được tung ra thị trường, nghĩa là có khoảng 300.000 tấn rác thải điện tử tiềm năng."
Rác thải điện tử là một vấn nạn của thế giới hiện nay, và củ sạc dư thừa đóng góp một phần không nhỏ trong số đó
Còn theo số liệu từ Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), có khoảng 1 triệu tấn sạc được sản xuất mỗi năm. Bất kể có bao nhiêu phần trong số đó trở thành rác thải điện tử, thì về bản chất cũng là sự lãng phí không cần thiết. Mà một khi đã thành rác điện tử, chúng sẽ gây ra những ảnh hưởng rất xấu đến môi trường và sức khỏe của chính con người.
Yang cho biết, ông mong muốn tìm ra giải pháp cho vấn đề này, bằng một chuẩn sạc chung cho cả thế giới - hiện được lựa chọn là USB-C. Bản thân Apple cũng đã ký một bản thỏa thuận ủng hộ ý tưởng chuẩn sạc chung đối với nhiều công ty điện tử lớn. Dù vẫn giữ lại cổng sạc lightning trên iPhone, nhưng họ cũng phần nào giữ lời hứa khi chuyển đầu sạc còn lại sang chuẩn USB-C. Các thiết bị khác như iPad, MacBook thế hệ gần đây cũng đã chuyển đổi rồi.
MG Siegler - một nhà đầu tư mạo hiểm tiếng tăm tại Mỹ nhận định, Apple có 4 lí do để loại bỏ phụ kiện trên các dòng iPhone mới, bao gồm cả vấn đề môi trường và hướng đến một sự chuyển đổi chuẩn không-kèm-sạc cho thị trường smartphone. Nhìn chung thì Apple vẫn là thế, luôn mang đến sự tranh cãi với những thay đổi mình đưa ra, nhưng rồi cả thế giới sẽ dần phải học cách chấp nhận.
Nguồn: The Verge, Business Insider