Đang là một chàng sinh viên cường tráng, hoạt bát của Đại học Brigham Young (Mỹ), lại nổi bật trong trường với vai trò một đô vật, năm 2012, Logan Visser rơi vào vòng xoáy của chứng nghiện game và cuộc đời anh lao dốc từ đó.
Cơn nghiện đã đẩy cuộc sống của Logan lệch khỏi quỹ đạo, làm hỏng những kế hoạch tương lai được vạch ra trước đó. Chỉ trong thời gian ngắn, trò chơi điện tử đã biến cuộc sống của chàng trai 18 tuổi trở thành cơn ác mộng cực kỳ tồi tệ.
Logan thường dành tới 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày để chơi trò Liên minh huyền thoại, bỏ qua việc học và làm thêm. Anh "cày" game trắng đêm, dán mắt vào màn hình từ tối cho đến khi trời sáng, sau đó ngủ đến tận chiều muộn. Logan phải đi bán máu để lấy tiền chơi game và mua pizza, nước tăng lực duy trì sự sống. Quá trình đó lặp đi lặp lại từ ngày này qua ngày khác.
Chỉ trong vòng sáu tháng, Logan tăng cân vùn vụt, mất hết bạn bè, trượt nhiều môn và không thể hoàn thành nhiều khóa học. Anh kể lại thời điểm ác mộng của 11 năm trước: "Tôi như mắc kẹt trong vũng bùn của trò chơi đó và không có con đường trở lại ngoài việc tiếp tục đắm chìm trong thế giới ảo. Trò chơi đã thực sự chiếm đoạt cuộc đời tôi".
Logan chỉ là một trong vô số trường hợp nghiện game điển hình. Tổ chức Y tế Thế giới đã xác định, các rối loạn do chơi game chính là hiện tượng nghiện, với các biểu hiện là không kiểm soát được thời gian chơi, bỏ lỡ các hoạt động thường ngày và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cá nhân.
Tiến sỹ Amanda Giordano, chuyên gia về chứng nghiện game, giảng viên Đại học Georgia, cho biết: "Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy đối với một số người, việc chơi game trở thành một thú vui bắt buộc. Họ sử dụng trò chơi để kiểm soát cảm xúc và thậm chí biến trò chơi thành công cụ điều chỉnh tâm trạng".
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, khoảng 3% - 4% số người chơi game mắc chứng rối loạn kể trên; con số tăng lên 8,5% đối với những người chơi dưới 18 tuổi. Cơn nghiện game cũng tương tự các loại nghiện khác, tạo ra trạng thái khoái cảm trong não bộ thông qua việc làm tăng vọt nồng độ dopamine. Các game nhập vai có nhiều người chơi, đặc biệt là những game mang tính xã hội cao, có thể thay đổi cấu trúc não và quá trình trao đổi chất. Chứng nghiện game không chỉ tạo ra nguy cơ về sức khỏe tâm lý mà còn ảnh hưởng đến mặt xã hội và hiệu suất học tập, công việc của người chơi.
Sau khi bị trò chơi điện tử đẩy vào hố sâu đen tối nhất trong cuộc đời, Logan đã vượt qua được và cuộc sống hiện tại của anh đã trở lại tươi sáng. Động lực lớn nhất để Logan thay đổi chính là sự kiện vợ anh, Sierra, sinh con trai đầu lòng vào 8 tháng trước. Khao khát trở thành tấm gương tốt cho con trai, anh quyết tâm cai nghiện game. "Tôi nhận ra rằng tôi cần thay đổi để bước vào khởi đầu mới, dù cho điều đó có nghĩa là phải từ bỏ sở thích này", Logan tâm sự.
Dù từng là con nghiện game, ông bố 29 tuổi cho biết sẽ không cấm con chơi game hoàn toàn mà sẽ định hướng để con không theo vết xe đổ của anh. “Tôi không muốn sau này sẽ cấm đoán con chơi game vì sợ càng cấm sẽ càng ham. Tôi sẽ để con lớn lên cùng với những chuyến đi bộ đường dài, ra sông, đạp xe cùng nhau. Vợ chồng tôi đảm bảo rằng chúng tôi sẽ lấp đầy cuộc sống của con bằng những hoạt động vui vẻ", ông bố trẻ thổ lộ.