Với bất cứ tựa game bom tấn nào thì ngoài chất lượng ra, yếu tố thời gian và số giờ chơi cũng là thứ quyết định xem nó có đủ sức hấp dẫn hay không. Rõ ràng là việc bạn đã bỏ ra cả triệu bạc để mua thì ít nhất nó cũng phải thỏa mãn được trên 40 tiếng đồng hồ, đủ để cho người dùng cảm thấy thỏa mãn.
Trong thời đại ngày nay chúng ta có thể thấy mỗi khi bom tấn nào đó ra mắt, các nhà phát hành luôn cố gắng quảng cáo là game của mình có nội dung rất đồ sộ, thể hiện qua số giờ chơi lên tới vài chục thậm chí là cả trăm, nhưng đôi khi chúng chỉ là con số mà thôi.
Đầu tiên phải nói số lượng giờ chơi càng nhiều chứng tỏ nội dung của tựa game càng phong phú, cũng như ít nhất cho người đã bỏ tiền ra mua đó có một chút gì đó để mong chờ. Lý do mà các nhà phát hành luôn dùng câu nói quen thuộc “game có thời lượng khoảng 40 giờ, nhưng nếu muốn hoàn thành 100% thì cần nhiều hơn”, chính là để tạo ra một tâm lý an toàn nhắm vào các game thủ sẽ bỏ tiền ra mua nó. Chẳng có ai lại muốn bản thân mất cả đống tiền, chỉ đổi lại một sản phẩm ngắn ngủn mà chỉ sau khoảng 20 tiếng đã chẳng còn gì để khám phá nữa.
Điển hình của việc này chính là trường hợp của Resident Evil 3 Remake vừa ra mắt, khoan bàn tới chất lượng hay phong cách thay đổi ra sao, mà chúng ta có thể nhận thấy ngay là bất kì bài đánh giá nào, cũng đều chê bai tựa game này bằng một từ đơn giản đó là “quá ngắn”. Thực sự ngay bản thân người viết cũng chỉ tốn có chưa tới 20 giờ để hoàn thành 100% game này, nếu đổi ra ngày thì từ khi mua nó về tới lúc không còn thứ gì để khám phá chưa hết nửa tuần lễ, so sánh với giá tiền thì vụ này đúng là không thể nào mà không chửi được.
Một game chưa cần biết hay dở thế nào thì cũng phải có số lượng giờ chơi tối thiểu trên 40 tiếng, thường thì các nhà phát hành luôn cố khống chế trong khoảng từ 40 tới 60 tiếng, có vài trường hợp sẽ nhiều hơn nhưng cơ bản mốc này là tiêu chuẩn để thỏa mãn hầu hết game thủ phổ thông. Tất nhiên chúng ta sẽ không bàn tới những ai muốn đạt trophy 100%, vì đó hoàn toàn là việc cày cuốc lặp đi lặp lại rồi.
Thể loại game cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới số lượng giờ chơi, thường JRPG hay thế giới mở là nhiều nhất (có khi hơn 100 giờ), game hành động hay giải đố sẽ ít hơn. Nó cũng còn tùy xem nhà phát hành có thể tung ra các bản cập nhật hay DLC mới để kéo dài nó lên hay không, thí dụ như Monster Hunter World thì mặc dù là một game thuần cày cuốc, nhưng bất kì ai cũng sẽ bỏ vào đây khoảng trên 200 giờ nếu muốn đi tới cuối game, vì cứ khoảng vài tuần là Capcom sẽ tung ra một bản cập nhật mới miễn phí.
Thế nên đại kị nhất của các nhà phát hành là game của họ có nội dung quá ít, ở đây chúng ta chỉ bàn về việc là đi từ đầu tới lúc về nước chứ chưa có khám phá bí mật gì đâu đấy. Tâm lý của người chơi là luôn muốn cuộc phiêu lưu của mình trong game kéo càng dài càng tốt, ít nhất là đủ để mang lại cho họ cảm giác mong chờ điều tiếp theo là gì. Một vài game như thể loại Souls-like thì hơi đặc biệt một chút, vì cốt truyện chính có khi chỉ khoảng 20 giờ thôi nhưng bạn sẽ tốn gấp 3 lần con số đó vì bị trùm nó nhét hành vào mồm.
