Từ trước tới nay, phim ăn theo game hay được chuyển thể lại từ game luôn là một thứ gì đó khiến các game thủ dè bỉu. Điều này cũng không quá khó hiểu, hầu hết các bộ phim như vậy trong lịch sử điện ảnh chỉ có chất lượng quá tầm thường. Việc gói gọn một trò chơi dài 10, 20 tiếng vào trong một bộ phim chỉ khoảng hơn 2 tiếng sẽ không thể nào truyền tải hết được cảm xúc, ý nghĩa của trò chơi gốc.
Đó còn chưa kể rất nhiều hãng phim tỏ ra không tôn trọng bản game gốc, họ sẵn sàng thay đổi đi các nhân vật chính để phục vụ cho lối suy nghĩ nông cạn, mà họ cho rằng điều đó là cần thiết. Và rồi hãng cho ra một bộ phim ăn theo game với chất lượng chỉ đáng vứt vào sọt rác. Với người hâm mộ điện ảnh đại trà thì điều này không quá quan trọng, nhưng với game thủ, một bộ phim được làm dựa trên video game nhưng lại giết chết cảm xúc mà trò chơi mang lại thì không đáng để được chuyển thể.
Trong bài viết này, Mọt tôi sẽ liệt kê ra những tựa game tuyệt vời nhất nhưng tuyệt đối không nên chuyển thể thành phim. Nếu như ngày nào đó một trong những cái tên trong danh sách tấn công màn ảnh rộng thì đó sẽ là thảm họa cho các fan hâm mộ game.
The Last of Us
Cái tên đầu tiên tôi muốn nhắc đến khi nói đến chuyện chuyển thể game hay thành điện ảnh, đó chính là The Last of Us. Cho tới giờ, cảm xúc tôi dành cho các nhân vật và hành trình từ khi Joel mất con, sau đó gặp gỡ Ellie rồi sau đó cùng nhau tới Fireflies vẫn rất mãnh liệt. Tôi tin chắc rằng rất nhiều game thủ khi chơi The Last of Us sẽ đều hòa cảm xúc của mình vào tựa game, họ khóc cùng nhân vật, lo lắng cho nhân vật.
Điều quan trọng là chỉ có trực tiếp trải nghiệm trong khoảng 15 tới 22 tiếng đồng hồ, cảm xúc của người chơi mới có thể được đẩy lên cao trào nhất. Bên cạnh đó, yếu tố gameplay cũng rất quan trọng trong việc xây dựng cảm xúc của người chơi. Vậy nên, tôi tin rằng với thời lượng chỉ tối đa 3 tiếng đồng hồ, The Last of Us bản điện ảnh sẽ không thể nào thể hiện lại được những gì mà tựa game gốc đã làm được.
Trên thực tế, phiên bản điện ảnh của The Last of Us đã được lên kế hoạch. Neil Druckmann thậm chí đã hoàn thành xong kịch bản của bộ phim nhưng cuối cùng anh chia sẻ rằng không muốn bộ phim này được sản xuất. Thật may mắn!!!
Grand Theft Auto V
Không chỉ có GTA V mà tất cả các phần game trong series Grand Theft Auto đều không nên chuyển thể thành phim, kể cả phim truyền hình dạng nhiều tập. Tôi nghi ngờ Hollywood sẽ khó có thể gói gọn lại những gì có trong Grand Theft Auto V trong một hay thậm chí vài phần phim. Đầu tiên, chất lượng của GTA nằm ở phần bạo lực, liệu có hãng phim nào đủ tầm để đưa được cái chất bạo lực trong loạt game gốc này lên màn ảnh rộng không? Rất ít người làm được và nhất là làm sao để nó tinh tế không bị phê bình là lạm dụng chém giết.
Tiếp theo, Grand Theft Auto thuộc thể loại thế giới mở, cho phép người chơi được tự do làm điều mình thích như phá phách, quấy rối, kinh doanh,… Và mỗi phần game đều cung cấp rất nhiều hoạt động bên lề để thỏa mãn người hâm mộ. Nhưng nếu nó được đưa lên thành phim thì sao? Sự tự do đó sẽ biến mất, và phim sẽ bắt bạn phải ngồi xem những gì hãng phim muốn kể.
Chỉ 2 yếu tố tôi vừa nêu ra thôi đã cho thấy Grand Theft Auto mà làm phim thì cầm chắc thất bại.
