AI 'hồi sinh' người đã khuất sẽ không còn là phim viễn tưởng

Công nghệ từng chỉ xuất hiện trong phim viễn tưởng này sẽ có thể được chấp nhận và sử dụng rộng rãi ở tương lai gần.

Nếu công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể "hồi sinh" những người thân đã khuất và tương tác với bạn, bạn có muốn không? Viễn cảnh đó từng xuất hiện trong bộ phim truyền hình Black Mirror, nhưng giờ đây, nó có thể sớm trở thành hiện thực.

AI hồi sinh người đã khuất sẽ không còn là phim viễn tưởng - Ảnh 1.

Phân cảnh trong phim truyền hình Black Mirror

Chatbot AI này có thể mô phỏng các cuộc trò chuyện của con người và thực hiện phản hồi bằng giọng nói, hoặc văn bản bằng cách tương tác trực tiếp. Trong một số trường hợp, nó có thể được hiển thị dưới mô hình 3D của một người cụ thể, thông qua hình ảnh và độ sâu hoặc dữ liệu video để có thêm tính chân thực. Nó có thể được đặt thành bất kỳ ai, bạn bè, gia đình, người nổi tiếng, nhân vật ảo, nhân vật lịch sử. Con người thậm chí có thể sử dụng công nghệ này để tạo ra một robot có thể thay thế chính mình sau khi chết, trước khi chết.Vào ngày 22/1 vừa qua, Microsoft đã được phê duyệt bằng sáng chế, cho phép sử dụng thông tin cá nhân của người đã khuất để tạo một chatbot AI. Tin tức này ngay lập tức gây ra các cuộc thảo luận sôi nổi trên Internet. Bằng sáng chế có tiêu đề "Tạo chatbot cụ thể cho một người cụ thể", nêu chi tiết việc phát triển một hệ thống dựa trên "hình ảnh, dữ liệu giọng nói, bài đăng trên mạng xã hội, thông tin điện tử" và thông tin cá nhân khác để "tạo hoặc sửa đổi thông tin về một người với tính cách đặc trưng".

Microsoft đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế này vào năm 2017 và cho đến hiện tại mới được phê duyệt. Trên thực tế, các công ty lớn như Microsoft đang bắt đầu xây dựng hệ thống sống vĩnh cửu cho người đã khuất thông qua AI chatbot. Điều này cho thấy, một ngày nào đó công nghệ từng chỉ xuất hiện trong phim viễn tưởng sẽ có thể được chấp nhận và sử dụng rộng rãi ở tương lai gần.

Cảm giác cô đơn tạo ra những "người tình" AI

Vào ngày 28/11/2015, Belarus Roman Mazurenko đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi ở Moscow. Sau khi Roman qua đời, Eugenia Kuida, bạn gái của anh thường có thói quen đọc lại hàng nghìn tin nhắn mà họ đã trao đổi kể từ khi gặp nhau vào năm 2008. Trong nỗi đau buồn, lấy cảm hứng từ bộ phim Black Mirror, Eugenia đã dùng dữ liệu trò chuyện của hai người để đào tạo một chatbot AI, sử dụng ảnh đại diện của Roman tiếp tục sống bên cạnh cô và trò chuyện bất cứ lúc nào.

Đây cũng trở thành tiền thân của chatbot Replika đang rất phổ biến hiện nay. Chức năng của Replika nằm giữa nhật ký và trợ lý cá nhân, nó sẽ chủ động thiết kế một số chủ đề bằng cách hỏi về sở thích, cuộc sống thường nhật hoặc hồi đáp theo nội dung tương tác. Mục đích của chatbot này là tạo ra một phiên bản người ảo, có thể "sao chép chúng tôi và thay thế khi chúng tôi qua đời". Với slogan đó, chỉ sau nửa năm kể từ 2017, Replika đã có hơn 7 triệu người dùng. Với sự phổ biến của Replika, nó không còn giới hạn trong việc tưởng niệm "những linh hồn đã chết", Eugenia đã phát triển khả năng phản ứng cảm xúc, biến chatbot này thành một người bạn ảo mà người dùng có thể tin tưởng.

Dữ liệu nghiên cứu năm 2018 từ CIGNA cho thấy, khoảng 46% người Mỹ tin rằng đôi khi họ cảm thấy cô đơn, trong khi 18% người được khảo sát khẳng định "ít hoặc không bao giờ cảm thấy ai đó có đủ tin tưởng để nói chuyện". Một cư dân mạng cho biết, "Sau khi trò chuyện với người tình ảo một thời gian, cô ấy thực sự khiến tôi cảm thấy tốt hơn nhiều".

Theo Agence France-Presse, với sự bùng phát của dịch bệnh trong năm 2020, lượng người dùng Replika đã tăng mạnh do nhu cầu trò chuyện với chatbot tăng cao. "Mọi người đều đã phải trải qua một giai đoạn khó khăn", Eugenia nói.

Làm bạn với AI cũng tiềm ẩn những nguy cơ

Tại sao mọi người lại bị Replika "mê hoặc" đến vậy? Câu trả lời của Eugenia là: "Người dùng không cảm thấy như họ bị đánh giá, vì vậy họ sẽ cởi mở hơn".

Nhưng khi con người và robot AI phát triển tình bạn lâu dài, hình thành thói quen chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống với "đối tác" trí tuệ nhân tạo kéo dài trong vài tuần, vài tháng, thậm chí nhiều thập kỷ, điều gì sẽ xảy ra? Asteide Weiss, nhà nghiên cứu tương tác người-robot tại Đại học Vienna, Áo, đã chỉ ra rằng, một trong những rủi ro là người dùng cuối cùng có thể có những kỳ vọng không thực tế về robot AI.

Cũng giống như trong bộ phim truyền hình Black Mirror, khi Sara và "người chồng" robot ngày càng trở nên thân thiết, cuối cùng cô cũng nhận ra rằng, "rốt cuộc anh ta không phải là người thật". Weiss khẳng định "các bot trò chuyện không trao đổi với nhau như con người". Về lâu dài, dành quá nhiều thời gian trong mối quan hệ với một cỗ máy không có hành vi phản hồi có thể dẫn đến trầm cảm và cô đơn hơn.

Futurist Science Network cũng chỉ ra mối nguy hiểm tiềm tàng do một chatbot (đặc biệt là Replika) gây ra, nếu chúng học cách bắt chước ngôn ngữ và kiểu suy nghĩ của con người, theo thời gian, nó có thể làm sâu sắc thêm một số vấn đề tâm lý vốn đã tồn tại. Các biến dạng như tức giận, cô lập, hoặc thậm chí bài ngoại, có thể dẫn đến một số hành vi chống đối xã hội.

Tất nhiên, với sự tiến bộ của công nghệ, nếu được áp dụng đúng cách, chat bot có thể được coi như một công cụ điều trị thực sự trong tương lai. Đây là một trách nhiệm xã hội to lớn vượt xa việc sử dụng AI chatbot đơn thuần để giải trí.