1, Mighty Morphin Power Rangers: The Fighting Edition
Một tựa game khá quen thuộc với những phòng tin học tại các trường cấp hai, cấp ba. Với ưu điểm có dung lượng thấp, các combo khá đơn giản, các nhân vật quen thuộc với mọi người, đây sẽ là một lựa chọn không tồi nếu bạn muốn có một tiết Tin Học thực hành tràn đầy năng lượng với các “anh tài” trong lớp.
Lấy mốc thời gian thuộc session 2 của loạt phim Mighty Morphin Power Rangers (MMPR) đình đám cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Người chơi sẽ có cơ hội điều khiển bốn robo thuộc phe MMPR và bốn ác nhân với các chiêu thức và khả năng riêng biệt. Phần chơi cốt truyện chỉ cho phép người chơi chọn giữa Thunder Megazord và Mega Tigerzord để đi đến hết cuộc hành trình, nơi có một con boss ẩn chờ người chơi khám phá.
Mặc dù đã có tuổi đời gần 30 năm, nhưng đây vẫn là một lựa chọn tốt để chơi cùng bạn bè mỗi khi rảnh rỗi.
2, Ninpu Sentai Hurricaneger (video game)
Sẽ rất khó để tìm thấy một bạn cuối 8x, đầu 9x nào không biết đến Siêu nhân Gao và Siêu nhân Cuồng Phong. Thế nhưng tựa game ăn theo phim Siêu nhân Cuồng Phong có lẽ không có nhiều người biết. Lý do khá đơn giản, đây là một tựa game được phát hành độc quyền cho thị trường Nhật Bản trên hệ máy PS1.
Tuy là một game đối kháng, nhưng phần chơi cốt truyện của game thì không “đối kháng” cho lắm, nó giống như một game đi cảnh bình thường hơn. Bạn cần phải hoàn thành hết phần chơi cốt truyện mới có thể mở khoá hết nhân vật cho phần chơi đối kháng. Quá trình này sẽ tiêu tốn của bạn tầm 60-80 phút, nhưng nó cũng khá thú vị. Đồng thời, sẽ có một phần chơi đặc biệt sẽ khiến các bạn cực kỳ phấn khích sau khi hoàn thành phần chơi chính: phiên bản game của phần phim kết hợp Siêu nhân Gao và Siêu nhân Cuồng Phong!
Vì vẫn hướng tới đối tượng là trẻ em, nên các cơ chế trong game sẽ dễ làm quen hơn những game cùng thể loại rất nhiều. Tuy nhiên, vì game chỉ có ngôn ngữ tiếng Nhật nên nếu bạn muốn cho các bạn nhỏ ở nhà chơi thì sẽ cần trợ giúp môt chút.
3, Kamen Rider: Climax Heroes
Các game ăn theo Kamen Rider thường gặp phải một vấn đề rất nghiêm trọng: vì là làm theo phim, nên khi game ra mắt thường sẽ chỉ làm theo được vài tập đầu của phim (tối đa chỉ đến tập15). Dẫn đến phần chơi cốt truyện của game thường cụt lủn, không đầu không đuôi còn dàn nhân vật trong game sẽ bị cắt giảm nghiêm trọng và gần như chắc chắn sẽ không có các nhân vật xuất hiện trong giai đoạn sau của phim.
Mọi chuyện đã thay đổi vào năm 2009, khi Kamen Rider Decade ra mắt. Đây vốn chỉ là một phần phim trám vào khoảng thời gian khuyết khi công ty chủ quản – Toei muốn thay đổi lịch ra mắt để tránh trùng với dòng phim Super Sentai hiện đang phát sóng song song với khung giờ của Kamen Rider. Vì thế nội dung của Decade khá là lộn xộn, gần như mỗi tập lại làm theo một chủ đề riêng với tôn chỉ để Decade phiêu lưu qua các thế giới song song và gặp gỡ các Rider tiền bối.
Chính nhờ lý do này mà phần game Kamen Rider: Climax Heroes lại có thể tự do sáng tạo, kiểu “các Rider đánh nhau chí choé chứ gì, đơn giản!”. Phần chơi cốt truyện của Kamen Rider: Climax Heroes giờ đây có thể làm theo một mạch truyện khác, gặp người này người kia thoải mái hơn rất nhiều. Nhờ thế, dù vẫn phải hoàn thành phần cốt truyện để mở khoá nhân vật, nhưng giờ đây game thủ đã có động lực hơn rất nhiều.
Thành công của Kamen Rider: Climax Heroes không chỉ giúp các game Kamen Rider thoát mác game ăn theo tệ hại, mà còn giúp cho hãng game định hình được công thức làm game để cho ra 4 phần Climax Heroes nữa trong các năm tiếp theo.
4, Kamen Rider Climax Fighter/ Climax Scramble
Tuy rằng có tên khác nhau, nhưng thật ra đây là hai phiên bản trên hai hệ máy khác nhau, với Climax Fighter trên PS4 và Climax Scramble trên Nintendo Switch.
Đây là lần đầu tiên game được làm theo hướng đối kháng trên môi trường 3D. Giờ đây người chơi không chỉ phải chú ý phải/trái mà còn là trước/sau cũng như những yếu tố của mặt sân như cây cối, đài phun nước, bàn ghế, . . . Giúp tăng trải nghiệm của game lên rất nhiều. Đồng thời, đây cũng là những phiên bản đầu tiên hỗ trợ chơi trên nền tảng online chứ không còn thuần offline như trước.
Ngoài chế độ chơi cơ bản, game còn hỗ trợ thêm một số chế độ mới như: 2vs2, 1vs3 và Battle Royal – chế độ chơi 4 người với điều kiện thắng là khiến cho 3 đối thủ của mình giảm HP về 0.
Chỉ có một điểm đáng tiếc là game vẫn chưa có tiếng Anh, mặc dù được phát hành vào năm 2018-2019. Đây là một điều đáng tiếc khi game đã để lỡ mất cơ hội tiến ra quốc tế với một thương hiệu lớn như Kamen Rider.
Tổng kết
Các game trên đều có điểm chung là hướng tới đa đạng độ tuổi, giúp cho việc làm quen với cơ chế trong game khá dễ dàng. Tuy nhiên, điểm yếu là phần lớn game chỉ phát hành nội địa Nhật Bản, sẽ khiến cho người chơi mới khó nắm bắt cốt truyện cũng như mất nhiều thời gian để tìm hiểu game hơn bình thường.
Dù vậy, đây cũng là một phương án không tồi nếu bạn muốn bắt đầu với game đối kháng, hoặc chỉ đơn giản là có một buổi tối vui vẻ cùng bạn bè khi đã quá chán những tựa game phổ biến hiện nay.
Cảm nghĩ của các bạn về những tựa game này như thế nào? Hãy cho Kênh Tin Game biết nhé!
Fanpage Kênh Tin Game: https://www.facebook.com/kenhtingame