Còn nhớ vào cuối năm 2017 là giai đoạn bùng nổ của thể loại game sinh tồn. Ngày ấy, có thể nói là thời kỳ “nhà nhà PUBG, người người PUBG”. PUBG cũng trở thành hiện tượng của làng game thế giới và là tựa game gián tiếp tạo nên hàng loạt sản phẩm sinh tồn sau này. Ví dụ như Rules of Survival, PUBG Mobile hay thậm chí là cả Free Fire.
Nếu như Rules of Survival là một trong số những tựa game sinh tồn đầu tiên được phát triển trên di động, lấy cảm hứng từ PUBG. PUBG Mobile thì là sản phẩm chính chủ, thì Free Fire lại là tựa game được phát triển từ chính người Việt với đại diện là 111dots Studio.
Thời điểm đó, Free Fire từng được giới thiệu là có “thế giới mở cực lớn” đi kèm với các đặc điểm nổi bật nhất của thể loại sinh tồn. Điểm khác biệt của tựa game này với các sản phẩm khác cùng thể loại, đó chính là hệ thống nhân vật cùng kỹ năng hay thậm chí là nâng cấp vũ khí… được thêm vào ngày một nhiều sau này.
Đây cũng được xem là “bộ nhận diện” đặc biệt của Free Fire so với các tựa game sinh tồn khác. Đồng thời cũng khiến cho Free Fire phải nhận nhiều đàm tiếu của dư luận game thủ. Tại sao một tựa game gắn mác sinh tồn nhưng lại tồn tại hệ thống nhân vật với kỹ năng, đồng thời cho phép “sơn súng tăng sức mạnh”? Đó là những câu hỏi mà cộng đồng hướng vào tựa game này bấy lâu nay.
Nhưng dù vậy thì cũng không thể phủ nhận rằng Free Fire là một tựa game thành công, ít nhất là về mặt doanh thu và lượt tải trên Google Play. Đặc biệt là sau khi Garena phát hành Free Fire toàn cầu. Điều này thì dù có không thích Free Fire thì cộng đồng game thủ cũng khó có thể chối bỏ.
Free Fire bây giờ, không còn giống với tựa game được giới thiệu vào cuối năm 2017 nữa. Cả về đồ họa lẫn lối chơi đều khác biệt rất nhiều. Giờ đây, chắc khó có thể nhận ra được tựa game này thời kỳ ban đầu như thế nào. Đây cũng là một ví dụ tiêu biểu về một sản phẩm game gốc Việt thành công trên thị trường toàn cầu.
http://kenhtingame.com/vao-nam-2017-mot-tua-game-nguoi-viet-phat-trien-duoc-quang-ba-co-the-gioi-mo-cuc-lon-bay-gio-thi-sao-20220727095941646.chn