Stealth hay là Rambo cũng tốt nhưng phải hợp lý
Nhưng mà hình như có gì đó sai sai với cái trailer này thì phải, đầu tiên là đám Viking cục súc xách dao xách búa lên thuyền đổ bộ vào đất của quân Anh. Các hiệp sĩ cũng không phải dạng vừa khi đã chuẩn bị sẵn lực lượng tinh nhuệ để đánh phủ đầu bọn man di đến từ phương Bắc. Giữa chiến trường hỗn độn, trong âm thanh chói tai vì những tiếng hét man rợ khi giết được ai đó hay tiếng kêu rên tuyệt vọng lúc bị mũi giáo xuyên qua lồng ngực. Có bóng dáng của hai con quạ bay ngang vùng đất đầy tử thi cùng hình bóng đầy mịt mờ của Odin, kẻ cai quản cửu giới. Tất cả các chi tiết kể trên đều rất cuốn hút, rất hấp dẫn, khiến lượng adrenaline trong mạch máu người ta sôi lên sùng sục và chỉ muốn lao ngay vào trận chiến. Có điều khi cái tên Assassin’s Creed được nằm chễm chệ trước địa danh Valhalla thì mọi chuyện cần phải được xem xét lại.
Ngày xưa người ta đến với dòng AC vì điều gì? Các đấu sĩ vai u thịt bắp hay những trận chiến dồn dập mà trong đó nhân vật chính phải tả xung hữu đột như một tay Rambo? No no no, bạn đã nhầm sang tựa game nào đó như Archer’s Creed hay Mercenary’s Creed rồi chớ hồi đó cam đoan AC nó không hề như vậy. Vật đổi sao dời, ai rồi cũng sẽ khác, đặc biệt là rất khó để phát triển trò chơi nếu như sau 50 phiên bản thứ được cho ra lò vẫn không khác gì tựa game gốc. Thật ra cái vụ tiến hóa này đã manh nha từ AC III rồi, khi mà Conor có thể bán hành không hạn chế cho bọn lính Anh nếu sử dụng thành thạo những pha phản đòn cùng khả năng dùng địch thủ làm bia đỡ đạn nếu xuất hiện một đội lính hỏa mai. Nhưng từ Origin và sau đó là Odyssey thì vụ chọn phong cách chơi theo ý thích mới mới đường hoàng bước ra ánh sáng.
Người trung thành với phong cách hành động lén lút sẽ xem đây như một sự phản bội trong khi những người chơi mới lại chẳng cảm thấy có vấn đề gì với chuyện đó. Mọt tui không thuộc nhóm nào cả, thích thì chơi, không thì thôi, nhà còn bao việc, rảnh hay sao mà lại đi cãi nhau hết ngày này sang ngày khác chỉ vì lý do đại loại như một tựa game có còn giữ được chất riêng của nó hay là không. Tui không quan tâm việc Ubisoft ngày càng đưa nhiều yếu tố nhập vai hành động vào game, thậm chí lắm lúc việc này làm cho các yếu tố chủ đạo về một game ám sát nặng đô bị phai nhạt đi rất nhiều. Đối với những người không phải là fan cuồng của dòng game ngay từ bản đầu tiên như bọn tui, suy nghĩ về Assassin’s Creed thật ra khá là đơn giản. Game chơi ổn thì mua còn dở như hạch thì lượn, thế thôi.
Lần trở lại này của những kẻ thích gắn dao vào cổ tay thoạt nhìn có vẻ hoành tráng nhưng có chút gì đó hơi lợn cợn khi quá khó để hình dung ra cảnh một tay Viking bặm trợn có thể đi ám sát người ta theo cách nào. Đó là một viễn cảnh rất thực và đẹp mắt đến nỗi không dám miêu tả luôn. Đầu tiên là cú nhảy thương hiệu Leap of Faith được thực hiện rất nuột qua các các đời thích khách khác nhau. Ờ thì Bayek và Kassandra/Alexios cũng không tính là sát thủ nhưng họ vẫn thực hiện những cú xoay người santo rất đẹp bởi hình thể vô cùng cân đối như sinh ra đã đi tập gym vậy. Giờ giữ nguyên thời không của cái cảnh lộn mèo đó ha, chỉ thay bằng một thằng thằng cha bặm trợn mặt ngầu, đầu thắt bính nặng sơ sơ hơn trăm cân – đám thổ phỉ Viking là trùm thích ăn thịt với lại miền Scandinavie lạnh lẽo quanh năm buộc người ta phải tích trữ mỡ trên người để giữ ấm, hình ảnh quá đẹp đến nỗi không dám tưởng tượng tiếp.
