Sau hơn một thập kỷ phát triển, làng game Việt từ một đứa trẻ non dại nay cũng trở thành thị trường tiềm năng và lớn nhất Đông Nam Á. Cho đến nay, đã có không ít những tựa game bom tấn thuộc mọi thể loại, mọi nền tảng đã được mua về nước, tuy nhiên có vẻ như bản danh sách dài dằng dặc đó vẫn chưa chiều lòng được tất cả cộng đồng.
Nói đến cộng đồng khó tính nhất thế giới phải kể đến Hàn Quốc khi đây là cái nôi đầu ngành, luôn đi đầu trong công nghệ làm game. Game thủ nước này luôn trong tâm thế sẵn sàng tẩy chay các sản phẩm kém chất lượng, họ có những phân tích và đánh giá khắt khe về tựa game mà họ được mời chơi, cả về đồ họa lẫn gameplay với một nấc tiêu chuẩn nhất định. Thế nhưng nói cho cùng, chỉ cần một sản phẩm đáp ứng được những tiêu chuẩn đó là chắc chắn sẽ có đất sống, thậm chí là sống lâu sống khỏe. Tuy nhiên game thủ Việt thì lại khác, “khó chiều” và “đỏng đảnh” vô cùng.
Cả thèm chóng chán
Game thủ Việt rất dễ bị thu hút bởi những đồ họa game hoặc các tên tuổi lớn. Ban đầu cũng hào hứng lắm, máu lửa lắm tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn là bắt đầu có dấu hiệu chán, nhanh thì vài ngày lâu thì đôi ba tháng là đã muốn nhảy sang game khác. Cứ luẩn quẩn như vậy để rồi hình thành một vòng lặp không hồi kết.
Thuộc hàng bom tấn trên thế giới nhưng “chết yểu” tại vì thói lười của game thủ Việt
Game thủ Việt luôn muốn được chơi những tựa game tầm cỡ. Tuy nhiên thực tế cho thấy điều ngược lại. Rất nhiều lần các NPH chiều lòng game thủ, nhập những tựa game bom tấn, đỉnh cao về nước, cứ ngỡ rằng đáp ứng điều cộng đồng muốn là ắt hẳn thành công. Tuy nhiên hầu hết đều phải nếm cay đắng, như Cabal Online, Atlantica Online, Granado Espada, Rakion hay gần đây nhất là Blade & Soul - những sản phẩm được đánh giá cao trên trường quốc tế song tương lai của chúng đều không mấy xán lạn tại thị trường Việt. Game thì chết yểu, số ít may mắn trụ lại thì sống “thoi thóp”, doanh thu chỉ đủ hòa vốn hoạt động mà thôi.
Đó là do thói lười đã hình thành từ lâu của game thủ Việt. Game thủ nước nhà đã quá quen với những tựa game dễ làm quen, dễ nắm bắt, hệ thống auto tận răng và gameplay không quá đánh đố. Trong khi hầu hết các bom tấn trên thế giới đều có một gameplay nặng, yêu cầu rất nhiều thời gian để nắm bắt và hầu như đều bắt game thủ phải suy nghĩ, tính toán, thao tác bằng tay hết. Việc bỗng nhiên phải tốn hàng tiếng đồng hồ để làm nhiệm vụ tân thủ, tự phát triển nhân vật cùng thao tác hoàn toàn tự làm thì lại khiến game thủ “bật ngửa” ngay lập tức. Nói cho dễ hiểu, game thủ Việt đòi chơi game bom tấn cho bằng được, nhưng đến lúc nhập về thì thường chỉ đỏng đảnh “chơi cho biết” rồi phũ phàng bỏ đi.
Game ngoại bị chê, game Việt cũng không ngoại lệ
Sau một vài scandal đóng cửa sớm trên thị trường, game thủ Việt từng có thời gian đòi tẩy chay các sản phẩm game đến từ Trung Quốc. Họ trăn trở về chuyện tại sao cứ phải nhập những tựa game có xuất sứ từ đất nước tỉ dân mà tạm quên đi rằng, chúng ta có được sự thành công nở rộ như ngày hôm nay chính là nhờ một phần rất lớn từ cơn bão game Trung, từ những tựa game huyền thoại 10 năm về trước cho đến những siêu phẩm 3D nhập vai đẹp siêu thực hiện nay.
Game ngoại bị tẩy chay, game thủ Việt sợ “làm giàu cho nước khác”, thế nhưng đến khi những sản phẩm do chính tay người Việt dày công ấp ủ, thai nghén và phát triển được giới thiệu thì lại có không ít những cái ngoảnh mặt làm ngơ. Kim Dung Quần Hiệp Truyện với hành trình giành lấy sự ủng hộ “khó như lên trời” từ cộng đồng vào hồi tháng 04 năm ngoái là một ví dụ điển hình. Ở thời điểm đầu, khi những video đầu tiên, những hình ảnh full xoay 360 độ đầu tiên về tựa game chiến thuật do chính tay người Việt sản xuất được đăng tải, rất nhiều game thủ đã bày tỏ một thái độ thờ ơ đáng sợ với những lời bình luận đầy ác ý.
Kim Dung Quần Hiệp Truyện từng hứng chịu sự thờ ơ của game thủ Việt trước khi thành công như hiện nay
Thế nhưng thời điểm đó, trong khi rất nhiều game thủ Việt tỏ ra coi thường Kim Dung Quần Hiệp Truyện, thì ngay tại Trung Quốc, trò chơi này lại được những game thủ ở đất nước tỷ dân khen ngợi, khích lệ sau khi clip gameplay xuất hiện trên mạng xã hội Weibo. Hầu hết đều tỏ ra bất ngờ vì đồ họa của game đẹp hơn rất nhiều những gì họ từng biết về game Việt, đồng thời họ cũng đánh giá cao tính chiến thuật turn based của game. Có nghĩa là, có phải game thủ Việt đang quá khó khăn trong việc mở lòng mình một cách thoải mái và bình đẳng hay không?
Vậy NPH phải làm gì?
Tâm lý gamer Việt đều muốn thưởng thức một sản phẩm “ngon, bổ, rẻ”, một thứ trung hòa giữa các yếu tố, một tựa game đẹp nhưng nhẹ, gameplay mới lạ nhưng dễ, không quá đòi hỏi kỹ thuật, hỗ trợ đầy đủ tân thủ, không có ranh giới giữa giàu và nghèo… Và trên thị trường không nhiều tựa game đáp ứng được các yêu cầu này. Nhưng bài toán này, buộc phải các NPH phải tìm ra cách giải và xác định cho mình một hướng đi bền vững.
Game thủ Việt khó chiều thật, tuy nhiên chính điều đó cũng sẽ thúc đẩy các NPH phải không ngừng đổi mới theo hướng tính cực. Dù có thể không bao giờ làm vừa lòng tuyệt đối tất cả nhưng bằng cách đó, chất lượng game cũng như sự phát triển của chúng ta cũng sẽ có những bước tiến nhanh hơn. Nhiều ý kiến đánh giá cho rằng dưới sức ép của game thủ, 2018 chắc chắn sẽ là một năm mà cuộc chiến nâng cao chất lượng game của các NPH trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết.