Từ tùy chọn đồ họa của Gears Tactics
Khi mở Gears Tactics lên để trải nghiệm trò chơi cho bài review của mình, Mọt tui đã có hai bất ngờ thú vị: một là chất lượng của trò chơi, hai là sự chi tiết của những tùy chọn hình ảnh mà đội ngũ phát triển đến từ hai studio Splash Damage và The Coalition đã đưa vào game. Chất lượng của trò chơi cao thấp thế nào đã được Mọt nhắc đến trong bài đánh giá, nên giờ đây Mọt chỉ muốn chia sẻ thêm về phần tùy chọn đồ họa thuộc hàng top của làng game. Trong số những tựa game ra mắt thời gian gần đây, có lẽ chỉ Borderlands 3 và Ghost Recon: Breakpoint là tiếp cận về mức độ chi tiết của các lựa chọn hình ảnh.
Thật vậy, Gears Tactics cho phép game thủ điều chỉnh khoảng… 40 tùy chọn đồ họa bằng các thanh trượt (slider) với nhiều mức độ khác nhau. Nó thể hiện rõ tác dụng của từng thao tác mà bạn thực hiện trong một khung hình bên cạnh, cũng như cho bạn biết rằng các thay đổi đó ảnh hưởng đến card đồ họa, CPU như thế nào. Trò chơi cũng có tính năng benchmark để cho game thủ thử nghiệm thiết lập mà mình lựa chọn trước khi chính thức bước vào trò chơi nhằm đem lại cho họ trải nghiệm tốt nhất.
Thật ra những tinh chỉnh đồ họa của trò chơi không chỉ dừng lại ở chất lượng hình ảnh hay số khung hình, bởi game thủ thậm chí còn có thể tắt mở nhiều yếu tố khác trong giao diện của trò chơi. Gears Tactics không phải là tựa game duy nhất thực hiện những điều này bởi Resident Evil 2, GTA 5 cũng có những phương thức hiển thị sự thay đổi tương tự, nhưng nó có lẽ là tựa game duy nhất có tất cả những yếu tố trên. Sự kết hợp này khiến việc tinh chỉnh đồ họa – phần việc đầu tiên mà bất kỳ game thủ PC nào cũng làm khi mở một tựa game mới – trở nên hết sức thú vị và dễ dàng.
Đến chiến lược của Microsoft
Phần tinh chỉnh đồ họa này không chỉ làm Mọt tui hết sức hài lòng mà còn nhắc nhở Mọt về chiến lược của Microsoft trong thời gian gần đây: họ đang làm hết sức mình để chinh phục game thủ PC và làm rất tốt. Dưới sự lèo lái của ông Phil Spencer – phó chủ tịch phụ trách mảng gaming của Microsoft hiện tại, game thủ PC khắp thế giới đang được tận hưởng những điều mới mẻ đầy tốt đẹp. Dịch vụ Xbox Game Pass được ưu ái tới mức Microsoft đưa những tựa game mới tầm cỡ AAA như Gears Tactics vào dịch vụ này ngay ngày đầu tiên trò chơi được phát hành. Crossplay không mới nhưng chỉ thực sự “cất cánh” trong thời gian gần đây phần nào nhờ Microsoft thúc đẩy mạnh mẽ, trong khi dịch vụ Smart Delivery cho phép game thủ mua những tựa game “cross generation” như Cyberpunk 2077 một lần rồi sở hữu nó trên cả Xbox One lẫn Xbox Series X.
Game độc quyền console – một trong những di sản từ thế kỷ trước của làng game cũng đang dần bị Microsoft từ bỏ. Hãy nghĩ mà xem: Gears, một dòng game vốn gắn chặt với Xbox kể từ ngày phát hành suốt nhiều năm qua bỗng dưng quay ngoắt 180 độ để cho ba tựa game liên tiếp xuất hiện trên PC (Gears of War 4, Gears 5, Gears Tactics). Gears Tactics thậm chí xuất hiện trên PC trước cả bản Xbox One và được bán trên Steam cũng như trên Xbox Game Pass – dịch vụ mà game thủ chỉ cần bỏ 5 đến 15 USD mỗi tháng để được chơi cả núi game khủng. Với một tựa game như Gears Tactics, game thủ hoàn toàn có thể chọn Xbox Game Pass để thưởng thức toàn bộ trò chơi với mức giá rẻ hơn rất nhiều so với việc mua game.
