Theo những báo cáo tổng kết về thị trường game Việt trong nhiều năm qua, thì chúng ta đang được đánh giá cao nhất và nhiều kỳ vọng nhất Đông Nam Á. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017, tổng doanh thu thị trường game Việt Nam đã đạt tới con số 365 triệu USD trong khi theo dự đoán trước đó của Newzoo, con số này chỉ là 217 mà thôi.
Số liệu thống kê đầu năm 2017 cũng cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 32.8 triệu người chơi game, trong đó 75% là người chơi game trên mobile. Còn một số liệu của bộ TT&TT, Việt Nam hiện có khoảng 45 triệu người dùng Internet, trong đó 35 triệu người dùng smartphone. Những số liệu này đều đem đến một bức tranh vô cùng khởi sắc cho thị trường game mobile Việt Nam nói riêng và thị trường game Việt Nam nói chung.
Nhìn những số liệu trên, rất nhiều người sẽ vô cùng hân hoan và lạc quan về một tương lai phát triển rực rỡ của game Việt trong năm 2018. Tuy nhiên nếu thọc sâu, thọc kỹ vào vấn đề thì liệu, đây là điều đáng mừng hay đáng lo? Với hàng trăm triệu USD mỗi năm, liệu bao nhiêu trong số đó thực sự là của chúng ta?
Có tiếng mà không có miếng?
Những cái tên game mobile nổi bật nhất trong năm 2017 vừa qua có thể kể đến như: Chinh Đồ 1 Mobile, Thiện Nữ Mobile, Tru Tiên 3D, Thiên Hạ 3D, Liên Quân Mobile, Kim Dung Quần Hiệp Truyện, Đông Tà Tây Độc, Lục Địa Huyền Bí… Và trong số đó, chỉ duy nhất Kim Dung Quần Hiệp Truyện là sản phẩm "made in Vietnam", còn lại tất cả đều nhập ngoại (Trung Quốc). Tất nhiên, số tiền bản quyền và vận hành mà chúng ta phải chi trả cho các công ty sản xuất là rất nhiều, mức ăn chia doanh thu này có thể từ 20%, 50% hay thậm chí là 70% tùy giá mua game và những thỏa thuận với đối tác.
Kim Dung Quần Hiệp Truyện là đại diện nổi bật duy nhất đến từ các NSX game Việt trong năm 2017
“Từ thực tế trên, sẽ không ngoa khi nói rằng nếu ví hàng trăm triệu đô la thu doanh thu toàn ngành game là một nồi nước lèo, thì những gì chúng ta thu được chỉ là váng mỡ, còn bao nhiêu ngọt bùi, bổ béo đã phải chia sẻ hết ra nước ngoài". Trở lại với danh xưng “thị trường game lớn nhất khu vực Đông Nam Á”, phải chăng đó đơn thuần chỉ là thị trường nhập khẩu, phát hành, còn ngành sản xuất, xuất khẩu game Việt đang ở đâu trên khu vực lại là một câu chuyện hoàn toàn khác?
So với thế giới, chúng ta vẫn là vùng đất trũng?
Trong khi Hàn Quốc và Trung Quốc đang đi đầu thị trường làm game với vị thế là các nhà sản xuất và phân phối game toàn cầu thì Việt Nam vẫn còn đang ở giai đoạn “nhập siêu”.
Trong khi game thủ thế giới đang thoải mái vẫy vùng với các sản phẩm bom tấn đỉnh cao cả về gameplay và đồ họa thì game thủ Việt vẫn phải ngụp lặn trong cái ao làng, khi các sản phẩm “mì ăn liền” không có gì khởi sắc thì nhiều vô kể mà những cái tên thực sự chất lượng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Sự thăng hoa quá nhanh của chất lượng game online thế giới cũng là lý do chính khiến Việt Nam bị bỏ lại phía sau
Trong khi các NPH nước ngoài quyết tâm săn tìm game hay, game top cho cộng đồng của họ thì rất ít NPH tại Việt Nam dám mua hoặc đủ tiền để tậu chúng về dải đất hình chữ S. Vì thế giải pháp chọn các tựa game rẻ, thu hồi vốn nhanh, đánh đúng vào thị hiếu của một bộ phận lớn gamer ưa thích 2D, 2.5D xem ra lại là cách lựa chọn duy nhất.
