Loạt content “sinh tồn trong rừng sâu”, khiến CĐM hết sức chú ý
Thời gian gần đây, nhiều người dùng Facebook bất ngờ bắt gặp những video kỳ lạ, có tiêu đề là “Thử thách sinh tồn trong rừng sâu”. Loạt content này được đăng tải riêng trên một fanpage có hơn 55 nghìn người theo dõi, được chạy quảng cáo liên tục để thu hút lượt xem và tương tác.
Sẽ không có gì đáng nói nếu đây là những video sinh tồn đúng nghĩa. Tuy nhiên, khi xem kỹ thì người dùng Facebook mới tá hỏa, nhận ra đây chỉ là content “bẩn”, ghi nội dung sinh tồn trá hình, sử dụng các nữ diễn viên ăn mặc hở hang, phản cảm để “câu view, câu like”.
Chiêu trò content cũ nhưng vẫn hiệu quả?
Thực tế, mô-típ này không hề mới. Trước đó, hàng loạt kênh Facebook, YouTube, TikTok cũng đã sử dụng cách thức tương tự: lồng ghép nội dung “sinh tồn”, “thử thách hoang dã” nhưng thực chất lại lợi dụng hình ảnh nữ giới để câu kéo sự chú ý.
Nhiều người dùng Facebook tỏ ra bức xúc, cho rằng đây là hình thức đánh lừa người xem một cách tinh vi. Ban đầu, họ bị thu hút bởi tiêu đề video gây tò mò “Thử thách sinh tồn trong rừng sâu”. Tuy nhiên, nội dung thực tế lại chỉ xoay quanh cảnh các diễn viên nữ thực hiện những hành động vô nghĩa, không hề liên quan đến kỹ năng sinh tồn.
Dù biết là content dàn dựng nhằm mục đích câu view, song những video này vẫn rất thành công, tạo ra lượng tương tác khủng. Có video còn đạt gần 500 nghìn lượt xem, tạo ra hiệu suất truyền thông cực lớn mà bất cứ fanpage nào cũng đều mong muốn.
Cần phải khẳng định, những nội dung phản cảm, đội lốt video “sinh tồn” như thế này không chỉ gây khó chịu cho người xem mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với cộng đồng mạng, đặc biệt là giới trẻ. Đáng nói ở chỗ, hiện tại, fanpage này vẫn tiếp tục đăng tải video với tần suất dày đặc, chưa có dấu hiệu bị hạn chế.
Rõ ràng, việc kiểm soát nội dung trên MXH vẫn luôn là bài toán nan giải. Với những nội dung gây tranh cãi như thế này, có lẽ người dùng chỉ còn cách tự bảo vệ mình bằng cách chủ động báo cáo vi phạm, tránh tương tác với động thái câu kéo rẻ tiền, lên tiếng để tạo áp lực buộc nền tảng phải có động thái kiểm duyệt mạnh mẽ hơn mà thôi.