Hầu hết những chiếc điện thoại đều được thiết kế để hoạt động ở điều kiện lý tưởng. Lấy ví dụ iPhone được Apple thiết kế để hoạt động trong điều kiện từ 0 đến 35 độ C. Tuy nhiên nếu trong những ngày thời tiết có thể lên hơn 40 độ như ở nước ta những ngày gần đây, hoặc ra nước ngoài những ngày mùa đông xuống dưới 0 độ, thời lượng pin cũng như khả năng hoạt động của pin cũng bị ảnh hưởng.
Bản thân những chiếc điện thoại đều có những linh kiện phát sinh nhiệt, từ chip xử lý, màn hình và ngay cả pin cũng tỏa nhiệt trong quá trình sử dụng nữa. Chính vì thế nếu nhiệt độ bên ngoài tăng cao, khiến việc tản nhiệt không diễn ra như ý muốn. Bản thân smartphone không có quạt tản nhiệt như máy tính, mà chỉ có những đường heat sink tản nhiệt bị động để làm mát cho cả hệ thống, và với một thiết bị có linh kiện được nhồi nhét vào bên trong một bộ vỏ thể tích rất thấp, và trong trường hợp đó, thời tiết nóng trên 40 độ cũng sẽ khiến pin gặp ảnh hưởng, cùng những tác động tiêu cực về phần cứng của thiết bị.
Apple cũng khuyến cáo rằng “dùng thiết bị iOS trong điều kiện thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh sẽ làm giảm vĩnh viễn vòng đời của pin”. Quả đúng là nhiệt độ có thể khiến các linh kiện bên trong cục pin smartphone trở nên xuống cấp, vì công nghệ pin Lithium Ion đang được dùng cho những chiếc smartphone rất nhạy cảm với nhiệt độ cao. Cùng với đó, bản thân tiếp xúc bằng đồng hay các chất liệu bán dẫn bên trong smartphone cũng không phải chất liệu lý tưởng. Dòng điện đi qua khiến chúng nóng lên và bớt khả năng dẫn điện, khiến thiết bị tốn nhiều năng lượng hơn để hoạt động, tiêu tốn nhiều điện năng lãng phí.
Vì thế, Apple có một tính năng để chống những tác động của thời tiết nóng bức gây ra với thiết bị của họ. Nếu nhận ra điều kiện thời tiết quá nóng, máy sẽ tự động hạ thấp năng lượng cấp cho modem cellular, hạ thấp độ sáng màn hình và trong nhiều trường hợp thậm chí còn ngừng không cho sạc thiết bị nữa. Tương tự như vậy trên các thiết bị Android, có những ứng dụng cho phép làm điều tương tự ví dụ như CPU Cooler.
Có vài cách để anh em giảm thiểu được những hậu quả đối với smartphone trong điều kiện thời tiết quá nóng. Đầu tiên anh em hãy tránh dùng smarpthone trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời, tháo case ra để điện thoại tản nhiệt hiệu quả hơn. Hãy giảm thời gian sử dụng thiết bị, tắt các ứng dụng chạy ngầm để pin của chiếc máy không phải cố gắng gánh những process chạy ngầm. Nếu cảm thấy máy hơi nóng quá, hãy bật chế độ máy bay trong một khoảng thời gian ngắn để hạ nhiệt cho chiếc máy khi modem WiFi và cellular không phải hoạt động.
Đó là thời tiết nóng, vậy còn trong lúc nhiệt độ bên ngoài giảm xuống dưới 0 độ C thì sao? Anh em đi Sa Pa hoặc Hàn Quốc hẳn cũng đã có lần điện thoại tự tắt ngóm dù vẫn còn cỡ 15% pin. Đó là hậu quả của việc thời tiết tác động lên pin, khiến cho quá trình sạc năng lượng cho pin trở nên kém hiệu quả hơn, từ đó dung lượng pin sau mỗi lần sạc cũng không được như trong điều kiện lý tưởng.
Trong trường hợp này, cách xử trí dễ hơn nhiều. Dễ nhất là dùng ốp, khi đó việc tản nhiệt của chiếc điện thoại sẽ bớt hiệu quả hơn, máy trở nên ấm áp hơn và tránh được tình trạng sụt nguồn không mong muốn. Một cách khác là để thiết bị gần cơ thể để… giữ ấm cho chiếc điện thoại để pin và thiết bị hoạt động ở nhiệt độ hợp lý nhất.
Cả hai hình thái thời tiết cực đoan quá nóng vào mùa hè hoặc quá rét vào mùa đông đều khiến pin của smartphone giảm khả năng hoạt động, hay tệ hơn là giảm tuổi thọ, và công nghệ hiện tại gần như chưa có cách nào để cải thiện tình hình này.
Theo tinhte