The Stanley Parable
Nếu đã từng chơi The Stanley Parable, chắc hẳn bạn đọc cũng sẽ đồng ý với tôi rằng để đưa trò chơi lên phim thực sự là một việc rất khó. Về cốt truyện, gần như The Stanley Parable không có một cốt truyện rõ ràng nào cả. Game sẽ có một giọng nói đóng vai trò vừa là người hướng dẫn và cũng là người kể chuyện cho game thủ.
Các tình tiết trong game cũng rất đơn giản, tuyến nhân vật lại không có, tôi không thể tưởng tượng được một bộ phim chuyển thể từ trò chơi này sẽ như thế nào. Đó còn chưa kể trò chơi châm biếm rất nhiều vấn đề nổi cộm trong xã hội, được thể hiện chỉ với một giọng đọc. Điều quan trọng nhất là Stanley Parable cực kỳ hack não với 18 cái kết khác nhau. Có thể nói đây là một tựa game với lối chơi đơn giản nhưng để chuyển thể lên màn ảnh rộng không phải việc dễ dàng.
Gone Home
Gone Home của nhà phát triển Fullbright đã nhận được rất nhiều lời khen khi phát hành vào năm 2013, bởi câu chuyện phi tuyến tính và đẩy mạnh khai thác những bí ẩn. Các nút thắt đẩy câu chuyện lên cao trào cũng được làm rất tốt, nó khiến cho người chơi luôn cảm thấy ngỡ ngàng với sự thật đã bao trùm lên toàn bộ căn nhà của gia đình Greenbriar.
Nhìn chung, ý nghĩa mà Gone Home đem lại thực sự rất đáng để được phát triển thành phim. Trò chơi đã đề cập tới vấn đề tình yêu đồng giới vào thập niên 90s, thời điểm xã hội vẫn chưa chấp nhận chuyện này. Tuy nhiên, nếu để thực hiện một bộ phim chuyển thể từ Gone Home – một trò chơi chỉ yêu cầu bạn đi lại xung quanh một ngôi nhà để tìm những mảnh giấy ghi chú? Tôi không nghĩ nhiều người có hứng muốn xem một bộ phim mà suốt 90 phút chỉ có 1 nhân vật đi lại trong một ngôi nhà.
Mass Effect
Nhìn qua thì đề tài khoa học viễn tưởng của Mass Effect rất phù hợp để phát triển một bộ phim chuyển thể. Tuy nhiên, có một vấn đề nho nhỏ ở đây, sự hấp dẫn của thương hiệu Mass Effect nằm ở việc cho người chơi lựa chọn hướng đi của cốt truyện. Mỗi quyết định mà game thủ đưa ra đều có sự ảnh hưởng nhất định trong từng nhánh rẽ của toàn bộ câu chuyện.
Khi lên phim, trải nghiệm của những người hâm mộ Mass Effect đang từ chủ động chuyển sang bị động. Đây là một điều cực kỳ khó chịu. Giả sử trong game, người chơi muốn cốt truyện đi theo hướng mà họ muốn, nhưng lên phim họ lại phải xem hướng cốt truyện mà mình không muốn. Đặc biệt cái hay của Mass Effect còn nằm trong khối lượng kiến thức đồ sộ mà người chơi phải đọc qua các tư liệu trong game về lịch sử thế giới trong game, xuất thân các chủng tộc đến quá trình khai phá vũ trụ và chiến tranh vũ trụ… bạn không thể bắt khán giả xem phim đọc từng đấy thứ trong vỏn vẹn 2 tiếng đi kèm diễn biến phim.
Có thể nhiều bạn cho rằng một bộ phim sinh ra để phục vụ khán giả đại chúng yêu thích điện ảnh, chứ không phải chỉ riêng game thủ. Nhưng hãy nhìn vào lịch sử của phim chuyển thể từ game, bao nhiêu trong số đó là siêu phẩm? Và bao nhiêu trong số đó chất lượng chỉ vứt vào sọt rác? Phim dựa trên một tựa game với cốt truyện tuyến tính còn chưa làm nên hồn, vậy thì với một trò chơi có cốt truyện rẽ nhánh phức tạp như Mass Effect, làm sao người ta có thể sản xuất một bộ phim tương xứng đây.
Còn tiếp…
- Có những tựa game không nên chuyển thể lên phim – P.1