Cyberpunk là một nhánh nhỏ của thể loại khoa học viễn tưởng. Được ra đời khi phong trào New Wave science fiction đang phát triển nở rộ thời điểm những năm 70 của thế kỷ trước. Người ta muốn lột tả thế giới dưới một góc nhìn trần trụi hơn, nơi mà công nghệ tân tiến mang đến nhiều tiện nghi cho cuộc sống. Nhưng đi cùng với sự phát triển đó chính là sự suy đồi trong lối sống và đạo đức của con người. Và thế là các tác phẩm kinh điển như Necromancer, Bladerunner, RoboCop hay The Matrix được ra đời.
Năm 1988, Michael “Mike” Alyn Pondsmith lúc bấy giờ đang làm việc tại R.Talsorian Games – một công ty chuyên sản xuất board game có trụ sở tại Washington, Hoa Kỳ. Giống như nhiều người ở thời điểm đó, Mike bị mê hoặc bởi thể loại Cyberpunk đầy bụi bặm nhưng không kém phần quyến rũ. Và thế là ý tưởng cho một thế giới tương lai, nơi máy móc trở thành một phần của cuộc sống loài người bắt đầu được nhen nhóm trong đầu của ông. Không lâu sau đó, Mike cùng các cộng sự tại R.Talsorian Games cho ra mắt sản phẩm mới với tên gọi Cyberpunk 2013. Một ấn phẩm đi kèm có độ dài gần 100 trang giải thích về bối cảnh cũng như lối chơi được tung ra thị trường. Đứa con tinh thần của Mike nhanh chóng chiếm được cảm tình từ phía người hâm mộ thể loại game tabletop và đã tiêu thụ được hơn 5 triệu bản trong suốt thời gian đó. Trò chơi vinh dự khi nằm trong danh sách những tựa game tabletop RPG nổi tiếng nhất mọi thời đại.
Hơn 30 năm sau, thế giới mà Mike xây dựng ngày nào một lần nữa được người ta nhắc tới, nhưng lần này là dưới dạng trò chơi điện tử vận hành trên PC và các máy console. Cyberpunk 2077 – tựa game được mong chờ nhất năm 2020, đứa con tinh thần của nhà phát triển CD Projekt Red được xây dựng trên chính nền tảng của Cyberpunk 2013 năm nào. Mike Pondsmith được về mời làm cố vấn sản xuất. Còn cốt truyện của Cyberpunk 2077 tiếp nối những gì đã xảy ra trong Cyberpunk 2013. Những huyền thoại về Morgan Blackhand, Adam Smasher hay Johnny Silverhand bước ra khỏi những trang giấy để đến với game thủ trên toàn thế giới.
Bối cảnh và thế giới
Bối cảnh của trò chơi được đặt tại thành phố Night City năm 2077. Quyền lực chính trị giờ đây rơi vào tay các tập đoàn lớn, luật pháp được sinh ra là để phục vụ những người có tiền, đẳng cấp giàu nghèo bị xoáy sâu hơn bao giờ hết. Những kẻ thấp cổ bé họng đành phải chấp nhận lối sống tạm bợ. Các quy chuẩn đạo đức bị ngó lơ, và bạo lực xảy ra ở khắp mọi nơi. Trải qua nhiều biến cố, nước Mỹ giờ đây không còn là thiên đường trên mặt đất.
Cyber là từ viết tắt của Cybernetic. Được dùng để ám chỉ những tiến bộ vượt bậc về khoa học và công nghệ. Trong Cyberpunk 2077, yếu tố Cybernetic được thể hiện ở những tòa cao ốc trọc trời, xe bay tân tiến, trí tuệ nhân tạo hiện diện ở khắp mọi nơi, và con người sử dụng những bộ phận máy để kéo dài tuổi thọ và đạt được những năng lực phi thường. Bản đồ của trò chơi được chia làm 7 khu vực gọi là các District hay các Quận. Mỗi District trong Cyberpunk 2077 đều có những đặc điểm kiến trúc, văn hóa và thẩm mỹ riêng biệt.