Trước Gears Tactics, Microsoft cũng đã từng thử chuyển thể game bắn súng thành game chiến thuật với hai phiên bản Halo Wars, và cả hai trò chơi này cũng đều có mặt trên PC – miền đất hứa của thể loại chiến thuật. Tuy nhiên số phận của ba tựa game chiến thuật này lại rất khác nhau: trong khi Halo Wars là những tựa game được thiết kế cho console với gameplay tinh giản tối đa, Gears Tactics lại là một tựa game được xây dựng nhắm đến PC ngay từ đầu. Đây là tựa Gears duy nhất mà game thủ PC được chơi trước Xbox – điều chưa từng xảy ra với một tựa game Gears nào khác.
Tương tự Gears, Halo nay cũng đã chọn PC làm bến đỗ mới của mình và đạt được những thành công lớn. Ngoài việc công bố Halo: Infinite sẽ có mặt trên PC, Microsoft còn thực hiện việc chuyển hệ toàn bộ các phiên bản Halo trước đây (trừ Halo 4) lên PC để cho game thủ PC được trải nghiệm dòng game này. Như vậy, cả hai series bắn súng từng là át chủ bài của Xbox trong cuộc cạnh tranh với PlayStation đã xuất hiện trên PC và phần nào khiến Xbox bớt hấp dẫn. Tuy nhiên Microsoft tỏ ra không bận tâm đến điều này bởi họ đã từ bỏ cuộc chiến console với Sony để chuyển sang tập trung vào một trải nghiệm phục vụ game thủ của họ, bất kể những game thủ đó dùng Xbox hay Windows.
Và tương lai của Xbox Game Pass
Bởi Xbox Game Pass cho game thủ được chơi những tựa game AAA như Gears Tactics với mức giá rẻ đến mức khó tin, rất nhiều game thủ cho rằng nó sẽ gây hại cho thu nhập của Microsoft. Nhưng sự thật có lẽ không phải vậy – rất nhiều game thủ đăng ký Xbox Game Pass của Microsoft là những người sẽ không chi tiền vào game của Microsoft nếu nó không tồn tại. Nếu không có Xbox Game Pass, Microsoft sẽ chỉ nhận được… 0 đồng từ những game thủ này bởi họ sẽ chuyển sang dùng crack vì nhiều lý do khác nhau, từ chướng ngại giá cả đến “chơi thử” rồi quên “mua thật.” Xbox Game Pass đem lại cho Microsoft cơ hội nhận những khoản tiền nhỏ 5-15 USD mỗi tháng từ những game thủ này.
Bên cạnh đó, Xbox Game Pass còn giúp game thủ tiếp cận nhiều game hơn. Theo số liệu mà Microsoft công bố thì trong những ngày trước khi Gears 5 ra mắt năm 2019, lượng người chơi Gears 4 tăng gấp rưỡi, trong số đó có đến 40% là những người chưa từng chạm tới dòng game này. Ông Ben Decker, quản lý marketing Xbox từng nói rằng một game thủ đăng ký Xbox Game Pass thường chơi nhiều game hơn, nhiều thể loại hơn. Những tựa game xuất hiện trong Xbox Game Pass cũng có lượng người chơi trung bình tăng gấp 6 lần và đem lại những cơ hội doanh thu mới cho cả nhà phát triển lẫn Microsoft. Như vậy đây là một tình huống cả game thủ, nhà phát triển, Microsoft cùng có lợi.
Sự thành công của Xbox Game Pass là một điều đáng nể bởi trước đây, dù là nhà cung cấp hệ điều hành mà đại đa số game thủ PC và 100% số game PC lựa chọn, những chiến lược kinh doanh mảng game PC của Microsoft thường khá nửa mùa hoặc trực tiếp “fail sấp mặt.” Những ví dụ cụ thể nhất cho các thất bại đó có lẽ không gì khác ngoài dịch vụ Games for Windows Live (GFWL) đã qua đời hay Microsoft Store nửa sống nửa chết và luôn bị xem là một điều phiền hà cho game thủ chứ không phải một công cụ nâng tầm trải nghiệm của họ.
Lời kết
Như vậy, bản thân Gears Tactics và việc nó xuất hiện trong Xbox Game Pass ngay trong ngày đầu là những cú “đá lông nheo” của Microsoft dành cho game thủ PC, theo sau nhiều lần phát tín hiệu yêu thương trước đó. Trò chơi chắc chắn sẽ khiến game thủ thêm phần chú ý đến dịch vụ Xbox Game Pass nói riêng cũng như những trò chơi của Microsoft nói chung, khiến họ dõi theo những gì Microsoft sẽ tiếp tục làm trong tương lai với những tựa game mới của Gears và Halo – những dòng game đình đám nhất của Microsoft.