Mỹ bác bỏ yêu cầu dừng lệnh cấm của TikTok
Ngày 13/12 vừa qua, tờ Reuters đưa tin rằng một tòa án liên bang của Mỹ đã từ chối yêu cầu của TikTok về việc tạm hoãn quyết định cấm ứng dụng này tại Mỹ. Vụ việc này phản ánh căng thẳng lâu dài giữa TikTok - một trong những MXH phổ biến nhất, có hơn 170 triệu người dùng trong nước hàng tháng.
Trong phán quyết này, tòa án cho rằng TikTok chưa đưa ra đủ lý do thuyết phục để ngăn chặn việc thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình giảm thiểu rủi ro từ mối quan ngại về an ninh quốc gia. Các quan chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng dữ liệu của TikTok có thể bị chuyển giao cho chính quyền Trung Quốc, dẫn đến khả năng giám sát và xâm phạm quyền riêng tư của người dùng.
Được biết, TikTok thuộc quyền sở hữu của công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc. Theo luật, TikTok sẽ bị cấm, trừ khi ByteDance thoái vốn trước ngày 19/1/2025. Luật này cũng trao cho chính phủ Mỹ quyền hạn rộng rãi để cấm các ứng dụng khác do nước ngoài sở hữu có thể gây ra mối lo ngại về việc thu thập dữ liệu của người dùng trong nước. Chính vì vậy, lần bác bỏ này buộc TikTok phải đệ đơn khẩn cấp lên Tòa án Tối cao để cố gắng ngăn chặn lệnh cấm sắp diễn ra.
Tương lai nào cho TikTok ở Mỹ?
Căng thẳng giữa TikTok và chính quyền Mỹ đã diễn ra từ lâu. Hơn nữa, vụ việc này chỉ là một trong nhiều diễn biến phức tạp trong lĩnh vực công nghệ và quyền riêng tư mà các quốc gia đang phải đối mặt.
Theo Guardian, nếu Tòa án Tối cao không can thiệp, số phận của TikTok sẽ rơi vào tay Tổng thống Joe Biden - người sẽ quyết định có gia hạn thêm 90 ngày cho hạn chót thoái vốn của ByteDance hay không. Sau đó, khi Tổng thống Donald Trump, nhậm chức vào ngày 20/1 thì sẽ rất "khó" cho TikTok, bởi Trump đã từng cố gắng cấm TikTok trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình vào năm 2020 nhưng không thành công.
Nguồn: Tổng hợp