Cẩn thận khi rao bán đồ trên Steam bằng VNĐ

Việc chuyển đổi tỉ giá Steam sang VNĐ hỗ trợ game thủ Việt rất nhiều với nhiều tựa game được trợ giá, nhưng qua đó cũng có một số rủi ro khi rao bán đồ trên Steam

Tháng trước, Steam đã chính thức chuyển đổi tỉ giá USD sang VNĐ cho các game thủ Việt Nam và kèm theo đó là chính sách ưu đãi giá với nhiều tựa game từ lớn tới nhỏ, cho phép người chơi mua game bản quyền dễ dàng hơn theo điều kiện cá nhân. Vì tính đồng bộ nên đợt chuyển đổi này cũng thay luôn tiền tệ trên chợ cộng đồng (Community Market) để game thủ mua bán, trao đổi các vật dụng, thẻ bài, hình nền… với đơn vị VNĐ. Chúng ta cần hết sức lưu ý khi đặt giá và tìm giá mua đồ trên Market lúc này bởi đơn vị VNĐ khá lớn, nhiều chữ số – chỉ cần gõ thiếu hay thừa một chữ số thôi là có thể dễ dàng mua hoặc bán nhầm một món đồ với giá quá cao hoặc quá đắt. Game thủ Trần Thắng đã có kinh nghiệm nhớ đời khi thao tác bán cây AK-47 Frontside Misty của CS:GO lên chợ nhưng gõ sai giá tiền do quen tay với đơn vị USD cũ, kết quả là món đồ trị giá 340.000 vnđ đã được đưa lên bán với giá chỉ… 340 vnđ!

bán

Việc mua bán đồ trong CS:GO gần như không còn xa lạ với game thủ Việt – tùy giá trị từng skin súng, loot box hay chìa khóa mà chúng ta có thể thu lại một món đáng kể nếu may mắn nhận được sau nhiều giờ tham chiến CS:GO mệt mỏi. Tất nhiên Valve sẽ thu phí giao dịch nên số tiền người bán nhận được ít hơn, nhưng với những món đồ cực hiếm giá trị cả trăm đô thì điều đó không thành vấn đề lắm. Trong một ngày may mắn, Nguyễn Thắng đã “ẵm” được một cây AK-47 Frontside Misty được định giá 340.000 vnđ trên Market – ấy vậy mà chỉ một phút sơ ý khi gõ giá, anh chàng này đã phải tiếc nuối nhìn món hàng hiếm ra đi với giá chỉ 340 vnđ.

trade2 Cẩn thận khi rao bán đồ trên Steam bằng VNĐ 2

Để phòng tránh tai nạn tương tự có thể xảy ra khi bán đồ trên Steam lúc này, các game thủ cần chú ý check trước tỉ giá trung bình của trang bị muốn bán trên Market, sau đó sao chép mức giá này vào ô định giá cho người mua (lợi nhuận người bán nhận được sẽ được tự động tính), và con số này tốt nhất không kèm theo chấm hay phẩy gì hết để tránh nhầm lẫn (trên Steam, dấu phẩy mới là để ngăn cách đơn vị, dấu chấm biểu hiện số lẻ đơn vị). Những thao tác này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro treo “nhầm” giá đồ bạn muốn bán và đem lại may mắn cho một tay mua dạo nào đó online đúng lúc.

trade3 Cẩn thận khi rao bán đồ trên Steam bằng VNĐ 3

Tính tới hiện tại, hầu hết các tựa game trên Steam đều đã có tỉ giá VNĐ với từng chính sách hỗ trợ giá khác nhau, và dĩ nhiên là những món đồ kèm theo như thẻ bài, background, emo… cũng đã được quy đổi giá trên chợ tương ứng. Hãy mua bán thật cẩn thận để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc như trên nhé các bạn!