Loạt lý do khiến Streamer dẫu "toxic" tới mấy nhưng người xem lại hiếm khi quay lưng

Những hành động vốn không được xã hội chấp nhận của một số streamer lại được rất đông cư dân mạng coi là chuyện thường.

Live-stream hay streaming là chức năng phát sóng trực tiếp thông qua các trang web hoặc mạng xã hội. Chỉ cần bạn ngồi trước webcam hoặc camera điện thoại, bật chế độ phát sóng trực tiếp là bạn vừa mới trở thành một streamer. Trong nhiều năm gần đây, xu hướng streaming ngày càng hot trong mắt giới trẻ. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh trong tay, người dùng dễ dàng tương tác với các "idol" trên thế giới ảo và đó cũng là yếu tố khiến những streamer ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng.

Loạt lý do khiến Streamer dẫu toxic tới mấy nhưng người xem lại hiếm khi quay lưng - Ảnh 1.

Trở thành một game thủ toxic không phải là điều gì đó quá tích cực.

Tuy nhiên, những hành động thể hiện sự "toxic" của các streamer như rủa xả đồng đội khi thua trận, đập phá đồ đạc, sử dụng vũ lực với đối phương... thì lại không đẹp mắt chút nào. Thế nhưng, những hành động thiếu chuẩn mực đó lại là diễn ra ngày càng phổ biến, trải rộng trên nhiều bộ môn Esports. Ấy vậy mà nhiều KOL "toxic" như vậy lại không những không bị ghét bỏ mà còn sở hữu cho mình một lượng người hâm mộ vô cùng hùng hậu. Tại sao lại có nghịch lý đó?

Sự tương đồng về mặt tâm lý giữa người xem và Streamer

Những người hâm mộ các streamer vì nhiều lý do, trong đó, việc người xem như được thấy chính bản thân mình mỗi khi thần tượng lên sóng là yếu tố quan trọng bậc nhất. Cùng với một tựa game, nhưng khán giả luôn thao thức muốn biết thần tượng của mình sẽ vượt qua nó như thế nào, khác với bản thân mình ra sao. Hiển nhiên, khi chơi thì ai trong chúng ta cũng ít hay nhiều phải hứng chịu thất bại. Nguyên nhân của việc này đôi khi lại do yếu tố khách quan. Những lúc khi ấy, tâm lý của đa số người bình thường sẽ là chuyện "trút giận" vào... không khí thông qua những lời rủa xả. 

Loạt lý do khiến Streamer dẫu toxic tới mấy nhưng người xem lại hiếm khi quay lưng - Ảnh 2.

Tyler1 – Streamer Toxic hàng đầu thế giới từng phá vỡ kỷ lục của Faker khi đạt 360.000 lượt người xem trong một buổi Stream.

Với các streamer, khi họ lâm vào cảnh tương tự để rồi bộc phát những lời khó nghe thì người xem tự giác có tâm lý "mặc kệ", "ai chả như vậy", "mình lúc thua cũng thế mà". Một streamer dẫu nổi tiếng thì họ vẫn là con người với tâm trạng buồn, vui đan xen lẫn lộn tùy lúc. Do đó, khi KOL có buông lời thô tục thì đó đôi khi không phải là lý do khiến người xem quay lưng hay chỉ trích. Nhất là khi nếu yếu tố chuyên môn, tính thư giãn được chính streamer đó thể hiện tốt mỗi khi lên sóng. 

Nhu cầu thích xem những chia sẻ thẳng thắn

Tất cả các Streamer nổi tiếng nhất đều thường xuyên có những buổi giao lưu, chia sẻ trực tiếp với fan. Họ đôi khi không phải là người có kỹ năng quá thượng thừa, danh hiệu cá nhân không phải quá đồ sộ nhưng vẫn chinh phục người xem vì cái duyên, sự chân thành của họ. 

Loạt lý do khiến Streamer dẫu toxic tới mấy nhưng người xem lại hiếm khi quay lưng - Ảnh 3.

Thánh đập bàn phím - Zico (streamer FIFA Online 3, LMHT) với những tình huống chửi bới, đập bàn phím có một không hai.

Các fan được thần tượng tư vấn nhiều chuyện trong cuộc sống và đó là cái cách để một streamer lan tỏa ảnh hưởng tới cộng đồng. Sự bộc trực, thẳng thắn của streamer chính là thứ xóa nhòa đi những mặt hạn chế mà họ tạo ra. 

Nhưng dù ở hoàn cảnh nào thì việc streamer không kiểm soát ngôn từ có thể tác động tiêu cực tới người xem còn chưa trưởng thành. Mạng xã hội là một môi trường mở và tồn tại vô số những lỗ hổng. Các streamer cần có những bước lùi để có thể tiến xa hơn, thoát khỏi một số định kiến khắc nghiệt về công việc này.