Vẫn còn đó những tín hiệu đáng mừng
Những điều chúng ta đang bàn luận ở đây, không phải các NPH và NSX game Việt không từng nghĩ đến. Ước mơ đưa ngành game Việt Nam vươn ra tầm quốc tế, tạo ra được những sản phẩm game được cả thế giới biết đến vẫn còn đây và luôn mãnh liệt hơn bao giờ hết. Chúng ta cũng không thể nào phủ nhận những thành tích đáng khen ngợi trong việc đưa điều đó trở thành hiện thực của hàng trăm Developer Việt Nam.
Khu Vườn Trên Mây là game di động Việt Nam được vinh danh tại IMGA Global lần thứ 13, đồng thời cũng nhận giải "Game được cộng đồng yêu thích nhất khu vực Đông Nam Á"
Khu Vườn Trên Mây, Hoa Sơn Luận Kiếm 3D, Chaos Legend Reborn, Hải Tặc Bóng Đêm... là một vài trong rất nhiều những sản phẩm do người Việt tự sản xuất được đánh giá cao trong nhiều năm qua. Còn riêng năm 2017, chắc hẳn không thể không nhắc đến eWings Studio cùng NPH SohaGame với nỗ lực không ngừng trong việc phát triển và phát hành các tựa game 100% “made in Vietnam”, trong đó có nhiều sản phẩm đạt được những thành công nổi bật đáng ghi nhận.
Đáng kể tên nhất chính là dự án game chiến thuật quy mô hoành tráng nhất từ trước đến nay: Kim Dung Quần Hiệp Truyện. Với công nghệ từ Engine Unity mới, sản phẩm này đã có được đồ họa Full 3D có thể xoay 360 độ chẳng kém gì các game MMORPG 3D trước kia trên PC. Thậm chí ở thời điểm trước khi ra mắt, một đoạn video ngắn của game đã được tung lên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc với đề tựa: “Một game mobile mới được sản xuất bởi người Việt Nam, cho người Việt Nam” đã thu hút hàng ngàn lượt bình luận. Đa phần đều tỏ ra bất ngờ vì không nghĩ game Việt Nam làm lại đẹp như vậy. Một vài game thủ thì cho rằng trò chơi nên có bản tiếng Trung Quốc, thậm chí có game thủ còn mong muốn học tiếng Việt để có thể trải nghiệm.
Gameplay của Kim Dung Quần Hiệp Truyện ngẫu nhiên được game thủ đăng lên thu hút cả ngàn like và bình luận trên Weibo
Ngoài sự thành công vượt trội với sản phẩm của riêng mình, Kim Dung Quần Hiệp Truyện còn thắp sáng lại giấc mơ làm game Việt, từ trí tuệ Việt, dành cho người Việt. Đây chính là một trong những minh chứng rõ ràng rằng, Developer Việt cũng giỏi không kém gì những đồng nghiệp ở nước ngoài. Vì thế chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng một tương lai không xa, game Việt sẽ có nhiều sản phẩm chất lượng, đẳng cấp để bảo vệ “sân nhà” trước những trò chơi du nhập từ Trung Quốc.
2018 - một năm mới với nhiều kỳ vọng
Thách thức có, khó khăn có, tuy nhiên với những tín hiệu đáng mừng kể trên, chúng ta vẫn có quyền hi vọng về một năm 2018 khởi sắc dành cho làng game Việt, cả về số lượng lẫn chất lượng. “Tiềm năng số 1”, “doanh thu số 1” sẽ là những bước đệm vững chắc để một ngày chúng ta có thể tự tin thoát khỏi cái ao làng, tự tin hòa nhập với làng game thế giới, nơi mà ở đó, game thủ Việt sẽ được chơi những tựa game đỉnh cao mà cả thế giới đang chơi.