Tôi đã học được gì khi chơi PUBG Mobile (Phần 1)

Tôi bắt đầu chơi PUBG Mobile được vài tuần gần đây. Không phải một “con gà”, nhưng cũng không phải tuyển thủ hạng siêu sao giành Top 1 dễ như ăn chuối.

Có vài điều tôi muốn chia sẻ với các bạn về trò chơi này, một cách giản đơn và thuần khiết, như cách bạn nấp trong hốc cửa và chĩa họng súng của mình về hướng kẻ thù.

Nhưng khoan đã, trước hết, tôi muốn nói một chút về lý do tại sao tôi lại chọn PUBG Mobile, giữa một rừng game sinh tồn đang có hiện nay.

Đầu tiên và quan trọng nhất, là việc tôi không thể chơi PlayerUnknown's Battlegrounds trên PC. Một phần vì tôi không có nhiều thời gian ra quán nét cũng như không được ôm máy tính quá nhiều. Vì vậy, khi muốn đú theo bạn bè để được chơi một “game bắn súng sinh tồn trên đảo”, tôi đi tìm một bản game PUBG trên di động.

 PUBG PC vừa đắt vừa nặng, thế là tôi chuyển sang chơi bản mobile.

PUBG PC vừa đắt vừa nặng, thế là tôi chuyển sang chơi bản mobile.

Khá nhanh, tôi nhìn thấy một loạt game có cùng chủ đề này trên chợ ứng dụng và nảy ra ý nghĩ chơi thử tất cả để tìm ra thứ tốt nhất cho mình. Lựa chọn bắt đầu là FreeFire, trò chơi do Garena phát hành, với biểu tượng trông cũng “gì và này nọ”. Nhưng khi vào game, tôi đã phải thất thần trong giây lát bởi tưởng nhầm đã cài phải một game giả mạo như. Kiểu mấy game “đầu voi đuôi chuột” trên App Store, Google Play lâu nay. Bởi đồ họa giản lược có phần dưới mức trung bình, nhất là với những người từng chơi hoặc thậm chỉ chỉ cần xem người khác bắn PUBG ngoài quán nét. Thô sợ, giản dị tôi không hiểu tại sao một game sinh tồn lại bỏ đi tất cả các chướng ngại vật, bụi cỏ, đá tảng, các nơi ẩn nấp để người chơi có thể nhìn thấy nhau từ xa rõ hơn?

 Sự giản đơn đến “tằn tiện” của FreeFire khiến tôi thất vọng.

Sự giản đơn đến “tằn tiện” của FreeFire khiến tôi thất vọng.

Game cũng auto hết mức như mấy cái webgame Trung Quốc tôi thấy trước kia, khi tự động ngắm bắn hộ, khiến người chơi chỉ việc giữ nút cho tới khi hết băng. Và thật kỳ lạ, lần đầu tiên tôi có thể thấy một người vẫn sống sau khi nhận cả băng đạn vào người. Dường như hệ thống cho rằng đạn quá yếu, máu kẻ địch quá nhiều và bạn cần một khẩu súng mạnh hơn, hay đơn giản cần thêm một băng đạn nữa để có thể hạ gục hắn. Tôi không biết mình sẽ sống sao giữa một hòn đảo không nơi ẩn nấp và việc quan trọng nhất để sinh tồn là bạn phải nhặt được thật nhiều giáp hoặc sở hữu một khẩu súng có lực đạn mạnh hơn đối phương. Game đầu tiên kết thúc với vị trí Top 20, khá bất ngờ, bởi tôi không gặp nhiều người và chỉ hạ gục 3 đối thủ trước khi gục xuống. Nhưng đó cũng là game đấu cuối cùng của tôi trong FreeFire.

Ra ngoài tìm hiểu, hóa ra đây là sản phẩm do chính một đội phát triển của Garena tự sản xuất. Garena có thể là một nhà phát hành lớn, nhưng không có nghĩa họ là một công ty làm game có nhiều kinh nghiệm. Một trò chơi hay sẽ phải là kết quả của sự tích lũy qua nhiều năm, bị chi phối bởi nhiều yếu tố phức tạp, trong đó có cả may mắn và nhiều thất bại đau đớn trước đó. Và rõ ràng, trò chơi này không đạt đủ tiêu chuẩn để tôi lựa chọn cho bản thân mình.

 Những chiếc xe sặc sỡ và bắt mắt phá vỡ hoàn toàn trải nghiệm sinh tồn của game.

Những chiếc xe sặc sỡ và bắt mắt phá vỡ hoàn toàn trải nghiệm sinh tồn của game.

