Thành thật mà nói thì tôi không nhớ mình thực sự biết đến khái niệm Free-to-play (F2P) từ khi nào thế nhưng có một điều tác giả biết rất rõ đó là bản thân rất khó chịu mỗi khi có ai đó nhắc đến ba từ trên. Không cần biết các trò chơi thuộc hạng mục trên xuất hiện ở đâu, dù là trên Facebook hay PC, console hay mobile, với người viết những sản phẩm đó chẳng khác nào một màn hút máu trá hình của nhà phát hành thông qua cái mồi câu “miễn phí” đầy ma lực. Và một trong những lí do khiến tôi không có thiện cảm mấy với các game F2P chính là chất lượng tệ hại hoặc cùng lắm là chỉ ở mức trung bình khá của chúng. Tuy nhiên thị trường Free-to-play những năm trở lại đây đã chứng kiến rất nhiều sự tiến bộ vượt bật khiến cho tôi cũng phải đôi lúc suy nghĩ lại về định kiến của mình.
Mặc dù hiện nay game thủ vẫn đang ngập ngụa trong cả trăm cả ngàn tựa game Free-to-play “rác” trên các nền tảng khác nhau thế nhưng có vẻ như khái niệm trên đã bớt đi chút tai tiếng khi một số tựa game nổi tiếng và thành công về mặt doanh thu gần đây đều thuộc mảng F2P, trong đó có thể kể đến những cái tên như Fornite, Warframe, COD Warzone, Dota 2, Liên Minh Huyền Thoại… Tuy vẫn mang tính chất thu phí người chơi (microtransaction) thế nhưng đặc điểm chung của hầu hết các tựa game trên là vui, dễ làm quen, dễ gây nghiện, mang tính cạnh tranh cao, và cá biệt có một số trường hợp thì chức năng thu phí lại khá là “lành tính” và không ảnh hưởng mấy đến quá trình chơi.
Nói vậy không có nghĩa là tôi đang ủng hộ mô hình kinh doanh kiểu này thay thế cho cách thức truyền thống “mua game một lần và bạn sẽ sở hữu nó mãi mãi”. Điều tôi đang muốn nói ở đây đó là trong quá khứ đúng là game F2P từng bị coi là thứ rác rưởi tệ hại nhưng trong thời điểm hiện tại trên thị trường có rất nhiều game có chất lượng rất tốt và không quá để nhận định một vài trong số chúng mang đến cho người chơi trải nghiệm không hề thua kém gì các tựa game bom tấn AAA.
Một trong những tựa game F2P khiến tôi ấn tượng nhất chính là Path of Exile. Đối với những fan của thể loại nhập vai-hành động thì đây chắc chắn là một siêu phẩm không thể bỏ qua. Path of Exile có một cốt truyện rất hấp dẫn cùng gameplay dễ tiếp cận và tất nhiên không thể nhắc đến hệ thống cây kĩ năng đầy chi tiết và phức tạp của game giúp người chơi có thể xây dựng nhân vật thành nhiều hướng khác nhau. Đó là chưa kể các tùy chọn luôn được làm mới và cập nhật theo mùa khiến cho game thủ gần như không bao giờ hết việc để làm. Một trong những điểm cộng khác đó là game chỉ thu phí người chơi thông qua các trang phục được bày bán và chúng không hề ảnh hưởng đến quá trình chơi ngoài việc làm đẹp cho nhân vật trong game. Với những ưu điểm trên, thật không quá khó hiểu khi hiều người nhận định trò chơi này còn hay hơn cả Diablo 3 của Blizzard.
Một ví dụ khác gần đây nhất chính là Genshin Impact, tựa game nhập vai open world đang “làm mưa làm gió” với gameplay lấy cảm hứng từ những tên tuổi gạo cội của làng game như Legend of Zelda: Breath of the Wild và Xenoblade Chronicles 2. Game mang đến cho người chơi một thế giới rộng lớn cùng đồ họa bắt mắt, lối chơi đầy cuốn hút cùng chức năng Co-op 4 người vô cùng độc đáo. Tuy vậy Genshin Impact lại có phần hơi “thọt” so với ví dụ Path of Exile như đã nêu ở phần trước bởi vì game hơi nặng về mặt microtransaction và luôn “khuyến khích” người chơi nạp tiền để có thể giúp nhân vật của mình mạnh mẽ hơn.
Đó mới chỉ là hai trong số rất nhiều ví dụ được đúc kết từ trải nghiệm cá nhân của người viết. Ngoài Action-RPG, thể loại bắn súng cũng là một trong những mảnh đất cực kì màu mỡ được các NPH khai thác tối đa thông qua các sản phẩm F2P đỉnh cao như COD: Warzone, Apex Legends, Warframe…v…v. Chính việc được phát hành miễn phí bởi những NPH/NSX có tiếng tăm như Activision, Respawn Entertainment…v..v cùng với tính năng thu phí không mấy nặng nề đã giúp cho các trò chơi trên thu về lợi nhuận khủng cũng như lượng fanbase đông đảo.
Dù cho có rất nhiều ưu điểm như vậy, tác giả cũng như nhiều game thủ khác đều phải đồng ý rằng những tựa game trên sẽ trở nên tuyệt vời hơn rất nhiều nếu như không có thu phí trong game. Nhưng nếu như vậy nó sẽ tạo ra một nghịch lý khá oái oăm đó là nếu không thu tiền trong game thì bạn sẽ lấy gì để nuôi sống đứa con tinh thần của mình? Chính vì thế nên microtransaction sẽ vẫn mãi tồn tại như một phần không thể thiếu của mô hình F2P, và để khiến game thủ chấp nhận hay không tính năng trên phụ thuộc rất nhiều vào cách thức vận hành của NPH. Qua một số ví dụ như đã nêu thì thực sự việc cân bằng giữa microtransaction và trải nghiệm của game thủ là điều hoàn toàn khả thi. Tuy vậy cá nhân người viết cũng cho rằng vấn đề trên sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn bởi chi phí vận hành cho một tựa game cả chính thống lẫn F2P vẫn đang tăng cao từng ngày khiến cho không ít NPH phải đau đầu với việc thu phí trong game.