Mới đây cộng đồng game thủ Việt có truyền tay nhau lời tâm sự khá dài của một game thủ kì cựu, nói rằng anh đã chán ngấy với việc chơi game online ở Việt Nam. "Vẫn những tựa game na ná nhau ra đời thì làm sao giữ chân được người chơi? Dần dà tôi không còn cảm nhận được sự gắn kết cộng đồng trong game online Việt nữa". Chỉ sau một ngày, bài viết chia sẻ ấy đã thu hút hàng ngàn lượt thích và rất nhiều bình luận đồng tình. Điều lạ là hầu hết trong số những cái thích ấy đều là những game thủ 8x, 9x đời đầu, với những cái lắc đầu ngán ngẩm khi nhìn vào làng game Việt.
Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại. Đồng ý rằng thị trường game online Việt đang phát triển một cách nở rộ khiến cho đôi khi người chơi cảm thấy choáng ngợp. Tuy nhiên càng như vậy, các sản phẩm sau càng phải "vắt óc" nhiều hơn để có thể tồn tại giữa quá nhiều cạnh tranh. Sự kết thúc của một tựa game không phải là dấu hiệu chấm hết mà nó chỉ là bắt đầu cho tương lai của những sản phẩm "đàn em" tiếp theo mà thôi. Hơn thế nữa, vẫn luôn có rất nhiều những tựa game được lòng game thủ Việt, sống khỏe, sống lâu và cộng đồng bền vững. Vậy thì game online chán, hay thực sự, chỉ vì chúng ta – những thế hệ game thủ 8x, 9x đời đầu đã già đi mà thôi?
Chúng ta già đi - mà người già thì hoài cổ
Chắc chắn mỗi game thủ 8x 9x đời đầu đã từng một thời chinh chiến qua các tựa game huyền như M.U, Kiếm Thế, Chinh Đồ, Võ Lâm, Audition,… và coi đó như là "mối tình đầu" của mình. Đã là mối tình đầu, thì thường người ta sẽ ghi nhớ suốt cả một đời người. Người đến sau có tốt, có đáng để yêu đến thế nào thì ta đôi khi vẫn không thể tránh khỏi nỗi tiếc nuối khi nhớ về cảm xúc cũ.
Phải chăng chính vì lẽ ấy mà khá nhiều game thủ gạo cội hiện nay hay nuối tiếc quá khứ vàng son của làng game Việt và quá vội vàng từ chối những sản phẩm kế thừa? Tôi có nhiều người bạn, khi được mời chơi thử một tựa game Võ Lâm lại luôn đau đáu những câu hỏi như: "Nó có giống Võ Lâm 1 không? Có Công thành chiến không? Boss Hoàng Kim thì thế nào? Dã Tẩu có không?". Để rồi khi game không đáp ứng được dù chỉ một trong số những điều trên, họ sẵn sàng quăng lại một câu đánh giá "game chán".
Những kỉ niệm không thể nào quên của những game thủ đời đầu
Tôi nghĩ rằng đây cũng là cảm xúc chung của rất nhiều game thủ, và nó xuất phát từ mong muốn chính đáng về một tựa game có thể tái hiện được tất cả những cảm xúc của "game cổ". Tuy nhiên điều này vô hình chung cũng khiến cho các game thủ gạo cội dễ có cái nhìn phiến diện, tiêu cực, từ chối khám phá game mới. Nên nhớ dẫu là những game "lão làng" kể trên đến thời điểm hiện tại, game thì chết, game thì đang cầm chừng hấp hối, hay nói cách khác game "cổ" đa số không còn đáp ứng được nhu cầu của thị trường, yếu thế cả về độ đồ họa và tính năng. Vậy cứ gì ta lại từ chối những sản phẩm kế thừa, đẹp hơn về đồ họa, cải tiến về tính năng cũng như gameplay?
Chúng ta già đi – cách chúng ta chơi game cũng khác
Nói đúng ra, thế hệ chúng ta bây giờ tuổi trung bình cũng đã 30, đã tốt nghiệp đại học, có việc làm thậm chí đã có gia đình. Chúng ta chơi game bây giờ đâu còn là trong quán nét, hô hào anh em bạn hội cả lớp ngày nghỉ đi cày game nữa? Chúng ta chơi game ở nhà, chơi game khi đang ở công ty hay tranh thủ chút thời gian rảnh rỗi ở quán café để làm vài ba cái nhiệm vụ. Mà như thế đâu còn là cái chất máu lửa ngày xưa. Ngày xưa anh em gọi là phải có, bang chiến phải ngồi cạnh nhau chứ đâu phải một mình một máy nói chuyện với nhau qua cái màn hình bé tí như bây giờ. Thế rồi, nhiều game thủ vì thế mà cũng đành ngậm ngùi rời đi và nhận xét rằng game không đủ gắn kết. Nhưng họ quên đi rằng game online ngày nay vẫn có thể có anh có em, vẫn có thể cùng nhau giương cao lá cờ tinh thần hiệp nghĩa, chí khí quật cường và tình bằng hữu son sắt.
