Mới đây, VNG và bom tấn sinh tồn PUBG Mobile được lên sóng VTV chương trình Thể Thao 24/7 (phát sóng sau Thời sự 19 giờ). Trong khoảng trên dưới 1 phút này, bản tin đã khái quát về giải đấu PMPL S4 của PUBG Mobile và NPH VNG. Điều đáng nói là, VTV đã cho thấy sự quan tâm của mình tới PUBG Mobile nói riêng và các tựa game thể thao điện tử nói chung.
Đây không phải là lần đầu tiên, game được nhắc tên trên sóng truyền hình Quốc gia theo một nghĩa tích cực. Trước đó, lần lượt Liên Quân, Free Fire, Tốc Chiến và ngay cả PUBG Mobile cũng đã được nhắc tên trên sóng VTV không ít lần. Điều này cho thấy rằng, các phương tiện truyền thông đại chúng nói riêng và xã hội nói chung đã có một cái nhìn cởi mở hơn về ngành công nghiệp game tại Việt Nam.
Chơi game hiện tại không còn là một điều gì quá xấu xa và gây hại. Ngược lại, với thể thao điện tử, game thực sự trở thành một nghề đề kiếm sống, nơi mà các tuyển thủ có thể “bỏ túi” số tiền không hề nhỏ thông qua tiền thưởng, tài trợ hay các hợp đồng quảng cáo. Sau khi rời khỏi vị trí thi đấu chuyên nghiệp, các tuyển thủ vẫn có thể “kiếm sống” bằng việc trở thành các streamer của các nền tảng như Facebook Gaming, NimoTV…
Do đó, định kiến về game hiện tại đã thay đổi theo chiều hướng tích cực, ít nhất là ở thị phần Esports. Tuy nhiên, vẫn cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, thị trường game hiện tại đang tồn tại một bộ phận lớn game thủ nhí, những người chưa thực sự kiểm soát được bản thân khi chơi game, dẫn đến những hệ lụy đau lòng mà nghiện game, phụ thuộc vào game là ví dụ điển hình. Chính VTV cũng đã không ít lần phản ánh thực trạng này để mong các NPH có biện pháp thực sự cụ thể trong việc kiểm soát độ tuổi của người chơi.
Nhìn chung, nếu làm tốt được khâu quản lý, game thực sự sẽ phát triển và trở thành một ngành nghề lôi cuốn giới trẻ trong tương lai khi mà thể thao điện tử vẫn còn một chặng đường rất sáng để thành công hơn nữa, khi nhận được sự ủng hộ của xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng.