Để mở đầu thật thẳng thắn, chúng ta nên nhìn nhận Girls’ Frontline 2: Exilium là một sản phẩm thiết kế cho “giấc mơ đàn ông” với 2 nội dung nền tảng là loạt nữ nhân vật xinh đẹp và những khẩu súng đầy uy mãnh. Mặc dù điều này không được thừa nhận công khai nhưng nhìn vào ai cũng hiểu vì vậy trong những trải nghiệm này tôi sẽ không xem xét thêm về vấn đề “vị thế nam – nữ” ở đây!
Dành cho ai chưa biết thì Girls’ Frontline 2: Exilium vốn là một sản phẩm được mong đợi sau sự thành công khá mạnh của tựa game đầu tiên. Thế mạnh kết hợp giữa những khẩu súng và hình ảnh nhân hóa của chúng thành các nhân vật nữ đa dạng về tính cách có vẻ đã gây được thiện cảm với đông đảo người chơi. Chính vì vậy ở phần 2 chúng ta được chứng kiến sự nâng cấp mạnh mẽ trải nghiệm này.
Nội dung cốt truyện đậm chất tương lai
Bối cảnh của game Girls’ Frontline 2: Exilium kể về câu chuyện 10 năm sau khi kết thúc chương cuối cùng của phần 1. Sau thất bại nặng nề của chiến dịch quyết định, tập đoàn quân sự Griffin & Kryuger suy yếu và dần tan rã. Các T-Doll (robot nữ chiến binh) phiêu bạt sang các công ty đối thủ khác hoặc trở về làm dân thường.
Nhân vật chính là Commander sau thất bại này đã rời bỏ sự nghiệp, ký thỏa thuận không hợp tác với bất kỳ công ty nào khác và tự lưu đày mình ra hoang mạc để bảo toàn mạng sống. Tại vùng hoang mạc này, anh thu nhặt được một số robot Doll bị nạn, sửa chữa chúng và thành lập một đội thợ săn tiền thưởng nho nhỏ làm việc kiếm sống qua ngày.
Sau 10 năm sống ẩn dật, anh đã có 2 Doll là Groza (đại diện súng OTs-14 Groza) và Nemesis (đại diện súng OM 50 Nemesis) làm bạn trung thành cùng thợ máy trẻ tuổi Mayling. Họ đã có một căn cứ khiêm tốn là chiếc xe công trường (MBV) khổng lồ mang tên Elmo.
Câu chuyện bắt đầu khi Commander nhận một hợp đồng hộ tống vật phẩm với tiền thưởng hậu hĩnh. Anh hy vọng với số tiền này cả nhóm sẽ vượt qua được khó khăn về thiếu hụt tài nguyên hiện nay. Bù lại cái giá cao đó bắt đầu cho thấy nó đi kèm những thứ không hề yên ả.
Xây dựng đội Harem tác chiến trong mơ nào!
Có thể nói ngay từ đầu là game Girls’ Frontline 2: Exilium đã sử dụng một cấu trúc tính năng game tương tự như Honkai: Star Rail của nhà Hoyoverse. Bạn sẽ bắt nhịp rất nhanh nếu từng chơi qua các sản phẩm của nhà bên kia.
Trải nghiệm sớm nhất đến với bạn chính là phong cách kể chuyện dài dòng đặc trưng của game Nhật. Bạn sẽ phải trải qua một số lượng câu thoại khá dày để qua giai đoạn giới thiệu ban đầu. Điều này đặc biệt khó với game thủ Việt vì phần chữ hoàn toàn bằng tiếng Anh và lồng tiếng thậm chí không có cả tiếng Anh mà chỉ có 3 ngôn ngữ Trung, Nhật, Hàn.
Game được thiết kế tập trung vào cốt truyện vì vậy diễn biến của cuộc phiêu lưu hồi hộp đến từng phân đoạn và các nữ nhân vật trong game cũng thể hiện cá tính riêng rất mạnh mẽ. Đây chính là yếu tố “Harem” mà rất nhiều người thích.
Các nhân vật nữ không phải là một hình ảnh mờ nhạt rập khuôn mà mỗi người đều có tính cách đặc trưng riêng và cách ứng xử riêng. Không những vậy họ còn tương tác với nhau tạo ra nhiều tình huống.
Ví dụ như Nemesis được Commander nhặt về sửa lại nhưng phần ngôn ngữ đã bị hỏng nặng vì vậy cô ta chỉ có thể mô tả ý kiến của mình bằng các đoạn thơ ca. Điều này đặc biệt làm cho một cô gái có tính cách nóng nảy và hơi chậm hiểu như Krolik (Doll đại diện cho thanh kiếm cận chiến) cảm thấy mệt mỏi và dễ cáu.
Các cô gái Doll sẽ đóng vai trò là tướng trong đội hình, mặc dù bản thân là đại diện cho một món vũ khí nhất định nhưng ở phần này họ được đặt tên riêng. Cũng từ đó, họ có thể cầm các vũ khí khác cùng nhóm phân loại nhưng sẽ nhận được lợi thế nếu cầm món “tủ” mình.