Quận Watson nằm ở phía Bắc của Night City, là khu vực được các nhà tài phiệt người Trung và Nhật Bản rót tiền đầu tư, tất nhiên bạn sẽ nhìn thấy một phần văn hóa Á Châu phảng phất tại đây. Nằm lọt thỏm giữa một rừng cao ốc là những khu chợ đêm và các dãy chung cư chật chội – một phần nét đẹp của thành phố Hong Kong hoa lệ. Khu Kabuki rực rỡ về đêm nhờ những chiếc đèn lồng đỏ được trang trí trên vỉa hè. Nơi đây chính là địa bàn để các băng đang thực hiện những vụ buôn lậu mờ ám của mình.
Ngay bên dưới Watson chính là trái tim của thành phố Night City. City Center nổi bật với phần còn lại của thành phố nhờ những tòa nhà trọc trời xa xỉ. Những con phố ngập tràn ánh đèn neon xen lẫn với các biển quảng cáo khổng lồ. Những chiếc xe sang trọng di chuyển qua lại là nét đặc trưng của khu vực này. Sẽ không khó để bắt gặp những con người mặc trên mình những bộ đồ đắt tiền và các bộ phận giả sáng loáng dạo bước tại đây.
Westbrook là nơi mà những người có tiền tại Night City tìm đến. Đương nhiên đây sẽ là nơi tụ tập của những quán bar và vũ trường xa xỉ nhất thành phố. Japantown sầm uất với những biển hiệu sáng đèn hòa quện vào những làn sương mờ ảo phả ra từ các ống thông khí. Đây chính là địa bàn hoạt động của các băng đảng Yakuza khét tiếng. Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc Quận Westbrook thức dậy. Những kẻ cô đơn bước ra đường để tìm đến những tụ điểm ăn chơi hay các khu phố đèn đỏ. Và tất cả đều nằm dưới sự kiếm soát của băng Tyger Claws.
Heywood nằm ở phía Nam của trung tâm thành phố. Đây là nhà của băng đảng Valentinos. Những kẻ hiếm hoi còn trân trọng vào những giá trị xưa cũ như gia đình, bạn bè hay niềm tin vào Chúa trời. Họ thể hiện tình yêu với đấng tối cao bằng những hình vẽ graffiti chằng chịt trên các con phố.
Santo Domigo là nơi để mà các tập đoàn lớn xây dựng nhà máy. Vì thế mà nơi đây được bao bọc bởi những đường ống khổng lồ và các ống khói hoạt động suốt ngày đêm. Đây cũng là địa bàn của băng 6TH Street Gang. Chúng tự nhận mình là những kẻ ái quốc và có trọng trách phải bảo vệ những giá trị truyền thống của nước Mỹ. Sẽ không khó để bắt gặp những kẻ trong quân phục màu xanh đang vẽ lá cờ tổ quốc trên các con phố tại nơi đây.
Pacifica là nơi có tình trạng an ninh phức tạp nhất của thành phố. Đây từng là điểm du lịch lí tưởng cho những ai muốn ghé qua Night City. Giờ đây, Pacifica chỉ còn lại đống đổ nát của các trung tâm thương mại và khách sạn bỏ hoang. Đây là chiến địa của băng Animals – những kẻ thích dùng nắm đấm thay cho lời nói. Hàng xóm của Animals – băng Voodoo Boys sở hữu những công nghệ tân tiến bậc nhất Night City. Đặc trưng của Pacifica là rác thải và bụi bặm tràn ngập trên đường phố. Nói một cách ngắn gọn, đây không phải là nơi dành cho những kẻ mềm yếu.
Cuối cùng là vùng hoang mạc Badlands bao bọc xung quanh thành phố. Đây là nơi mà các bộ tộc du mục sinh sống. Họ trân trọng những giá trị như gia đình hay bạn bè, và sẵn sàng hi sinh vì những người thân cận nếu cần thiết.
