Tựa game God Hand có thể nói chính là một trong nhưng siêu phẩm đánh đấm đỉnh cao của dòng Beat ’em up mà chắc chắn bạn sẽ luôn phải nhớ đến nó.
Tựa game God Hand có thể nói chính là một trong nhưng siêu phẩm đánh đấm đỉnh cao của dòng Beat ’em up mà chắc chắn bạn sẽ luôn phải nhớ đến nó. Vào mốc hoàng kim ở thế hệ PS2 khi Capcom đang làm bá chủ thời kì này qua vô số thành công của Resident Evil 4 ở mảng kinh dị sinh tồn, hay sự lên đà thành công của dòng chặt chém qua Devil May Cry 3, cũng như loạt sản phẩm Viewtiful Joe & Okami qua bàn tay nhào nặn của một hãng con của Capcom là Clover Studio. Thời hoàng kim của Capcom, đếm số lượng game được tính là hàng huyền thoại của Capcom thì không bao giờ là đủ nhưng thật đáng tiếc khi chúng ta bỏ sót mất sản phẩm cuối cùng của Clover Studio trước khi họ đóng cửa, đó là God Hand.
“Làm game vì đam mê và nghệ thuật không kiếm ra tiền nên họ chuyển qua làm những thứ chung chung, hao hao nhau để chạy đua với thời đại mà kiếm sống”. Đây có lẽ là câu nói miêu tả chính xác nhất về phong cách của các sản phẩm Clover Studio ngày đó. Dù lối chơi rất vui nhộn như Viewtiful Joe, nền đồ họa rất lạ thường và độc nhất như Okami đi nữa thì vẫn không cứu Clover Studio khỏi con đường diệt vong. Chẳng hạn như một nhóm nhạc nổi tiếng khi rời mất một thành viên chủ chốt thì chất lượng âm nhạc cũng sẽ rớt giá theo với sự mất mát đó và cuối cùng dẫn đến sự tan rã của nhóm. Tương tự lúc này Clover Studio đã nhận thấy ngày tàn của hãng đang đến và các nhân tài tại đây sẽ đối mặt với cảnh mỗi người mỗi ngã, thế thì tương lai khó mà tạo ra những siêu phẩm làm vì nghệ thuật nếu như các thiên tài không có điều kiện hợp tác với nhau.
Cuối cùng Clover Studio đi đến quyết định khó khăn cuối cùng đó là họ sẽ vơ vét toàn bộ nhân lực và kinh phí dư giả ít ỏi còn lại để phát triển một tựa game cuối của hãng, đó là God Hand. Tuy nhiên đây không phải là câu chuyện thần tiên như cách Final Fantasy 1 ra đời và cứu cả hãng Square bên bờ vực phá sản, trái lại Clover Studio nhận thức rằng dù God Hand có thành công hay không thì cũng không thay đổi được số phận buộc phải vỡ tan của hãng, thì đó lại là một món quà tri ân dành cho fan đã ủng hộ những tác phẩm của Clover Studio chứ doanh số tựa game thế nào, không còn là điều quan trọng nữa. Clover Studio ngay sau khi phát hành siêu phẩm thiên thần đội lốt sói trắng là Okami, họ cấp tốc chạy đua với thời gian để kịp phát triển hoàn thiện tựa game cuối là God Hand.
Đó là một quá trình gian nan, khó nhọc vì kinh phí và thời gian phát triển eo hẹp nên chúng ta dễ dàng nhận ra các mặt như đồ họa, thời lượng, sự chăm chút của God Hand vẫn còn kém hơn nhiều mặt so với các bom tấn đủ lông đủ cánh hoàn chỉnh khác của Capcom là Resident Evil 4 hay Okami. Tuy vậy trong cái khó mới ló cái khôn ra. Cái đáng tuyên dương nhất đó chính là hệ thống combat của God Hand sỡ hữu hơn 100 đòn đánh khác nhau tổng hợp từ vô số các loại võ trên thế giới như Muay Thai, Boxing và thậm chí cả võ say tửu quyền, đó là còn chưa kể các đòn kết liễu cũng chiếm số lượng lớn. Tóm lại God Hand là chiếc cổng thiên đường mở rộng chào đón tất cả dân đam mê đối kháng và võ thuật và đủ làm hài lòng tất cả qua độ phức tạp và đồ sộ của nó.