Game thời nào cũng vậy, cộng đồng, tình anh em chính là trái tim
Trước đây chúng ta chơi game không phải lo cơm áo gạo tiền. Chúng ta chơi bằng tất cả những gì máu lửa nhất, nhiệt huyết nhất, cống hiến nhất. Mỗi lần công thành chiến mà bận học không tham gia được là cảm thấy có lỗi với anh em lắm, bứt rứt vô cùng. Rồi lực chiến thì cùi mà cố chen vào chiến trường Tống Kim cho bằng được, chết lên chết xuống nhưng vẫn ham, chết lại về, về lại lên. Chứ đâu như bây giờ, chơi game cũng thường chỉ là tranh thủ, nhiều khi muốn rủ thằng bạn cũ chơi cùng lại vướng vợ, vướng con, vướng công vướng việc. Game không chán, chỉ là game quá nhiều và chúng ta đã không còn đủ thời gian để tìm hiểu xem tựa game nào hợp với chúng ta mà thôi.
Chúng ta đã già, còn game bây giờ là của giới trẻ
Vẫn có những tựa game core về tập khách hàng lớn tuổi, "đầu có sạn" như các game chiến thuật Tam Quốc, tuy nhiên phần lớn thị trường game hiện nay vẫn là hướng đến đối tượng giới trẻ, mà chúng ta – những 8x, 9x đời đầu đã nằm ở giới hạn trên của phân vùng đối tượng này rồi. Điều này dẫn đến hai trường hợp. Một là game quá lòe loẹt, quá nhiều tính năng, phức tạp so với chúng ta; hai là chúng ta bắt buộc phải chơi game cùng "thế hệ khác".
"Trẻ trâu" thời nào cũng có, nhưng từ lâu rồi các game thủ lớn tuổi vẫn "quy chụp" giới trẻ ngày nay chơi game là "đú đởn", là "phong trào".
Tôi cũng đã từng là một game thủ "cổ", cũng đã từng một thời ăn ngủ với Kiếm Thế, Võ Lâm. Tôi cũng đã từng nghĩ game online bây giờ quá nông cạn và giới trẻ chơi game chỉ để vung tiền, để thể hiện vớ vẩn. Thế nhưng mới đây, vì yêu cầu công việc, tôi đã (bắt buộc) chơi rất nhiều những tựa game online khác, trong đó, Long Chiến Thương Khung là tựa game khiến tôi cảm thấy khá ấn tượng. Và tôi nhận ra rằng, game thủ game online bây giờ chơi game cũng máu lửa, nhiệt huyết và YOLO chẳng khác gì chúng ta ngày xưa. Cũng sẵn sàng tham chiến bất cứ khi nào anh em gọi, cũng căng thẳng đến đỏ mặt tía tai để tính chiến thuật công thành, cũng sẵn sàng "sửng cồ" PK đập tan nát Bang địch nếu xảy ra xích mích. Game có thể ảo, nhưng tình cảm luôn luôn là thật.
Chúng ta đến với nhau nhờ game, nhưng sống với nhau bằng tình cảm và tinh thần đoàn kết
Tuổi đời của game online Việt không phải là dài, tuy nhiên vẫn có rất nhiều những tựa game sống lâu, sống khỏe và có một cộng đồng vô cùng vững chắc. Ai nói rằng Chiến trường Tống Kim, Công thành chiến trong game online ngày nay không thể máu lửa? Ai nói rằng tình anh em huynh đệ trong game online ngày nay không thể son sắt, thủy chung? Vậy những buổi hò hét nhau tụ tập quán nét, quán nước để cùng công thành này gọi là gì, những buổi offline hàng trăm người này gọi là gì, chẳng phải chính là sức trẻ, sức khỏe, sự đam mê gắn kết hay sao?
Game online ngày nay vẫn có thể có anh có em, vẫn có thể cùng nhau giương cao lá cờ tinh thần hiệp nghĩa, chí khí quật cường và tình bằng hữu son sắt
Tạm Kết
Game online Việt còn rất nhiều điều bất cập, thế nhưng chúng ta không phải chỉ vì chơi phải đôi ba tựa game dở mà cho rằng cả nền game online chán ngấy được. Quy luật đào thải không bỏ qua một điều gì, game dở tự khắc sẽ chết, còn lại nếu bạn cảm thấy chán ngây một tựa game ngàn người chơi, thì đó là do "chúng ta không thuộc về nhau" mà thôi. Thiết nghĩ, những game thủ đời đầu nên mở lòng hơn với làng game Việt, game có thể thay đổi, nhưng chắc chắn tình người bao năm vẫn thế, chỉ là chúng ta có còn đủ nhiệt để cống hiến như chúng ta đã từng hay không mà thôi.