Nhưng không phải lúc nào số lượng giờ chơi dài cũng là thứ bảo đảm cho tựa game đó thành công, một thế giới mở đa dạng và nhiều bí mật như Red Dead Redemption 2 sẽ làm chúng ta chìm đắm vài trăm tiếng đồng hồ, nó khác hẳn với một cái Days Gone trống vắng buồn bã nơi mà người chơi chỉ biết phóng xe mô-tô trong vô định.
Trường hợp của Death Stranding cũng là điển hình của việc một game có số giờ chơi lớn nhưng chán ngấy là như thế nào, bạn có thể không tin nhưng chắc phải 50% thời lượng trong game chúng ta chỉ xem phim cắt cảnh và đọc những đoạn hội thoại dài dằng dặc, xen lẫn vào đó là những lúc chuyển hàng.
Sai lầm của Death Stranding hoặc khá nhiều game khác chính là nhịp độ quá chậm và giải thích quá nhiều, từ đó nó nhồi một lượng thông tin khổng lồ vào đầu người xem (từ chuyên môn gọi là info-dump) dẫn tới việc họ bị loạn. Bạn không thể nào nhớ được vài chục từ chuyên môn, đi kèm hàng tá sự kiện phức tạp khác chỉ bằng cách nghe các nhân vật giải thích, tại sao Bloodborne lại được khen ngợi là có một trong những game có cốt truyện tuyệt vời nhất, vì đơn giản nó in sâu vào não người chơi bằng những trận đấu trùm, thứ thậm chí sẽ ám ảnh bạn tới già theo đúng nghĩa đen luôn.
Khi mà game chỉ thuần túy là giải thích, nói chuyện cùng cắt cảnh dài lê thê như Death Strading, người chơi sẽ bắt đầu cảm thấy nhàm và không còn hứng thú để nhớ nữa. Cho nên mặc dù có số lượng giờ chơi vô cùng dài (trên 50 tiếng nếu chỉ tính cốt truyện chính), nhưng nó rất khó để đọng lại trong đầu bạn hay thậm chí là có bao nhiêu người đủ kiên nhẫn để đi tới cùng, vì chẳng có mốc sự kiện hay trận đánh nào thực sự đáng nhớ cả, tất cả những gì chúng ta làm toàn là chuyển đồ và chuyển đồ.
Đây cũng chính là lý do mà tại sao Death Stranding bị chê là khó hiểu và lê thê mặc dù có số lượng giờ chơi dài (ngược hẳn với RE 3 Remake), đơn giản là tựa game đó không tạo ra không gian để người chơi khám phá hay trải nghiệm, mà nó bắt ép mọi thứ vào khuôn mẫu rồi cứ thế đóng xuống vô cùng khô khan.
Red Dead Redemption 2 cũng rất dài nhưng không hề thấy nhàm chán, vì nó có hàng trăm thứ bên lề để tìm hiểu theo từng chương, tạo cảm giác là càng về sau game càng hứng thú và kích thích game thủ tìm hiểu. Không quan trọng là cốt truyện của game hấp dẫn ra sao, nếu như nó không tạo được điểm mốc đáng nhớ thì cũng chẳng khác gì một đống chữ khô khan vô hồn. Các game JRPG thành công còn vì số lượng bí mật lớn sau khi về nước, với hàng tá thử thách còn mạnh hơn cả trùm cuối chờ đợi game thủ tới ăn hành (dòng Final Fantasy là điển hình).
Số lượng giờ chơi quyết định tới phân nửa thành công của một bom tấn, bất kì tựa game nào không thể cân đối được việc này thì chỉ có hai kết quả, bị dân tình chửi rủa điên cuồng như Resident Evil 3 Remake hoặc bị “bơ” đẹp như Death Stranding.