Bạn sẽ không tin những máy chơi game này từng tồn tại (Phần cuối)

Bên cạnh những Playstation hay Xbox, có những hệ máy chơi game thất bại đến mức người ta còn chẳng biết tới sự tồn tại của chúng.

Tiếp tục là những chiếc máy chơi game với số phận hẩm hiu và bị chôn vùi cùng lịch sử.

Là một game thủ, có lẽ bạn chẳng lạ lẫm gì với những dòng máy chơi game như Playstation, Xbox hay (các dòng máy ) Nintendo. Ba cái tên này có lịch sử phát triển lâu đời và là những đối thủ cạnh tranh thị phần của nhau. Cuộc chiến tay ba này từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu ở các thế hệ console. Trong dòng chảy của lịch sử, đã từng có rất nhiều kẻ muốn chen chân vào thị trường máy chơi game giàu tiềm năng. Thế nhưng phần lớn trong số đó đều nhận về những thất bại cay đắng và dần bị lu mờ theo thời gian. Ở phần trước, chúng ta đã chứng kiến sự sụp đổ của Nokia N-Gage hay Nintendo Virtual Boy. Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cũng tìm ra những cái tên còn lại trong danh sách này nhé!

Rollet Videocolor

Chiếc máy chơi game “vàng chóe” này có tên Rollet Videocolor. Và nếu có giải thưởng cho máy chơi game màu mè nhất năm, đây có lẽ sẽ là một ứng cử viên nặng ký. Được sản xuất vào năm 1983, chiếc máy là một sản phẩm nhái theo những máy chơi game khác trên thị trường. Điều này cũng phần nào giải thích cho vẻ ngoài rẻ tiền của Rollet Videocolor. Theo như lời giới thiệu, cỗ máy chơi game có xuất xứ Hồng Kông này nhắm tới nhóm ngươi dùng là trẻ nhỏ. Nhưng với chiếc tay cầm trông phức tạp chẳng kém bộ điều khiển máy bay thế kia thì có lẽ chẳng nhiều người muốn “tậu” Rollet Videocolor về cho con mình.

Chỉ có vỏn vẹn 11 tựa game được phát hành cho hệ máy này. Trong đó có cả những tựa game nổi tiếng thời bấy giờ như Pac-Man hay Missile and Command. Tuy nhiên, khi chúng được xuất ra màn hình thì chất lượng đồ họa sẽ khiến nhiều người phải than khóc. Với việc có quá nhiều khuyết điểm, việc Rollet Videocolor thất bại thảm hại là một điều không thể tránh khỏi.

View-Master Interactive Vision

game

Nạn nhân tiếp theo trong danh sách sở hữu một cái tên vô cùng… khó nhớ. View-Master Interactive Vision gây ấn tượng với game thủ bởi cái tên độc và lạ của mình. Tuy nhiên, đó cũng là tất cả những gì mà cỗ máy này từng làm được. Được tung ra thị trường vào năm 1989, View-Master Interactive Vision mang theo sứ mệnh dùng trò chơi điện tử như một công cụ để giáo dục trẻ nhỏ. Nghe thì có vẻ cao đẹp và hoành tráng thật, thế nhưng cái cách mà máy chơi game này thực hiện sứ mệnh đó thì lại ngớ ngẩn vô cùng. Cụ thể là những trò chơi trên View-Master Interactive Vision thuộc dạng game tương tác. Điều này nghĩa là những trò chơi này trên hệ máy sẽ được dựng sẵn dưới dạng video, người chơi sẽ tương tác với chúng qua tay cầm với 5 phím bấm và 1 cần điều khiển. Có thể hiểu nôm na là chúng gần giống với phim tương tác trên Netflix, chỉ có điều đơn giản và nhàm chán hơn rất nhiều.

game

Thêm vào đó, View-Master Interactive Vision còn sở hữu ngoại hình kém hấp dẫn với chiếc tay cầm và thân máy như được ghép từ những miếng lego. Điều này có thể hiểu là để hấp dẫn nhóm khách hàng trẻ tuổi. Thế nhưng nếu để những thượng đế nhỏ này lựa chọn, chắc chắn chúng sẽ mang về nhà một bộ NES (Nintendo Entertainment System) thay vì chiếc View-Master Interactive Vision nhàm chán.

Gizmondo

game

Một trong những thất bại thảm hại nhất phải kể đến cái tên Gizmondo. Được giới thiệu là “chiếc máy chơi game cầm tay tân tiến nhất trong lịch sử”, Gizmondo nhanh chóng chứng minh điều ngược lại khi trở thành một thất bại nặng nề không lâu sau ngày ra mắt. Nhà phân phối Tiger Telematics từng “mạnh mồm” quảng cáo chiếc máy này với vô số tính năng thú vị như chụp ảnh, nhắn tin hay định vị GPS. Thậm chí một số game sản xuất cho hệ máy này còn áp dụng cả thực tế ảo tăng cường. Những tính năng vô cùng “xịn” ở thời điểm bấy giờ được tích hợp hết vào chiếc máy cầm tay Gizmondo.

game

Thế nhưng, thực tế lại không được êm đẹp như vậy. Chẳng có điểm nào của chiếc Gizmondo giống với quảng cáo cả. Chiếc máy được bán với mức giá cắt cổ 400 đô la Mỹ. Nếu so sánh với chiếc PSP của Sony, màn hình của Gizmondo có kích thước chưa bằng một nửa. Ấy là chưa kể chất lượng màn hình được gia công cẩu thả. Cùng với một kho game nghèo nàn, Gizmondo nhanh chóng chìm vào quên lãng mặc cho những nỗ lực quảng bá rầm rộ đến từ nhà phát hành.

Hết.

Xem Thêm: Bạn sẽ không tin những máy chơi game này từng tồn tại (Phần 1)