QUỐC TẾ_ Tencent mới đây bị một tổ chức cộng đồng Trung Quốc kiện sau những cáo buộc tạo ra “nội dung không phù hợp cho trẻ vị thành niên” trong game mobile Honor of Kings.
Điều này cũng làm dấy lên lo ngại từ nhũng bậc phụ huynh có con chơi game của hãng này. Cụ thể, một trung tâm hỗ trợ thanh thiếu niên Bắc Kinh đã đệ đơn kiện lên tòa án nhân dân ở thủ đô nước này tuyên bố rằng trò chơi di động Vương Giả Vinh Diệu do Tencent sản xuất có nhiều vi phạm về quyền của trẻ vị thành niên.
Các cáo buộc cho rằng trò chơi ảnh hưởng đến trẻ em liên quan đến sức khỏe tâm thần và thể chất, cũng như nội dung và đồ họa không phù hợp.
Honor of Kings đã đạt hơn 100 triệu người dùng hoạt động hàng ngày vào cuối năm 2020 và là trò chơi di động phổ biến nhất. Đây cũng là trò chơi có doanh thu cao nhất mọi thời đại, bỏ túi 257,5 triệu đô la, theo báo cáo của SensorTower vào tháng 03.
Năm 2016, game đánh dấu là chỉ phù hợp với những người trên 18 tuổi. Năm 2017, xếp hạng 18+ đã được điều chỉnh thành 16+. Đầu năm nay, game hạ xuống 12+.
Mặc dù giảm giới hạn độ tuổi người dùng, nhóm cáo buộc chỉ ra rằng trò chơi chứa các yếu tố không phù hợp với người dùng trẻ tuổi, bao gồm thiết kế nhân vật và chức năng trò chuyện. Chính những bậc phụ huynh cũng than phiền nhiều về vấn đề này và yêu cầu nhà làm game cần điều chỉnh.
Đặc biệt, các nhân vật nữ thường được thể hiện “thừa da thiếu vải”, quá lộ liễu. Người ta cũng khẳng định rằng việc sử dụng tên nhân vật lịch sử và các mối quan hệ nhân vật không chính xác cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với văn hóa truyền thống có thể cung cấp sai kiến thức cho trẻ vị thành niên.
Đây là lần đầu tiên một nhóm tổ chức phi chính phủ, hoạt động mang tính cộng đồng đệ đơn kiện công khai dân sự liên quan đến việc bảo vệ trẻ vị thành niên ở Trung Quốc.
Vụ kiện đóng vai trò như một tuyên bố ủng hộ Luật Bảo vệ trẻ vị thành niên mới được sửa đổi của Trung Quốc, có hiệu lực cùng ngày. Các sửa đổi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo vệ trẻ em trong môi trường internet, với các điều khoản cấm những người dưới 16 tuổi và đề nghị các nền tảng thực hiện các cơ chế để điều chỉnh chi tiêu trực tuyến của trẻ vị thành niên.
Các nền tảng bao gồm WeChat, Tmall và TikTok đã có điều chỉnh tích cực với việc ban hành luật cho phép lọc nội dung khắt khe hơn nữa đối với người dùng trẻ tuổi.