Trong Cyberpunk 2077, ngoài việc di chuyển bằng ô tô hoặc mô tô phân khối lớn, sẽ có những điểm để bạn dịch chuyển nhanh đến các khu vực trong thành phố. Bản thân tôi thì thích ngồi trên chiếc xế hộp của mình để có thể ngắm nhìn thành phố xinh đẹp này. Thế giới của trò chơi được xây dựng rất chi tiết và tỉ mỉ, với nhiều tầng kiến trúc phức tạp chồng chéo lên nhau. Những chi tiết nhỏ nhặt như túi rác đặt ven đường, các tờ báo được vứt vương vãi hay các hình vẽ bậy trên tường đều được dựng hình một cách tỉ mỉ. Nếu chịu khó đi dạo một vòng quanh thành phố, bạn có thể bắt gặp các NPC đang trò chuyện với nhau. Đó có thể là những câu chuyện hết sức tầm phào, nhưng chúng lại có tác dụng gia tăng chiều sâu cho thế giới của game.
Nhìn thoáng qua, có thể thấy Cyberpunk 2077 sở hữu một thế giới mở chi tiết, hấp dẫn và vô cùng đồ sộ. Nhưng đáng tiếc là những nỗ lực của CDPR lại bị hệ thống AI tệ hại đạp đổ. Các NPC trong Cyberpunk 2077 hoạt động một cách máy móc và thiếu tự nhiên. Nếu bạn tương tác với chúng, các NPC này thường sẽ trả lời bằng một vài câu thoại. Nhưng những câu thoại này thường khá ngắn và đôi khi không ăn nhập với ngữ cảnh. Và nếu bạn tiếp tục nhấn nút tương tác thêm vài lần nữa, thì NPC đó sẽ lờ bạn đi và không thèm trả lời nữa. Trong những phân đoạn với nhiều NPC trên màn hình, thì chúng thường sẽ di chuyển rất lộn xộn, đôi khi một nhóm NPC còn thực hiện các cử chỉ giống hệt nhau, trông rất ngớ ngẩn và thiếu tự nhiên.
Hay nếu bạn có lỡ tông phải một người đang đi trên phố, lực lượng cảnh sát sẽ lập tức ập đến và bao vây bạn. Nhưng dù có ở mức độ truy nã cao nhất, bạn chỉ cần lên xe và chạy ra xa một đoạn là đám cảnh sát này bằng một cách nào đó sẽ quên hết mọi tội lỗi của bạn. Mọi thứ lại trở về guồng quay cũ như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Đôi khi nếu bạn lỡ tay nổ súng, thì đám thường dân ở cách đó rất xa cũng sẽ cúi xuống ôm đầu và tỏ ra sợ xệt. Và chúng sẽ giữ mãi tư thế đó cho đến khi bạn đi khỏi. Thành thực mà nói, CDPR còn kém Rockstar rất nhiều về khoản tạo ra một thế giới mở hấp dẫn.
Đồ họa là điểm sáng
Trong khi đó, đồ họa của Cyberpunk 2077 lại là một điểm cộng sáng giá. Khi nhắc đến thể loại này, người ta sẽ nhớ ngay tới những con phố về đêm, nơi có ánh đèn neon rực rỡ sắc màu. Thỉnh thoảng lại có những cơn mưa rả rich để lại trên lòng đường những vũng nước nhỏ như tấm gương phản chiếu. CDPR biết rõ điều này, và họ cũng không hề dấu diếm ý đồ của mình trong những đoạn trailer giới thiệu. Hiệu ứng đổ bóng, mô phỏng nguồn sáng, ambient occolusion, anisotropic filtering, anti – aliasing, vân vân và vân vân, đều được hoàn thiện vô cùng tốt, làm nổi bật được phong cách nghệ thuật mà nhà phát triển muốn truyền tải. Nếu bạn có một chiếc PC đủ mạnh, hãy bật tính năng Ray Tracing lên và tận hưởng. Đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thị giác thỏa mãn nhất mà bạn từng có.
