Chuyển động của những “vựa trái cây” cực phẩm trong game được làm ra như thế nào? - PC/Console

Chỉ nhìn ngắm các bộ ngực thôi thì quá bình thường, hãy đọc qua bài viết này của Mọt tui để thưởng thức chúng một cách đầy học thuật như một quý ông.

Với các game thủ, bộ ngực của các nhân vật nữ trong game luôn là chủ đề muôn thuở, thu hút ánh nhìn của tất cả mọi người – các cậu trai ngắm nghía đẹp xấu ra sao, còn chị em có lẽ là… so sánh với “hàng thật” của mình. Chẳng phải ngẫu nhiên mà những bài viết khai thác đề tài về kích thước của Tifa to hay nhỏ, hình dạng của Lara Croft là tam giác hay bầu tròn… của Kênh Tin Game có lượng người xem khổng lồ.

Final Fantasy VII Remake và câu chuyện Tifa bị chỉnh sửa vì đạo đức

Nhưng dù được chú ý đặc biệt như vậy, Kênh Tin Game tin rằng rất ít người biết được sự thật nằm đằng sau (hoặc bên trong, tùy cách nghĩ của bạn) những bộ ngực này. Để giúp các bạn độc giả thân mến của Mọt hiểu làm thế nào người ta có thể tạo ra những đôi gò bồng đảo tuyệt vời đó, Mọt tui đã dày công nghiên cứu và giờ đây xin được giới thiệu với các bạn những gì mình tìm ra.

Từ quá khứ xa xưa…

Vào thuở sơ khai của làng game, rất ít game có nhân vật nữ – một điều dễ hiểu bởi khi hình ảnh của game chỉ được tạo thành từ vài pixel đơn giản, việc nhìn ra thứ bạn đang điều khiển tròn méo ra sao đã đủ gian nan chứ đừng nói tới chuyện phân biệt họ là nam hay nữ. Những nhân vật nữ may mắn xuất hiện trong game thường cũng có bộ ngực… cứng ngắc, chẳng hạn Samus Aran xuất hiện trong Metroid vào năm 1986 được bọc kín mít trong bộ giáp Varia Suit, và phải đến cuối game mới được hé lộ là nhân vật nữ – bạn có thể đếm được số pixel tạo thành cô nàng, nên việc tạo ra một bộ ngực hấp dẫn vẫn nằm ngoài tầm với của các nhà làm game.

Chuyển động của những

Samus Aran.

Phải đến năm 1992, nhân loại mới bắt đầu được chứng kiến những bộ ngực nhân vật nữ chân thực trong game. Đó là thời điểm mà tựa game Fatal Fury 2 của SNK ra đời, và những chiến binh ghé vào tiệm arcade chơi tựa game này đã “shock tới óc” khi nhìn thấy nhân vật mới của series là nữ ninja Mai Shiranui có một bộ ngực khủng biết… nhúc nhích theo các chuyển động của cô nàng. Đây là một bước đột phá trong công nghệ làm game, bởi các nhà phát triển nhận ra rằng một thứ đơn giản như bộ ngực biết lúc lắc có thể chinh phục các nam game thủ.

Kể từ thời điểm này, các nhà phát triển bắt đầu thi nhau đưa những hộp sữa biết lúc lắc vào các tựa game đối kháng để chiều fan, trong khi fan các thể loại game khác tạm thời vẫn phải đứng nhìn một cách thèm thuồng. Lý do của điều này không phải vì các nhà làm game khác không muốn đưa tính năng cách mạng này vào game, mà là vì dung lượng không cho phép – các tựa game đối kháng có lượng cảnh vật và nhân vật ít ỏi nên dư dả nhiều dung lượng, cho phép nhà phát triển đưa thêm các hình vẽ thể hiện chuyển động của bộ ngực vào game.

Chuyển động của những

Mai Shiranui trong Fatal Fury 2.

Có lẽ sẽ không quá lời khi nói rằng bộ ngực của Mai Shiranui đã góp phần tạo ra cả một thương hiệu game đối kháng mới: Dead or Alive. Phiên bản đầu tiên của series này được phát hành vào năm 1996 và từ đó đến nay luôn luôn được game thủ gắn liền với cụm từ “fan service,” không chỉ vì các bộ ngực “linh hoạt” ngoài sức tưởng tượng mà còn vì ngoại hình xinh đẹp và trang phục hở hang của các nhân vật nữ.

Dead or Alive thường xuyên bị chỉ trích là chỉ biết câu khách bằng các nhân vật nữ sexy sở hữu bộ ngực biết lúc lắc, Street Fighter V cũng từng thực hiện điều tương tự: khi player 2 chọn Chun-Li, bộ ngực của cô nàng sẽ tung tăng như thể hai quả bong bóng đầy nước. Game thủ Street Fighter V đã phát hiện ra điều này từ trước khi game ra mắt, nhưng nó vẫn tồn tại trong phiên bản chính thức của game cho đến khi Capcom tuyên bố nó là bug và gỡ khỏi game vào tháng 3/2016.

Phải chăng Take-Two đang “đua” với EA giành danh hiệu nhà phát hành game tệ nhất thế giới?
Phải chăng Take-Two đang “đua” với EA giành danh hiệu nhà phát hành game tệ nhất thế giới?
Với những chiến tích trong nhiều năm qua, có vẻ như Take-Two đang cố gắng đuổi kịp và vượt mặt EA để trở thành nhà phát hành game tệ nhất thế giới.