Ngoài trừ bộ điều khiển cực kì hardcore ra khi nhét cả cái tank control vào một game beat them up và cần nhiều thời gian để điều khiển thuận tay thì lối chơi của God Hand đơn giản để làm quen nhưng phức tạp để thuần thục. Mọi chuyện tưởng chừng cứ dễ như ăn cháo khi bạn băng qua màn đầu của trò chơi và càng lên các màn cao thì nhân vật cũng tích góp được kha khá tiền và học được vô số kĩ năng lợi hại hơn nhưng chuyện đâu có dễ tới vậy. Đó là khi bạn mạnh hơn thì dàn quái ở những màn sau cũng xuất hiện dần đông hơn, các chủng loại quái được trang bị nhiều món vũ khí hiểm hơn để cân bằng lại độ khó của trò chơi. “Dễ thở” là một điều gì đó nghe rất nực cười trong God Hand dù bất cứ nơi đâu hay màn chơi nào, bởi chỉ một phút lơ là thì bạn sẽ Game Over.
Lối chơi God Hand cho bạn sỡ hữu các đòn tầm gần bao gồm các đòn đấm thẳng, đấm bổ từ trên, đấm móc ngang và đấm móc từ dưới đầy uy lực. Còn đòn tầm xa bao gồm các đòn đá, gạt giò, múa lượn các bài quyền cước đầy tính hoa mỹ, chỉ có thiết đầu công là không hiểu vì sao không được đưa vào sử dụng khiến tôi buồn thật. Trò chơi không sắp xếp sẵn combo theo thứ tự nào cả, buộc bạn phải mua từng kĩ năng về và bố trí input theo đúng như ý mình, tức là mỗi người chơi God Hand sẽ bố trí mỗi kiểu đánh mà mình ưa thích khác nhau, chả ai “đụng hàng” lối combo của ai trong con số hơn 100 moves khổng lồ ngoài kia.
Và khi bố trí xong các nút input kết hợp được giữa các tầm đấm gần và tầm đá xa thì bạn đã trang bị tạm đủ kĩ năng cho nhân vật hành trang lên đường chiến rồi. Đi đúng với tinh thần game đối kháng võ thuật, God Hand chỉ tập trung vào đánh tay trần – chân đất là chủ yếu, tuy thi thoảng vẫn có những món vũ khí lề đường nhưng chúng chỉ mang tính cung cấp khi bị hội đồng quá nhiều và game vẫn không vì thế mà biến thành game đấu nhau đường phố bằng tất cả vật dụng có trên lề đường giống Yakuza. Vào cuối ngày thì game thủ vẫn phải dựa vào nắm đấm, kĩ năng mà sống sót bởi số lượng vũ khí của trò chơi cực kì eo hẹp và lạm dụng thì mất cả hay. Tôi nhắc lại đây không phải tựa game cầm cả xe đạp, bảng hiệu, kiếm, súng lên quật nhau tới bến như Yakuza!
Số lượng boss fight của trò chơi không quá nhiều nhưng mỗi con bạn phải đánh chúng 2 lần. Và đoán xem chúng nó có tái sử dụng y nguyên lại như cách Devil May Cry 4 sau này từng làm không? Bạn thở phào được rồi đấy, chính xác là không khi mỗi con boss của trò chơi tuy bắt đụng độ 2 lần nhưng lần thứ 2 chúng đã hóa sang hình dạng lớn hơn và lợi hại hơn. Không hề có sự lặp lại lười biếng trong khâu trình diễn boss fight của God Hand.