Thế nhưng, điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là thiết kế cử động của nhận vật. Việc sử dụng góc nhìn thứ nhất cho phép các animator phát huy tối đa khả năng của mình. Từng cử động nhỏ nhất của nhân vật sẽ được hiện lên trên màn hình. Từ leo trèo, mở cửa cho tới nạp đạn hay ngắm bắn đều được hoàn thiện vô cùng tốt, và khiến cho các hành động và cử chỉ của nhân vật rất có sức thuyết phục. Ngoài ra, các cử động của nhân vật phụ trong game cũng được chăm chút rất tỉ mỉ. Dù chỉ là những cảnh nói chuyện thông thường, thế nhưng chuyển động trên khuôn mặt vẫn được xử lý rất tự nhiên. Còn trong những đoạn cắt cảnh, HUD của game sẽ tạm thời đươc giấu đi giúp gia tăng trải nghiệm nhập vai của tôi lên đáng kể.
Một game RPG chính hiệu
Trong những bài phỏng vấn với CDPR, nhà sản xuất này vẫn luôn nhấn mạnh rằng Cyberpunk 2077 là một tựa game nhập vai RPG chứ không phải phiêu lưu hành động. Điều này là hoàn toàn chính xác khi mà yếu tốt nhập vai xuất hiện xuyên suốt quá trình trải nghiệm trò chơi. Sẽ có 5 thuộc tính của nhân vật mà bạn cần nắm vững, đó là Intelligence, Body, Reflexes, Technical Ability và Cool. Những chỉ số này ngoài tác dụng mở khóa những đoạn hội thoại ẩn, thì còn mở ra những hướng xây dựng nhân vật khác nhau. Mỗi khi lên cấp, game sẽ cho bạn 1 điểm cấp độ và 1 điểm thuộc tính. Điểm cấp độ dùng để nâng cấp 5 chỉ số kể trên. Còn điểm thuộc tính sẽ được dùng để mở khóa các kỹ năng bên trong 5 nhánh chỉ số kia. Ví dụ như Reflexes sẽ cho phép bạn nâng cấp kỹ năng của Súng trường, Súng lục hoặc kiếm. Là một người yêu thích sự hoài cổ, tôi chọn cho mình một khẩu revolver và dành toàn bộ điểm thuộc tính vào bảng kỹ năng của súng lục. Thêm một chút vào blade để gia tăng khả năng cận chiến. Và thế là nhân vật của tôi đã đủ sức để làm gỏi mọi kẻ địch ngáng đường.
Các khẩu súng trong Cyberpunk 2077 cũng được chia làm 3 loại. Power Gun giống với những khẩu súng thông thường. Tech Gun cho phép các viên đạn nảy ra khỏi bề mặt tiếp xúc và Smart Gun có những viên đoạn với khả năng tự định vị mục tiêu. Mỗi loại súng đều có tác dụng trong những trường hợp cụ thể và tất cả đều cho cảm giác rất riêng khi sử dụng. Ngoài ra thì những khẩu súng trong game đều sở hữu thiết kế rất phong cách và đẹp mắt, được kết hợp hài hòa giữa công nghệ của tương lai và kiểu dáng trong quá khứ.
Hệ thống combat chỉ thuộc dạng khá
Trước khi ra mắt, trò chơi từng vấp phải một số phàn nàn về hệ thống cận chiến. Nhưng theo cảm nhận của tôi thì melee trong Cyberpunk 2077 không quá tệ. Điểm duy nhất khiến tôi khó chịu đó là khi bạn tấn công liên tiếp vào người của kẻ địch, đôi khi chuyển động của chúng sẽ không phản ứng đúng theo tác động của đòn đánh. Ngoài ra, những thùng thuốc nổ được đặt ở các vị trí rất khó quan sát. Vì thế nếu không để ý, bạn rất dễ chém phải chúng và chết một cách khá là vô duyên.