Đến các bộ ngực 3D hiện đại

Nhờ các biện pháp phát hành game qua internet hiện tại, các nhà phát triển game không còn bị giới hạn bởi dung lượng cài đặt và có thể thoải mái đưa chuyển động của bộ ngực vào game của mình, nên game thủ yêu thích những thể loại khác cũng đã có thể thưởng thức cái đẹp. Tuy nhiên khi đồ họa của game được nâng cấp lên 3D, những hình vẽ tay 2D như SNK từng thực hiện cho Mai Shiranui ngày nào không còn phù hợp. Vì vậy, các nhà làm game phải sử dụng một phương thức mới: làm “xương” cho các bộ ngực trong game của mình, dù trong thực tế ai cũng biết rằng ngực chỉ toàn mỡ chứ không hề có xương!

Chuyển động của những

Xương (màu xanh lá cây) và mô hình nhân vật.

Nói một cách chính xác, “xương” ở đây là hoàn toàn vô hình. Trong đồ họa 3D, mỗi mô hình nhân vật đều được tạo thành từ một bộ khung với các xương và khớp nối, và các xương khớp này được lập trình để có thể xoay chuyển theo ý muốn của nhà phát triển. Chúng không nhất thiết phải tuân theo hình dạng xương thực tế, chẳng hạn đôi cánh, chiếc áo choàng hay sợi tóc bay phơ phất đều có thể có “xương” riêng của mình. Bao quanh bộ xương là mô hình nhân vật được tạo thành từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu đa giác, và các vân bề mặt (texture) được phủ lên những đa giác này tạo thành lớp da. Với các nhân vật nữ, nhà phát triển sẽ tạo ra thêm hai hoặc nhiều cái “xương” đóng vai trò điều khiển chuyển động của bộ ngực của họ: khi xương chuyển động, bộ ngực cũng sẽ chuyển động theo.

Có hai phương thức chính để tạo ra chuyển động này, với ưu điểm và nhược điểm riêng. Phương thức đầu tiên và cũng là phổ biến nhất là gắn các “lò xo” nối xương của bộ ngực với các xương khác, và khi nhân vật chuyển động, bộ ngực của họ sẽ được các lò xo này kéo chuyển động theo. Nhà phát triển có thể thực hiện một số điều chỉnh đơn giản quy định độ cứng, độ đàn hồi của các lò xo này để điều chỉnh mức độ chuyển động của bộ ngực trông vừa phải hoặc khoa trương, nhưng nó luôn trông không đủ chân thực.

Chuyển động của những

“Bug” với bộ ngực của Chun-li trong Street Fighter 5.

Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản và tiện lợi, vì rất nhiều engine được tích hợp sẵn các lò xo này. Nó có thể đánh lừa không ít game thủ chưa có dịp được nhìn một bộ ngực thực tế sẽ di chuyển như thế nào. Trong khi đó, chị em phụ nữ có thể nhận ra một bộ ngực giả tạo do có gắn lò xo một cách dễ dàng, nhưng với họ thì bộ ngực chẳng phải là điều đáng chú ý như “cây hàng” hay cơ bắp của các anh chàng đẹp trai nên hoàn toàn có thể bỏ qua.

Phương thức thứ hai có ưu điểm là khả năng tạo ra các chuyển động thực tế hơn rất nhiều. Thay vì dùng lò xo để kéo bộ ngực chuyển động, người ta sẽ tự viết những phần mềm riêng để mô phỏng sức nặng, độ đàn hồi của bộ ngực dựa trên các quy tắc vật lý, và phần mềm này sẽ quyết định bộ ngực di chuyển ra sao khi nhân vật chuyển động. Vấn đề của phương thức này là mất nhiều thời gian, công sức cũng như dùng nhiều tài nguyên của máy tính hơn.

Chuyển động của những

Dead or Alive nổi tiếng với các nhân vật nữ sexy.

Với những nhược điểm như vậy, rất ít game sử dụng phương thức này để mô phỏng chuyển động của bộ ngực. Tuy nhiên một số tựa game chú trọng vào bộ ngực vẫn sử dụng phương thức này, chẳng hạn khi phát triển Dead or Alive 6, nhà phát triển Team Ninja đã phát triển hẳn một phần mềm mới để thể hiện bộ ngực của các nhân vật nữ một cách sinh động hơn. Ngoài ra, một số game khác từ các nhà phát hành nhỏ hơn (nhưng không kém phần tên tuổi) của Nhật Bản có thể sử dụng phương thức tương tự nhưng Mọt tui không quá rành – có lẽ các bạn nên hỏi đồng nghiệp vuhoang của Mọt tui.

Lời kết

Với những thông tin trong bài viết này, các bạn biết được đôi gò bồng đảo của các nhân vật nữ trong game và chuyển động của chúng được tạo ra như thế nào. Mọt hi vọng rằng lần kế tiếp ngắm nhìn các bộ ngực tròn trịa đó, các bạn sẽ bớt phần “thèm khát” và nhìn chúng bằng một đôi mắt có phần “học thuật” hơn. Nếu có lỡ bị người khác bắt gặp đang nhìn ngắm chúng một cách thèm thuồng, bạn cũng có thể tự tin gân cổ lên cãi rằng “tao không háo sắc, chỉ đang nghiên cứu khoa học mà thôi!”