Trận đấu cân tài cân sức nhất có lẽ vẫn thuộc về trận kế cuối giữa Gene vs Azel:
Gene sỡ hữu một cánh tay thần, cánh tay còn lại thuộc về Azel. Nhờ sự tương đồng này mà God Hand đã đem tới cho người chơi một trận boss fight đạt tới cảnh giới đỉnh cao toàn diện của sự nghe – nhìn. Một trận đấu phải nói đánh một lần là nhớ mãi trong đời bởi tính hoành tráng và thử thách tột cùng nó đem lại, trận đấu để chứng minh giữa Gene vs Azel thì ai là người giỏi nhất, đâu là tay đấm vĩ đại nhất và xứng đáng được sỡ hữu cả hai bàn tay thần một lúc để dùng nó kết liễu trùm cuối. God Hand không phải một trò chơi hành xác người chơi khi thả vào 1 rừng quái hung dữ và quang cảnh đêm tối, đáng sợ như Dark Souls dùng để dọa nạt và tra tấn con tym người chơi. Ngược lại God Hand là một trò chơi try hard tấu hài cực mạnh vào thời điểm đó, có lẽ nhờ sự thừa hưởng sự hài hước giải trí của Devil May Cry 3. Với quang cảnh tươi sáng, màu mè, nhộn nhịp, các kẻ địch được thiết kế khôi hài từ ngoại hình đến hình dáng quá cỡ, âm thanh và hiệu ứng combat ngớ ngẩn thi thoảng chọc cười (đặc biệt màn thánh vỗ mông) cùng với những bản nhạc ì xèo chả mang tính nghiêm túc tí nào là thành quả comedy mà God Hand mang lại để giảm bớt gánh nặng và áp lực cho người chơi khi chết. Chết thì thôi giận làm gì đúng không? Tiếp tục ấn retry và thử chiến lại trong vui vẻ lần nữa nào. “That’s what I expected from you”
Tuy đi đúng tinh thần đối kháng là thế nhưng không có nghĩa God Hand là một trò chơi bắt bạn đấm hoài, đấm mãi đến mức quá tải. Trò chơi vẫn rải rác các challenge bên đường như phá hủy một chiếc xe hơi trong thời gian nhất định, có thể trò này lấy cảm hứng từ Street Fighter 2 chăng? Ngoài ra trong quá trình chơi, một số mini game vui nhộn như bắn thuyền, tung hứng đạn, dập thuốc nổ, vv… được lồng ghép thích hợp vào đôi chút để giảm tải mức độ đấm đá của game lại, mang tới vài giây phút giải sầu lề đường ngắn ngủi trước khi lên đường chinh chiến tiếp. Ngoài ra như tôi đã nói hệ thống mở khóa tất cả các moves của game cần rất nhiều tiền. Đó là lý do bạn phải cày cuốc kha khá thời gian thông qua các mini game như đánh bạc, đua chó để cứu trợ một phần tài chính, tạo cơ hội mở các kĩ năng xịn sò nhanh hơn.
Trong quá trình chơi bạn dễ dàng nhận ra kẻ địch luôn hung hăn tuyên bố những câu như “My style is impetuous” hay câu “My defense is impregnable” (phong cách chiến đấu của bố cực kì hăng máu, còn giáp khiên bố lúc nào cũng cứng chắc một cách vững vàng). Vâng chả còn xa lạ gì, đó chính là những câu tuyên bố cứng như đá đã đi vào huyền thoại của người đàn ông nguy hiểm nhất thế giới Mike Tyson. Còn gì sướng hơn ngoài việc đang chiến đấu thì lại được lũ địch hò ca những câu quote đậm chất huyền thoại một thời của idol Iron Mike như thế nhỉ? Boxer thứ nhì được vang danh trong God Hand đó là… bạn có đoán ra không? Vị khách mời đó chính là The Greatest of All Time, Muhammad Ali.
