Death Stranding
Trong Death Stranding, bạn là Sam “Porter” Bridges, một tay giao hàng cô độc sử dụng mọi phương tiện có thể để chuyển những món hàng thiết yếu đến với những người cần chúng. Những mối đe dọa cả hữu hình lẫn vô hình (các Beached Thing, những tên MULE) lảng vảng khắp nơi ngăn chặn người ta bước ra khỏi nơi trú ẩn của họ, và chỉ có những “shipper” như Sam dám bước ra đường.
Hình ảnh nước Mỹ mà Death Stranding mô tả rất xa lạ vào thời điểm trò chơi được phát hành. Đó là một nước Mỹ trống rỗng, vắng lặng và yên tĩnh, bị phân cách bởi những hàng rào điện, các chốt kiểm soát. Những người khách hàng của Sam không bao giờ gặp mặt anh trực tiếp – họ chỉ nhận hàng qua các băng chuyền, nói lời cảm tạ qua hình ảnh hologram xanh nhợt nhạt. Sau khi hoàn tất chuyến giao hàng, Sam lại rời đi để tiếp tục lái xe qua những vùng đất mới, vẫn trống trải và tĩnh lặng đến lạ lùng.
Death Stranding của Hideo Kojima kể một câu chuyện âm u về thế giới hậu tận thế, nơi người ta bị buộc phải ở lì trong nhà và né tránh giao tiếp với người ngoài vì sợ hãi những mối đe dọa bên ngoài. Trò chơi được thiết kế nhằm khiến game thủ cảm giác được sự cô đơn, cách biệt với những người khác vì một hiểm họa trong quá khứ, dù bạn đang đeo gánh nặng kết nối những mảnh vụn của nền văn minh nhân loại lại với nhau.
Cả thế giới đó lẫn chàng Sam đều không có thật, nhưng những hình ảnh trong tựa game mà Hideo Kojima tạo ra bỗng nhiên trở nên rất thật trong những tháng vừa qua.
Sự tương đồng với thế giới thực
Bởi dịch bệnh COVID-19 và xu thế cách ly / giãn cách xã hội trên toàn thế giới, Mọt tui không thể tránh khỏi chuyện so sánh nước Mỹ của Death Stranding với những gì đang diễn ra trong đời thực. Dù Việt Nam chúng ta không chịu nhiều ảnh hưởng từ COVID-19 vì đã làm rất tốt việc chống dịch, bạn vẫn có thể nhận thấy sự xáo trộn trong cuộc sống đời thường vì bệnh dịch qua những thông tin từ nước ngoài. Rất nhiều nước thực hiện việc tự cách ly và khuyến khích người dân ở nhà, tránh ra đường để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh.
Ở những quốc gia bị COVID-19 hoành hành nặng nhất, nhà hàng, trường học, phố xá lẫn danh lam thắng cảnh và những nơi công cộng khác đều trở nên vắng vẻ, trong khi người dân hạn chế ra ngoài và dựa vào những người giao hàng (như Sam Bridges) để thỏa mãn nhu cầu thực phẩm, hàng hóa của mình. Cũng như Sam Bridges, những người giao hàng đó cũng phải chịu rủi ro lớn để hoàn thành nhiệm vụ của mình, chỉ khác là họ không phải đối mặt với Timefall (mưa thời gian) hay Beached Thing.
Một sự tương đồng khác giữa COVID-19 và Death Stranding là cái giá đắt về mạng người mà chúng ta phải trả. Trong Death Stranding, văn minh chỉ còn tồn tại ở những thành phố lớn trong khi các thị trấn, làng mạc nhỏ hoàn toàn bị phá hủy và trở nên hoang vắng, trong khi số ít người rút vào những nơi thâm sơn cùng cốc để ẩn náu một mình. Ngoài đời thực, đã có gần 2,6 triệu ca nhiễm và 177.000 người chết trên toàn thế giới, những con số rợn người.
Dĩ nhiên sự cách ly trong thế giới thực còn xa mới bằng với những gì mà Death Stranding thể hiện, nhưng qua những ví dụ trên, hẳn bạn cũng đã nhận thấy chút tương đồng giữa thế giới ảo đầy ám ảnh của Death Stranding với đời thực trong những tháng qua.
Tương tác giữa con người
Death Stranding là một hình tượng cực đoan về một đất nước hậu thảm họa, khi người dân của nó phải tự đấu tranh để sinh tồn mà không có sự trợ giúp, hướng dẫn hay phối hợp nào từ cộng đồng xung quanh. Sự tách rời của cá nhân khỏi cộng đồng tạo ra sự cô đơn mà con người – một sinh vật bầy đàn – khó có thể chịu đựng được. Sam Bridges là một nạn nhân của sự cô đơn này, thể hiện qua những cuộc gặp gỡ, tương tác vụng về giữa anh với những người khác (dù một phần là vì chứng sợ đụng chạm Haphephobia) có thể khiến Mọt tui cảm thấy… quê giùm dù chỉ là người xem.
Trong game, Sam chỉ có thể tìm thấy sự ký thác tinh thần qua những tương tác với cậu bé B.B mà mình mang theo người, trong khi ở ngoài đời chúng ta may mắn hơn hẳn. Những buổi chơi game, các phần mềm chat là những phương tiện đem lại cho game thủ chúng ta nguồn tương tác cần thiết, trong khi những người thích vận động vẫn có thể tham gia vào các hoạt động khác nhau dù vẫn phải giữ khoảng cách – các buổi tập thể thao chung trên những ban công riêng lẻ, những buổi hòa nhạc vang vọng cả khu phố mà bạn có thể xem trong video bên dưới là một ví dụ.
Quả thật có nhiều sự tương đồng giữa thế giới ảo mà Hideo Kojima tạo ra với đời thực của những tháng đầu năm 2020, nhưng chúng cũng có sự khác biệt cơ bản: game thể hiện một tình trạng cách ly tối đa nơi người ta không đến gần nhau cả về khoảng cách lẫn tình cảm, còn ngoài đời dù giữ khoảng cách vật lý, chúng ta vẫn giữ liên kết với nhau về tinh thần. Càng giữ nghiêm ngặt các quy tắc đề phòng sự lây lan của dịch bệnh, ngày mà chúng ta xích lại gần nhau (theo đúng nghĩa đen) sẽ càng đến nhanh hơn.