Một điểm dễ thấy của các game Zombie là người chơi được thoải mái bắn giết các thây ma di động do chúng không có khả năng sử dụng vũ khí – tất nhiên những trường đoạn cận chiến hay chạy trốn cũng khá hấp dẫn, và dĩ nhiên các câu đố, tìm đường đan xen là yếu tố giúp cho game chủ đề Zombie trở nên hấp dẫn hơn. Nhưng kịch bản nếu suy xét một cách cẩn thận thì đôi lúc lại chẳng hợp lý tí nào. Hãy cùng xem thử 10 mô típ vô lý được xào đi xào lại trong rất nhiều game Zombie nhé:
1: Quân đội hoàn toàn vô dụng trước Zombie
Tình tiết này thường xuyên được đưa vào làm nền cho các cuộc chiến chống Zombie khi những tay lính chuyên nghiệp thất thủ hoàn toàn và buộc nhân vật chính của bạn phải tự đứng lên – sao lạ vậy, họ là quân nhân được đào tạo kĩ năng chiến đấu, sinh tồn, trang bị súng ống đầy đủ mà không chống nổi Zombie trong khi một người bình thường như kí giả, chủ cây xăng… lại giỏi dùng vũ khí hơn à?
2: Chia lẻ đội hình
Trong tình trạng một nhóm nhỏ chống với cả đống Zombie đông đảo thì rõ ràng co cụm, yểm trợ lẫn nhau mới tăng cơ hội sống sót được, ấy thế mà nhiều game cứ giao cho người chơi phải… đi thám thính khu vực này khu vực kia trong một tòa nhà, khu căn cứ… trong khi đồng đội máy thì thủ vị trí hoặc cũng tỏa ra đi các hướng khác. Lực lượng đã ít thì nên đoàn kết phòng thủ, mỗi người mỗi hướng có phải an toàn hơn là chia lẻ nhau ra rồi tới khi bị đánh úp thì chết cả không?
3: Gây tiếng động
Game Zombie dạy cho chúng ta rằng càng gây tiếng động thì Zombie càng chú ý và dễ dàng tìm ra vị trí nhân vật của bạn, thế nhưng vũ khí sắp xếp cho game thủ lúc nào cũng là những khẩu Rifle, Shotgun bắn nổ vang cả khu vực, có khi bạn xử xong 1 con Zombie thì cả đống đã kịp kéo tới vây rồi. Sao không ưu tiên trao cho game thủ cận chiến hoặc những món vũ khí giảm thanh có phải hơn không, vũ khí hạng nặng chỉ thực sự hữu ích khi phòng thủ các vị trí trên cao mà Zombie không leo tới được thôi.
4: Nhuốm máu Zombie
Cảnh tượng quen thuộc qua các trường đoạn game Zombie là nhân vật chính với bộ quần áo nhuốm máu Zombie sau khi đã “chinh chiến” mệt mỏi – rõ ràng họ chả thèm quan tâm đó là nguồn lây nhiễm kí sinh Zombie và vẫn cứ tiếp tục mặc những bộ đồ đó mà xông pha chém giết Zombie! Rủi như bị xước một cái và máu ngấm vào thì kể như Game Over mất!
5: Đạn dược rơi ra từ Zombie
Chẳng hiểu sao nhiều con Zombie bị hạ xong lại rớt cả đống trang bị cho người chơi nhặt: Đạn Shotgun, Lựu Đạn, hộp tiếp tế… nếu chúng từng là cảnh sát, quân đội… thì nghe còn có lý, đằng này ngay cả những Zombie thường dân, Zombie đã phân hủy chả còn tí quần áo cũng… rớt đồ được. Có lẽ nên thiết kế item hỗ trợ cho game thủ dạng kho tiếp tế ở từng chặng, tích trữ và ráng vượt qua rào cản Zombie để đến từng điểm tiếp tế thì hợp lý hơn chăng?
6: Zombie theo “độ khó”
Học theo cách áp dụng độ khó tăng dần truyền thống, nhiều game Zombie đẩy người chơi vào tình trạng “đi cảnh”, những đoạn đầu thì ít Zombie tới phát chán nhưng về cuối thì “đông như quân Nguyên” khiến bạn có thể ức chế lớn vì không tài nào xoay xở được. Câu hỏi đặt ra là chúng ở đâu ra mà nhiều vậy, vì càng qua màn người chơi càng diệt nhiều Zombie nên lẽ ra số lượng phải giảm xuống mới đúng chứ?
7: Khi Zombie kết liễu con mồi
Concept quen thuộc của game Zombie là các thây ma di động tấn công người chơi để nuốt sống não bộ họ, nhưng chả hiểu sao cứ hễ Game Over là lúc nào cũng có cảnh cả đàn Zombie cắn cổ nhân vật chính, dù hành động này là chả liên quan gì tới mục tiêu não bộ của chúng. Zombie không phải là con người nên khó có chuyện chúng suy nghĩ được phải làm gì với “nạn nhân” trước khi nhắm tới bộ não của họ.
8: Nhân vật chính “miễn nhiễm” Zombie
Kịch bản của nhiều game Zombie luôn có những nhân vật đồng hành cùng người chơi và một vài người trong số đó rồi sẽ bị lây nhiễm và buộc bạn phải tiêu diệt họ. Điều quái lạ là, bất cứ ai cũng chỉ bị cào một nhát là lây nhiễm ngay, trong khi nhân vật chính thì thoải mái “ăn đòn” của Zombie mà vẫn chiến đấu như không có gì xảy ra. Đúng là game cần phải có hệ thống HP để người chơi còn sửa sai các lỗi di chuyển của mình, nhưng có lẽ nên thể hiện một cách chân thực hơn các đòn đánh của Zombie hoặc hạn chế dùng cơ chế tự hồi máu để tránh cảm giác nhân vật chính “bất tử”.
9: Zombie hành động theo kịch bản
Như đã nói ở trên, Zombie nhạy cảm với tiếng động nên chúng dễ dàng bị hút về phía bạn nếu sử dụng vũ khí ồn ào – nhưng một số con Zombie chả hiểu sao lại nằm ngoài danh sách này dù chúng chỉ cách bạn vài bước chân. Bắn giết ồn ào chả làm phiền hội Zombie ấy, nhưng khi bạn tới gần và khởi động chiếc xe tải thì tiếng động cơ xe lại “đánh thức” chúng và lôi kéo thêm hàng chục con Zombie trong các tòa nhà xung quanh nhảy ra, trong khi trước đó bạn vừa xả vài băng M16 mà chả con nào để ý?
10: Zombie đông hơn cả dân số khu vực
Vì bối cảnh các game Zombie diễn ra ở những khu vực hẻo lánh ít bóng người, bạn sẽ nghĩ hẳn số lượng Zombie là không nhiều, quá lắm cũng chỉ bằng với dân số một thị trấn nào đó thôi. Nhưng không, ngay cả khi chỉ ở trong một xưởng gỗ thì có khi lượng Zombie tấn công bạn cũng phải lên tới cả ngàn con, e có tìm khắp thế giới cũng không có công ty đồn điền nào “chơi sang” thuê lắm công nhân để rồi bị nhiễm độc hàng loạt như vậy?