Sau sự cố bị hao hụt kinh phí và thời gian phát triển của God Hand là thế nhưng từ nay đến tận muôn năm về sau, chúng ta khó mà tìm được tựa game nào đấm sướng tay được như thế, kiểu có mỏi tay cỡ nào thì cũng càng ham đấm nữa, đấm mãi. Điều đáng nói ở đây là các nhà làm game thời nay mất tận mấy năm trời bao gồm cả trì hoãn để hoàn thiện sản phẩm mà rốt cuộc khi phát hành vẫn bị game thủ kêu trời vì bug, kể cả khi update patch bản thứ 1.2, 1.3 gì vẫn chưa triệt để bug và độ khó thì cứ vô lí khó tả. Ấy vậy mà God Hand là một sản phẩm chỉ được hoàn thành trong thời gian ngắn nhưng chưa từng xuất hiện bug gì trầm trọng. Cũng như trong khâu thiết kế độ khó chưa bao giờ gọi là bất công, tuy ta chết nhiều nhưng khó lòng mà đỗ lỗi cho game bởi God Hand đã tạo ra những thử thách tỉ mỉ từng chi tiết đến mức chả biết đổ thừa ai, nếu thua thì đó là do lỗi của bạn.
God Hand là một game thử thách nhưng không có nghĩa là nó hoàn toàn không thể phá đảo, đặc biệt là ở chế độ Hard. Đó là một trải nghiệm gai góc, hiểm trở và đẩy giới hạn của người chơi đến gần nhất bên bờ vực của cái chết. Người viết dám cá rằng mình đã đứt mất mấy sợi thần kinh khi hoàn thành xong chế độ Hard của trò chơi. Bởi khi không còn biết tức giận, không còn chửi thề ra hơi nữa, không còn biết nhục nhã khi chết nhiều là gì nữa thì đó mới là lúc ta trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết mà lấy hết dũng khí sau cùng tiến tới chặng cuối của trò chơi. Và nếu người chơi vượt qua giây phút tử thần ghé thăm đó và hoàn thành trò chơi thì họ xứng đáng nhận được một huy chương danh dự, một người đàn ông, một game thủ đích thực.
God Hand không phải một trò chơi tạo ra để kiếm lời hay bất cứ lý do sâu xa nào khác, đơn giản là nó tạo ra như một món quà tri ân cuối cùng dành cho những người yêu thích nghệ thuật trong phong cách làm game của Clover Studio đứng sau siêu phẩm Okami và công nhận sự sáng tạo trong combat của God Hand. Clover Studio đã tan rã đúng như dự định sau khi kịp hoàn thành God Hand.
Đúng là làm game vì nghệ thuật không thể kiếm sống, không cứu hãng được. Nhưng danh tiếng, sự kính trọng về danh sách những tựa game đã cống hiến hết mình vì nghệ thuật đó… chúng còn sống mãi trong tâm trí người hâm mộ. Sự ra đi của Clover Studio không làm Capcom lay chuyển quá mạnh bởi Capcom còn vô số thương hiệu đắt giá khác, nhưng cái chất làm game vì nghệ thuật của Capcom từ lâu đã không còn. Đúng rồi, phải bao lâu rồi ấy nhỉ tôi chưa được chơi game nào đậm tính nghệ thuật cống hiến như vậy sau quả bom xịt Asura’s Wrath do Capcom nhận trách nhiệm phát hành và PR lố bịch sẽ là God Hand 2.0 nhưng rốt cục gameplay là một loạt trò hề chỉ spam QTE và bắn ruồi? Bao lâu không rõ nhưng có lẽ từ ngày Capcom ra quyết định đóng cửa Clover Studio, đó là một ngày buồn dành cho game thủ yêu cái đẹp, yêu nghệ thuật và God Hand mãi sẽ là cái tên không bao giờ quên được suốt những năm tháng đó.
Trang chủ: https://www.capcom.com/