Sẵn nói về Tín Ngưỡng Chi Dược (Leap of Faith) cũng hãy cố mà tưởng tượng luôn về những pha Death from Above đi. Không như LoF, cái chết từ không trung chẳng phải là đặc sản của dòng game Assassin’s Creed nhưng kiểu gì nó cũng sẽ được phát dương quang đại tối đa trong thương hiệu này. Giờ hãy nhìn sang Valhalla và để trí tưởng tượng phát huy thêm chút xíu, bạn có thể nhận ra điều gì nào. Một cái bóng khổng lồ, một tiếng hú hét đầy man rợ, một cảm giác áp bức đến từ không trung. Đúng rồi đó, thay vì một pha kết liễu từ trên không bằng dao găm, rất có thể gã Viking không cần dùng bất cứ thứ vũ khí gì để hạ gục kẻ địch bởi nội cái thây hơn tạ của gã mà nhảy từ xuống từ độ cao vài mét cũng đủ đè chết con người ta rồi. Tóm lại, cho đến ngày Assassin’s Creed Valhalla ra mắt thì mới hạ hồi phân giải được, còn bây giờ càng ngồi bàn luận theo kiểu đoán mò sẽ càng dễ suy tưởng lung tung đến những hình ảnh gây mất mỹ quan đô thị nghiêm trọng mà thôi.
Hy vọng họ biết người ta mua game vì điều gì
Kể từ khi ACIII kết thúc những cuộc phiêu lưu chống lại tổ chức Abstergo ở thế giới hiện đại của đám thích khách tân thời, bọn họ ngày càng tỏ ra lép vế nếu so với những điều hoành tráng mà tổ tiên từng làm. Không rõ bạn có cảm giác đó hay không nhưng mỗi khi phải điều khiển Layla Hassan, chứng kiến sự bế tắc của cô ta trong ngôi mộ cổ, tui lại ước gì được nhanh nhanh quay lại để điều khiển những vị tổ tiên bá đạo của cô mà đánh đông dẹp bắc cho thỏa chí. Với Assassin’s Creed Valhalla không biết Ubisoft có sẵn lòng cho cuộc lật đổ mọi thứ để Eivor không còn bị tay hậu nhân kém cỏi nào đó nhòm ngó váo ký ức hay chưa nếu có thì rất tuyệt bởi việc đắm chìm vào những khoảnh khắc sử thi sẽ không còn bị làm phiền nữa. Vẫn biết những gì người ta thấy trong quá khứ chỉ là những ký ức được truyền thừa thông qua mã nguồn DNA được công nghệ khoa học giúp tái tạo lại nhưng vẫn cảm thấy hơi mệt mỏi khi cứ bị cắt ngang bởi những câu chuyện của thời hiện đại.
Một yếu tố không khiến người chơi mới cảm thấy bận tâm nhưng luôn là đề tài chỉ trích ưa thích của đám fan kỳ cựu là càng ngày AC càng xa rời nhân gian và đi theo hướng tiên hiệp quá nhiều. Từ những vị cổ thần Ai Cập, sau đó càng khoa trương hơn với những vị thần Olympus của bản Odyssey. Quá nhiều thần thoại, quá nhiều truyền thuyết khiến người ta khó lòng tổng kết được hết những gì “thật sự” xảy ra trong thế giới này. Assassin’s Creed chưa bao giờ được xem là một trò chơi có cốt truyện đơn giản nhưng so với sự ly kỳ về cuộc đời một tên hải tặc trong Black Flag hay quá trình vấp ngã để trưởng thành và hiểu ra giá trị cuộc sống của gã da đỏ Ratonhnhaké:ton rõ ràng các yếu tố thần thoại trong hai bản gần nhất tỏ ra rối rắm hơn hẳn. Khi thấy Eivor gầm thét lên với những đội hữu rằng Odin sẽ phù hộ chúng ta, trong khi cảnh trước là hai con quạ bay lòng vòng cùng một thằng cha bận áo chùng kín mít thì rõ ràng Valhalla tiếp tục là một phiên bản tiên hiệp nặng đô của dòng AC rồi.
Thật nóng lòng chờ xem một tựa game AC lại khiến người ta hoang mang theo cách nào nhưng tốt nhất vẫn là bớt bớt lại những trường đoạn ở thời hiện tại là tốt nhất. Rõ ràng không ai trả tiền mua Assassin’s Creed Valhalla để xem một đống nội dung về phòng thí nghiệm, áo blouse trắng và những giải thích càng nghe càng lùng bùng về công nghệ chiết xuất DNA. Thứ khiến người ta sẽ bỏ tiền để mua cái game này ngoài thương hiệu tín điều sát thủ còn là máu thịt, là đao kiếm, là giết chóc, là đám Viking mọi rợ cùng cuộc chiến tranh giành lãnh thổ với người Anh vào năm 873. Băng cướp biển Viking thiện chiến đụng độ cùng những hiệp sĩ Anh thời trung cổ rõ ràng không mang nhiều tính chất lịch sử của một game Assassin’s Creed trong những ngày xưa cũ nhưng hiển nhiên nó vẫn thừa sức hấp dẫn nếu không quá chấp nhất cái gọi là giá trị truyền thống.