Ngay lập tức tôi có lựa chọn kế tiếp, đó là chuyển sang Rules of Survival (ROS) do VNG phát hành. Ấn tượng ban đầu là game đẹp và chỉn chu hơn FreeFire khá nhiều, hình ảnh đồ họa cũng chi tiết và phong phú hơn. Trải nghiệm khởi đầu ổn, nhiều người chơi. Tôi dừng chân ở đây vài ba ván, ở đủ các thể loại từ Solo tới chơi cùng nhóm. Nhưng (lại nhưng) có một vấn đề phát sinh. Có thể đó là vấn đề của riêng tôi, cũng có thể nhiều người khác cũng gặp phải. Đó là việc trò chơi này quá sặc sỡ, sáng sủa với nhiều màu sắc rực rỡ. Game lung linh là điều tốt, nhưng nó lại không phải chuyện nên có với một trò chơi sinh tồn. Trong game, khi bạn phải căng mắt ra nhìn khắp mọi nơi thì việc tiếp xúc quá nhiều thứ với đủ loại sắc màu khác nhau sẽ khiến bạn nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi và khó chịu. Bản thân game sinh tồn đã rất căng thẳng, càng vào vòng trong càng căng thẳng và bạn phải hoạt động gần như toàn bộ nơ ron thần kinh của mình để tìm kiếm, phán đoán và đưa ra quyết định từng giây từng phút. Việc bị phân tâm bởi những hình ảnh cây cỏ hoa lá lòe loẹt xanh đỏ tím vàng thật sự khiến tôi khó chịu. Một điều may mắn mà phải sau này tôi mới nhận ra là nếu cố gắng trụ vững trong ROS, rồi tôi cũng phải bán xới ra đi bởi nạn hack game đã trở nên rất phổ biến sau đó chỉ vài tuần.

Tôi đã học được gì khi chơi PUBG Mobile (Phần 1)

Sau đó tôi có chuyển qua thử Knives Out, một game cũng do NetEase, công ty Hàn Quốc phát triển trò ROS ở trên sản xuất. Tuy nhiên trò chơi này lại có chất lượng đồ họa cùng trải nghiệm mang lại kém cả ROS. Đây là lúc tôi có cảm giác muốn dừng lại và đi kiếm một việc gì khác để làm, thay vì mò mẫm tự hành hạ bản thân cùng với chiếc iPad của mình.

Một điều may mắn là, tôi đã cố nuốt thử những “khúc sườn” khó nhai, trước khi gặm được một cái “chân giò đẫm nước”. PUBG Mobile xuất hiện đúng thời điểm tôi tuyệt vọng nhất. Game đẹp và chi tiết, đó là điều tôi chắc chắn nhận ra trước khi bước vào trò chơi này, khi mới chỉ ở phần tạo nhân vật và giao diện ngoài. Vào game, nó cuốn hút tôi một cách đơn giản nhờ sự rõ ràng của môi trường, với các màu sắc hài hòa dễ chấp nhận, chuyển động nhân vật mượt mà, cảm giác bắn súng chân thật chứ không theo kiểu “áng chừng” và “ảo diệu” như của ba game trước đó. Thế giới của PUBG được tái hiện một cách sâu sắc, chân thực và vừa phải. Giao diện game, thao tác nhặt đồ, cách ngắm bắn, cách hiển thị bản đồ con… mọi thứ hoàn hảo cho việc chơi trên thiết bị di động của tôi. Game vẫn đủ phức tạp để bị cuốn vào, nhưng cũng đủ đơn giản để tôi có thể xoay chuyển và làm quen nhanh chóng. Top 1 đến sau chừng 5-6 trận. Tất nhiên tôi biết rằng đây một phần là “món quà” từ hệ thống, khi ở cấp độ thấp có rất nhiều Bots trong màn. Tuy nhiên, cảm giác nhận được cũng vẫn rạo rực và hồi hộp. Các phần thưởng theo ngày và nhiệm vụ cũng giữ chân tôi lâu hơn trong trò chơi này, buộc tôi phải cố thêm một vài ván trước khi đi ngủ để hoàn thành nhiệm vụ và nhận thưởng.

Và đó chính là con đường khiến cho PUBG Mobile là ứng dụng game bắn súng sinh tồn duy nhất còn được cài đặt trên máy của tôi hiện giờ.

Tôi đã học được gì khi chơi PUBG Mobile (Phần 1)

Tất nhiên, nói thêm một chút, tôi cũng đã trải nghiệm qua Fortnite. Tuy nhiên, với nhiều sự thay đổi về bản chất đến từ nhà phát triển, trò chơi này hoàn toàn khác với các game đã nói ở trên. Tức là, nếu đã chơi PUBG trên PC và không muốn lặp lại trải nghiệm đó một cách đơn giản hơn trên di động, bạn có thể chọn Fortnite bởi nó giống như một luồng gió mới, từ cách tìm kiếm đồ, hệ thống xây dựng cho tới phong cách chiến đấu, di chuyển và chiến thuật. Còn nếu không có cơ hội chơi PUBG trên PC, và mong mỏi có một thứ gì đó có thể thay thế trên di động, thì PUBG Mobile là lựa chọn hợp lý nhất ở trường hợp này. Fortnite khi đó lại là một phương án khác, khác biệt hoàn toàn từ quan điểm lựa chọn trò chơi ban đầu. Và đối với bản thân tôi, phương án thứ hai này là điều chính xác nhất mà tôi biết bản thân muốn kiếm tìm.

Hé lộ nội dung P2: Những bài học đầu tiên qua các trận game sinh tồn?