Cơ chế lén lút của trò chơi chỉ thuộc dạng khá so với những tựa game kinh điển của thể loại này như Metal Gear hay Splinter Cell. Thường thì bạn sẽ luồn ra sau kẻ địch để lén lút hạ gục chúng. Hoặc một cách khác là sử dụng những khẩu súng có gắn giảm thanh để tránh sự chú ý từ quân địch. Một khi bị phát hiện, ngoài sử dụng quick hack ra thì sẽ không có cách nào để bạn thoát khỏi tầm mắt của kẻ địch. Nhưng kể cả khi đã biết được vị trí của bạn, quân địch cũng chỉ di chuyển loanh quanh tại vị trí của mình chứ không đem đến nguy hiểm thực sự nào cho người chơi.
Như đã nói từ trước, hệ thống AI của Cyberpunk 2077 là một điểm trừ vô cùng lớn. Trong combat, nếu kẻ địch không đứng chìa mặt ra cho bạn thẳng tay xả đạn, thì chúng sẽ nấp kín sau các bức tường và chờ cơ hội để quăng bom về phía người chơi. Thêm vào đó là việc trò chơi không hề có hệ thống cover. Nếu muốn tránh né làn đạn của kẻ thù, bạn phải nhấn ngồi xuống và nấp sau một vật thể nào đó. Mỗi khi lựu đạn của quân địch bay tới, bạn cần đứng lên, sau đó chạy ra xa để né tránh sát thương, rồi lại quay về vị trí cũ và nhấn ngồi xuống một lần nữa. Trong những trận chiến có quy mô lớn, AI yếu kém kết hợp với hệ thống cover rườm rà chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng ức chế. Ngoài ra thì quân địch trong Cyberpunk 2077 tìm đường rất kém, nhiều lúc bạn sẽ phải vất vả mới có thể tìm ra kẻ địch cuối cùng còn sót lại bởi nó sẽ biết di chuyển xung quanh một khu vực nhất định.
Câu chuyện của những con người trong một thế giới hỗn loạn
Trong Cyberpunk 2077, người chơi sẽ vào vai nhân vật có tên V. Bạn có quyền lựa chọn 1 trong 3 lifepath để bắt đầu câu chuyện của mình. Các lifepath này sẽ có một chút khác biệt ở phần mở đầu, nhưng sau cùng thì tất cả vẫn sẽ vẫn tuân theo mạch truyện chính của game. Việc lựa chọn lifepath đôi khi sẽ mang đến những đoạn hội thoại đặc biệt giúp bạn hiểu thêm về tính cách nhân vật hoặc thế giới của game, tuy nhiên thì tần xuất xuất hiện của chúng là khá ít. Giống với nhiều tựa game nhập vai khác, sẽ có rất nhiều đoạn hội thoại rẽ nhánh xuất hiện trong Cyberpunk 2077. Phần lớn trong số đó sẽ cho bạn thêm thông tin về một nhân vật hoặc một khu vực trong game, nhưng một số lựa chọn cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới diễn biến cốt truyện của trò chơi. Về khoản này, CDPR đã làm rất tốt với dòng game The Witcher, vì thế mà bạn có thể yên tâm về với lối kể chuyện trong Cyberpunk 2077.
