Thời đại ngày nay, việc nâng cấp smartphone đã trở thành việc quá đỗi quen thuộc khi nhiều thương hiệu liên tục "bắn phá" ra mắt, thu hút sự chú ý của người dùng vào những thiết kế và tính năng mới mẻ. Cộng thêm những lý do như hỏng hóc, chuyện những chiếc smartphone cũ bị bỏ xó hoặc để quên trong góc tủ là điều rất dễ xảy ra, nhường chỗ cho những đàn em thế hệ mới hiện đại hơn được ưu ái sử dụng.
Thế nhưng, chính hành động bỏ bẵng một chiếc smartphone trong thời gian quá dài lại có thể gây ra nguy hiểm khôn lường, nhất là khi chúng ta chưa thực sự hiểu rõ về chúng. Bức ảnh dưới đây chính là minh chứng hùng hồn cho hậu quả xảy ra:
"Hãy nhìn chiếc iPhone 4 của tôi bỏ trong góc hộc bàn sau nhiều năm này."
Đây là hình ảnh được một người dùng đăng tải trên diễn đàn Reddit những ngày gần đây, đột nhiên thu hút hàng nghìn người chú ý vì những gì hiện lên trước mắt. Có thể thấy chiếc iPhone 4 bị bỏ quên từ đời nào nay đã bung vỏ, tất cả gây ra bởi viên pin bị phồng lên quá mức khiến khung máy không thể kham nổi.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp tương tự khác cũng được cư dân mạng réo nhau từ trước tới nay. Thông thường, những chiếc smartphone "nạn nhân" chỉ cần bị bỏ quên khoảng 5-6 tháng không để ý là có thể trở thành như vậy, rất khó tính trước và nhận ra nếu như cất kỹ ở góc nào đó. Điều này gây ra khá nhiều rủi ro khôn lường.
Một chiếc iPhone 5S nữa cũng từng xuất hiện và gây bão trên Reddit.
Tại sao pin phồng dù không sử dụng chút nào?
Theo kiến thức thông thường, hiện tượng phồng pin là hậu quả xảy ra khi pin xuống cấp, giảm tuổi thọ nặng nề và quá mức giới hạn chu kì sạc pin an toàn trong ngưỡng cho phép và khuyến cáo. Điều này rất dễ gặp ngay cả trong quá trình sử dụng máy chưa quá lâu nếu người dùng không chú ý, liên tục tiêu hao vắt kiệt dung lượng pin quá sức và thiếu cảnh giác, điều độ.
Dĩ nhiên, lý thuyết trên sẽ không áp dụng với trường hợp của những chiếc smartphone cũ bị vứt xó trong góc tủ. Tuy nhiên, có một điều nữa bạn nên biết: Kể cả không sử dụng, các viên pin vẫn luôn tự xả thải dung lượng dần dần. Điều này áp dụng với cả những loại pin Li-ion phổ biến ở hầu hết các thiết bị công nghệ ngày nay. Do đó, không sớm thì muộn, chúng cũng đều tự xả kiệt và giảm chất lượng, dần dần sẽ rơi vào tình huống "tự diệt" và phồng lên như thể "quá đát".
Hiện tượng phồng pin rất dễ xảy ra đối với bất kỳ sản phẩm smartphone nào.
Không phải tự nhiên mà các chuyên gia khuyến cáo pin Li-ion nên được sạc-xả đều đặn hàng ngày khi còn sử dụng, chỉ khi đó tình trạng xuống cấp mới được hạn chế. Ngoài ra, nếu quyết định chiếc smartphone này không còn dùng nữa, họ cũng luôn nhắc nhở nên sạc pin lên mức khuyến nghị 40% trước khi vứt xó, vì đó là ngưỡng an toàn cho pin Li-ion để tự xả với tốc độ chậm và an toàn nhất.
Chưa hết, hãy luôn đảm bảo kiểm tra lại từ 3-6 tháng/lần để chắc chắn không có chuyện pin phồng lúc nào không hay. Nếu đây là thứ không thể vứt đi mà muốn giữ lại làm kỷ niệm, hãy kiên trì giữ gìn an toàn bằng cách sạc lại chúng lên 40% mỗi khi kiểm tra sau vài tháng rồi... bỏ xó tiếp. Mặt khác, tốt nhất là đem chúng ra cửa hàng uy tín nhờ tháo bỏ pin cũ, chỉ giữ lại xác máy là trên hết. Nếu không, các nguy cơ cháy nổ và rò rỉ hóa chất độc hại sẽ luôn hiện hữu ngay gần bạn và chực chờ phát tác bất cứ lúc nào khi pin phồng quá mức. Các hóa chất này có thể gây xuống cấp môi trường trầm trọng, hoặc gây tử vong cho con người khi hít phải lượng vừa đủ.