Mặc dù chỉ là một tựa game trên di động nhưng Life After cũng có những mặt hấp dẫn riêng của mình, nhất là khi nó có thể chơi trên PC.
Được phát triển bởi ông lớn Netease nên không có gì lạ khi Life After đã nhận được rất nhiều sự chú ý của cộng đồng, mọi thứ càng hay ho hơn khi phiên bản PC của game cũng ra mắt vào hồi cuối năm ngoái.
Cốt truyện có chiều sâu và lối chơi hấp dẫn
Khác với những game theo dạng mỳ ăn liền khác thì Life After có một cốt truyện độc lập và liền mạch rõ ràng, chứ không phải là chỉ làm theo kiểu giao nhiệm vụ hướng dẫn rồi bỏ xó như nhiều game khác. Life After lấy mốc bối cảnh thế giới hậu tận thế với Zombie và các sinh vật biến dị đang lan tràn khắp nơi, nhân vật chính sẽ tự mình sống sót cũng như phát triển chỗ trú ẩn của mình theo thời gian.
Thường thì tôi không có thiện cảm lắm với những game sinh tồn được phát triển trên di động, vì chúng thường bị lược bỏ rất nhiều nội dung hoặc nhồi nhét rất nhiều thứ vô bổ, làm sao để tạo ra cảm giác “đa dạng” ảo đánh lừa người chơi nhưng thực chất là chẳng có cái gì cả. May mắn là Life After không đi theo lối mòn như vậy, vì sau đoạn hướng dẫn ban đầu bạn sẽ nhận ra là mình sẽ được cấp một căn nhà hoang như là địa điểm khởi đầu, sau đó tìm cách để xây dựng nó lên theo ý thích cũng như biến nó thành căn cứ của mình.
Cũng giống như nhiều game sinh tồn khác, Life After cũng sở hữu hệ thống xây dựng và craft đồ rất đa dạng. Bạn sẽ đi thu thập nguyên liệu như gỗ, đá, quặng sắt và nhiều thứ khác để chỉnh sửa lại căn nhà hoang của mình, tùy biến từng cái cửa sổ một cho tới khung cảnh xung quanh và cả hệ thống phòng thủ nếu cần. Life After cung cấp mức độ chi tiết khá đáng nể bất chấp việc nó chỉ là game trên di động, so sánh một chút thì Life After khá giống thể loại sinh tồn tự do như Rust.
Zombie trong Life After xuất hiện thường trực xung quanh ngôi nhà của người chơi, nhưng đây là game sinh tồn nên mọi việc rất khác, chúng ta sẽ cố gắng tránh mặt đám xác sống này hết sức có thể để tiết kiệm đạn. Mọi thứ công cụ trong game đều có độ bền nhất định, do đó sẽ không có màn cứ lao vào chặt chém hoặc làm rambo ầm ầm kiểu một mình chống hết được, hầu hết thời gian bạn sẽ dành cho việc xây dựng căn cứ chứ không phải ra ngoài làm anh hùng.
Cái lối chơi này thực tế phù hợp cho Life After hơn, vì các game trên di động thường có tiết tấu nhanh và đơn giản nhưng cũng rất mau chán. Bằng cách tập trung vào mảng sinh tồn và xây dựng thì Life After sẽ giữ chân người dùng lâu hơn, chứ không phải quẳng cho họ một đống vũ khí rồi cứ thế mà làm siêu nhân. Một mặt khác thì game cũng có hệ thống thể lực, nên bạn phải cân đối các hoạt động trong ngày và kiểu gì thì kiểu, phát triển căn cứ là việc đầu tiên phải làm.
Cốt truyện trong Life After khá đơn giản và mang kiểu hỗ trợ người chơi nhiều hơn, nhưng ít nhất thì nó cũng nói cho chúng ta biết về cái thế giới đang diễn ra, cũng như còn nhiều loại quái vật khác ngoài Zombie. Tất nhiên tôi không bao giờ đánh giá cao cốt truyện của các game di động, nhưng tối thiểu thì Life After cũng làm cái này ở mức tạm được chứ không phải kiểu làm bừa cho có.
Chơi trên PC khá mượt
Vốn là một game được phát triển cho di động nhưng Life After cũng đã có phiên bản PC vào cuối năm ngoái, về cơ bản thì toàn bộ lối chơi được giữ nguyên chỉ khác phần điều khiển. Game khá giống kiểu bắn súng góc nhìn thứ 3, di chuyển bằng 4 nút WASD và tương tác trên menu bằng chuột. Chỉ có một điều dở là nó không thể làm cách ngắm bắn như các game bắn súng truyền thống được, bạn phải di chuyển hồng tâm tới mục tiêu sau đó nhấn vào biểu tượng viên đạn để bắn (giống như trên mobile), thực tế thì đây là điều đã được đoán trước.
Có rất nhiều server Life After và bạn có thể lựa chọn một cái ở gần mình nhất, số lượng người chơi trong game này vô cùng đông cho nên chúng ta sẽ không sợ lạc lõng đâu. Tôi khá thích cách Life After tùy biến theo phong cách người chơi, bạn có thể solo một mình hoặc lập nhóm party với những người chơi khác, vì game không giống những MMORPG khác là bắt buộc chúng ta phải có đồng đội mới có thể chơi được, dù sao thì sinh tồn đâu có nghĩa là đông người đúng không.
Hình ảnh trong Life After khá đẹp nếu không muốn nói là rất xuất sắc nếu tính theo chuẩn game di động, hơn nữa tạo hình nhân vật trong game không phải theo kiểu mặt hoa da phấn hơi di dị của các game Trung Quốc, cho nên nó khá dễ tiếp cận với cộng đồng thế giới. Tôi chỉ không thích ở một điểm là menu của game bố trí rất rối rắm và thiếu đi các phím tắt ở phiên bản PC, điều này gây khó khăn trong việc trải nghiệm cũng như làm người chơi thao tác khá chậm.
Life After là một game khá hay về đề tài sinh tồn và cũng hiếm khi một game dạng này có cả phiên bản PC, một sự lựa chọn khá tốt cho những ai muốn trải nghiệm hoặc đổi gió một chút, nhất là với cả đống bom tấn vừa ra mắt trong thời gian qua.