Punk là tên gọi của một dòng nhạc rock xuất hiện vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Đặc điểm của dòng nhạc này là nhịp độ gấp gáp kết hợp với giọng hát nội lực để nói lên những giằng xé trong tâm hồn người nghệ sĩ. Cyber và Punk là hai yếu tố không thể tách rời của thể loại này. Nếu chỉ có Cyber, thì đó sẽ chỉ là một tác phẩm khoa học viễn tưởng tầm thường. Còn Punk sẽ chỉ là một loại hình giải trí phục vụ cho một bộ phân khán giả. Cyberpunk là câu chuyện về máy móc và những tập đoàn lớn kiểm soát cuộc sống. Từ đó nói lên khát vọng tự do và ghét bỏ cường quyền của con người dù là ở bất kỳ xã hội hay giai cấp nào. Yếu tố này được thể rất rõ ràng trong Cyberpunk 2077. Nhân vật chính trong game luôn bị một thế lực nào đó thao túng theo cách này hay cách khác, và xuyên suốt câu truyện của trò chơi, bạn sẽ được trải nghiệm qua những phút giây lắng đọng giữa những con người trong game. Số phận của họ trong một thế giới đầy rẫy những âm mưu và toan tính. Nhịp game chậm rãi nhưng cũng không thiếu những giây bùng nổ và đáng nhớ. Các tình tiết trong game cũng được xử lý rất tốt, không bao giờ đem lại cảm giác gấp gáp hay thúc giục.
Dàn nhân vật phụ cũng là một điểm sáng đáng giá của Cyberpunk 2077. Những nhân vật dù đóng vai trò rất nhỏ trong câu chuyện cũng được lồng tiếng rất thuyết phục. Các nhân vật như Jackie, Judy, Pannam, Dexter Deshawn, Evelyn Parker hay Takemura đều được đầu tư kỹ lưỡng từ lời thoại cho tới khâu diễn xuất. Những cái tên khác như Regina Jones, Wakako hay Delamain dù không có nhiều đóng góp cho cốt truyện chính của trò chơi nhưng cũng để lại nhiều rất nhiều ấn tượng. Ngoài ra, một điểm khiến tôi thích thú chính là tính năng nhắn tin và gọi điện trong trò chơi. Trong quá trình trải nghiệm, bạn sẽ liên tục nhận được những cuộc gọi hoặc tin nhắn từ rất nhiều người tại thành phố Night City. Điều này mang lại cảm giác thế giới của trò chơi như đang chuyển động không ngừng. Có thể nói là rất thú vị.
Ngoài cốt truyện chính tuyến, bạn còn có cơ trải nghiệm tuyến nhiệm vụ phụ đồ sộ và đa dạng. Đó có thể là một nhiệm vụ bắn giết thông thường, nhưng cũng có thể là một câu chuyện nhẹ nhàng nhưng để lại vô vàn cảm xúc. Nếu bạn đã từng chơi qua The Witcher 3, thì hãy yên tâm là chất lượng nhiệm vụ trong Cyberpunk 2077 không hề thuê kém người đàn anh của mình.
Hiệu năng – điểm yếu chí mạng
Điểm trừ lớn nhất của Cyberpunk 2077 có lẽ đến những lỗi vụn vặt xuất hiện xuyên suốt quá trình trải nghiệm. Những bug nho nhỏ có thể kể đến như texture pop-in, render thiếu một phần cơ thể, đồ vật trên tay NPC bay lơ lửng cho tới nhưng lỗi có thể ảnh hưởng trực tiếp tới trải nghiệm, ví dụ như miệng của nhân vật không cử động trong khi nói chuyện, NPC đi xuyên tường hay tệ hại hơn nữa là crash game. Nếu chúng chỉ xuất hiện một vài lần thì tôi tin chắc bất kỳ game thủ nào cũng có thể dễ dàng bỏ qua. Thế nhưng, tần xuất của chúng lại dày đặc và ảnh hưởng rất nhiều tới trải nghiệm nhập vai của game thủ. Ấy là còn chưa kể tới hiệu năng tệ hại trên các hệ máy console. Sau 8 năm phát triển, cùng với đó là vô số lời hứa hẹn về một tựa game với chất lượng vượt trội, có lẽ CDPR nợ cộng đồng game thủ một lời xin lỗi chân thành. Mong rằng, nhà phát triển này có thể khắc phục những khuyết điểm kể trên để chúng không còn là trở ngại đối với những người đang có ý định thử qua tựa game này.