Các tướng và vũ khí đi kèm được chia làm 3 loại là Heavy (Súng bắn tỉa, Súng máy) – Medium (AR, SMG) – Light (Súng ngắn). Mỗi loại vũ khí lại có thế mạnh và điểm yếu khi chiến đấu, đơn cử như súng bắn tỉa có thể bắn tầm xa với sát thương lớn nhưng kẻ địch nấp sau càng nhiều vận cản thì sát thương càng bị giảm mạnh.
Lối chơi nhập vai chiến thuật có chiều sâu, hoạt cảnh chiến đấu vô cùng bùng nổ
Girls’ Frontline 2: Exilium sử dụng cách chiến đấu dạng dàn trận theo lượt tương tự XCOM hay Final Fantasy Tactics. Mặc dù game hỗ trợ cho chơi tự động từ khá sớm nhưng không vì thế mà phần chiến đấu bị làm qua loa.
Ngoài cơ cấu chiến đấu cơ bản của thể loại dàn trận, game còn cung cấp các tính năng cao cấp như lợi thế địa hình, lợi thế môi trường, phối hợp phòng thủ-phản công, địa hình biến đổi theo chu kỳ… Nghĩa là nếu bạn không sử dụng tự động chiến đấu thì vẫn có thể chơi một màn dàn trận khá hấp dẫn. Điểm yếu duy nhất của việc này là kẻ địch khá yếu thường chỉ cần một đòn là xong.
Như đã nói ở trên, game sử dụng bộ khung khá giống các game Hoyoverse. Bạn có tướng là các Doll chiến đấu, họ sẽ có các khẩu súng làm vũ khí, mỗi khẩu súng sẽ có các phụ tùng bổ trợ (như nòng, ống ngắm, băng đạn…) để tăng sức mạnh. Nếu quay ra tướng cùng loại bạn sẽ nhận được mảnh và từ đó mở khóa các nấc “cung mệnh” tăng sức mạnh thêm cho tướng. Ngoài ra tướng cũng có các kỹ năng có thể tăng theo giới hạn cấp độ.
Không dừng lại ở đó, sản phẩm vẫn còn nhiều hoạt động kèm theo khác mà bạn chắc chắn sẽ hiểu nếu từng chơi game các game của anh bên Hoyo. Tuy nhiên nói như vậy không phải là Girls’ Frontline 2: Exilium sẽ hoàn toàn giống game Hoyoverse. Sản phẩm này vẫn có các tính năng riêng bổ sung làm hấp dẫn thêm người chơi. Một trong những tính năng đó là “phòng riêng” của các nữ chiến binh.
Mỗi Doll gia nhập đội của bạn sẽ có một phòng riêng kèm theo một số skin trang phục đặc biệt và khi vào có thể tặng quà tăng tình cảm cũng như thay skin hay khám phá thêm về đời sống riêng tư của họ. Đặc biệt, mỗi Doll cũng có một màn hình nền riêng mà bạn có thể dùng làm nền của giao diện chính trong game.
Các khẩu súng cũng được ưu ái khi có hẳn một phòng trưng bày để bạn khoe những loại vũ khí chất lượng nhất mà mình sở hữu. Bên cạnh đó, Girls’ Frontline 2: Exilium cũng đưa ra khái niệm skin súng.
Ví dụ bạn thích một nhân vật nữ nhưng muốn cô ta sử dụng một khẩu súng khác đẹp hơn. Bạn có thể thay súng cho cô ta. Nhưng nếu súng gốc mạnh hơn và có lợi cho chiến đấu hơn, bạn có thể thay skin súng thay vì đổi cả khẩu súng. Thế là bạn vẫn giữ được thông số của khẩu súng mạnh nhất và có thể ghép ngoại hình của khẩu khác đẹp hơn. Mặt khác, game cũng bán những mẫu skin súng được thiết kế đặc biệt.
Một sản phẩm game mobile nặng đô đúng nghĩa về mọi mặt
Về cấu hình, trò chơi tỏ ra khá “nặng đô” với dung lượng khoảng 15,5 GB trên máy và mức đồ họa đẹp ngốn một lượng tài nguyên không nhỏ (nhưng mà nó xứng đáng!). Chiếc điện thoại tầm trung của tôi khá vất vả với mức đồ họa Ultra và phải hạ xuống mức thấp hơn là Smooth (tương đương Medium) để có thể chạy ổn hơn.
Nhìn chung thì Girls’ Frontline 2: Exilium Mobile là một siêu phẩm đầy hấp dẫn đối với game thủ thích thể loại thẻ tướng sưu tập “waifu” vì không những có một dàn người đẹp mà còn kèm theo cả kho súng ngầu lòi. Song nếu bạn không rành tiếng Anh, việc đọc hàng núi câu thoại là một cực hình nhưng bỏ qua chúng lại mất đi hương vị của cốt truyện vốn góp phần rất lớn vào độ hay của game.
Mặt khác, nếu bạn đã quen với các game dạng phổ thông chơi nhanh lướt bạo cũng sẽ cảm thấy không hợp với Girls’ Frontline 2: Exilium. Bởi game có nhịp khá chậm cả trong chiến đấu lẫn các màn trò chuyện dài dằng dặc. Trong khi các game Hoyo dùng hoạt cảnh sống động cho đỡ chán thì Exilium dùng phần lớn cảnh tĩnh dạng Visual Novel, nếu không có niềm yêu thích từ trước bạn sẽ khó nuốt nổi.